Tháo điểm nghẽn thể chế để khơi thông nguồn lực cho địa phương
Đại biểu cho rằng, cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, khơi thông nguồn lực đầu tư phát triển cho các địa phương có khó khăn nhưng có tiềm năng, lợi thế.
Đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) phát biểu tại phiên thảo luận tại Hội trường, chiều 8/11.
Theo đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương, đợt dịch COVID-19 bùng phát đã tạo ra sự chuyển dịch lao động lớn làm thiếu hụt lực lượng lao động phục vụ phục hồi sản xuất kinh doanh ở địa bàn đi nhưng xuất hiện tình trạng thất nghiệp của nhiều lao động ở địa bàn đến.
Yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần điều tra, khảo sát, nắm bắt đúng nguyện vọng, mong muốn, nhu cầu của người lao động và cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, những hỗ trợ cần thiết để bảo đảm an sinh, để người lao động tái thiết cuộc sống, an tâm về vấn đề sức khỏe, nhà ở và môi trường việc làm.
Từ đó kích thích người lao động quay trở lại làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Về lâu dài cần phải nghiên cứu, bố trí lại lao động trong nền kinh tế.
Theo đại biểu, cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, khơi thông nguồn lực đầu tư phát triển. Trước hết là cần phải rà soát, tháo gỡ giải quyết những kiến nghị đề xuất của các địa phương, nhất là những địa phương có khó khăn về nguồn lực đầu tư nhưng có tiềm năng, lợi thế, dư địa đặc thù.
Đại biểu lấy ví dụ như tỉnh Ninh Thuận, một tỉnh có xuất phát điểm còn thấp, có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nhưng đó cũng là lợi thế của tỉnh về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; rất dồi dào về điện mặt trời, mạnh về nắng và gió, đặc biệt là có cảng nước sâu Cà Ná có khả năng đón tàu có tải trọng trên 300.000 tấn.
Đây cũng là điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển khí thiên nhiên hóa lỏng. Thời gian qua, tỉnh đã thu hút được nhà đầu tư lớn, chiến lược, đồng thời cũng nhờ có Nghị quyết 31/2016/QH14 của Quốc hội về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và Quốc hội cũng đã giao cho Chính phủ chú trọng phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo nhằm hỗ trợ giúp đỡ tỉnh Ninh Thuận phát triển.
Trên cơ sở đó Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển, kinh tế xã hội ổn định, sản xuất, đời sống của nhân dân giai đoạn 2018 - 2023.
Theo đó, Chính phủ đã chấp thuận chủ trương phát triển tỉnh Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, nghiên cứu phát triển tổ hợp điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Cà Ná.
Nhờ đó trong hai năm qua, tỉnh Ninh Thuận đã vươn lên thành tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP cao của cả nước. Có thể nói đây là một bước tiến vượt bậc. Rõ ràng, các tỉnh còn khó khăn nhưng có tiềm năng, lợi thế rất cần cơ chế, chính sách đặc thù để tạo động lực, thời cơ vươn lên phát triển.
Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành các quyết sách để thực hiện đảm bảo Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia.
Cần thực hiện đảm bảo giải pháp được quy định tại Nghị quyết 55 là đẩy nhanh tiến độ thực hiện thị trường điện cạnh tranh, có cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ, cơ chế đấu thầu đấu giá và đặc biệt là trong các dự án đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng mới; minh bạch giá mua bán điện, có cơ chế khuyến khích, thu hút vốn ngoài nhà nước để đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia.
Có thể bạn quan tâm
Còn bộ phận cán bộ chủ quan, bị động trong phòng, chống dịch
10:54, 08/11/2021
Nông nghiệp cần phát triển thành vùng sản xuất lớn
13:02, 08/11/2021
Thiết kế các gói kích thích kinh tế có liều lượng hợp lý
12:00, 08/11/2021
Phòng ngừa tham nhũng trong chi phí phòng, chống dịch
11:44, 08/11/2021
Tổ chức thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu
11:30, 08/11/2021