Điểm nghẽn của đối tác công tư: Cảnh báo tranh chấp hợp đồng
Nhiều dự án đầu tư theo phương thức Hợp tác công – tư (PPP) còn có khả năng gặp phải rủi ro tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng.
>>Bước lùi của PPP?
LTS: Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật về PPP) ra đời được kỳ vọng tạo ra lực đẩy huy động nguồn vốn từ khu vực tư nhân. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng PPP đang bị “làm khó” bởi cơ chế quản lý tài chính.
Theo Bộ GTVT, việc triển khai theo hình thức PPP đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, 3 dự án PPP giai đoạn 2017 - 2020 là Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo đang gặp khó khăn về huy động vốn tín dụng. Dự kiến, tổng mức vốn vay tín dụng từ các ngân hàng của 3 dự án này khoảng 6.500/9.000 tỷ đồng nhu cầu vốn vay (tương ứng khoảng 72%).
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa ký kết được hợp đồng tín dụng. Không chỉ vướng mắc do khó huy động vốn, các dự án PPP còn có khả năng gặp rủi ro tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng. Theo đó, rủi ro thường gặp phải khi thực hiện hợp đồng PPP là tranh chấp phát sinh từ thỏa thuận giữa các nhà đầu tư tư nhân và các cơ quan Nhà nước ký kết hợp đồng như: tranh chấp liên quan trong các lĩnh vực môi trường, thu hồi đất, thuế quan và chính sách tài chính…
TS Lê Đình Vinh - Giám đốc Công ty Luật Vietthink, Trọng tài viên VIAC cho rằng, khi triển khai các dự án PPP về lĩnh vực hạ tầng, thường gặp các rủi ro như: rủi ro trong đầu tư; rủi ro trong xây dựng; rủi ro tài chính.
>>PPP đường thuỷ nội địa: Khơi thông dòng vốn?
Nguyên nhân của rủi ro, vướng mắc, theo LS Lê Đình Vinh, do sự thiếu thống nhất và chưa rõ ràng của hệ thống hành lang pháp luật nói chung, đặc biệt là sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật.
Ngoài ra, một số quy định chưa sát với thực tế, chưa phù hợp thông lệ quốc tế; Chính quyền vẫn xem nhà đầu tư PPP là đối tượng quản lý chứ không phải đối tác; Khi có các vướng mắc, bất đồng, tranh chấp thì luôn đứng trên quan điểm lợi ích Nhà nước để giải quyết, hy sinh lợi ích nhà đầu tư.
Để phòng ngừa rủi ro tranh chấp có thể phát sinh, TS Lê Đình Vinh cho rằng, cần phải thay đổi cách tiếp cận, phải xem nhà đầu tư là đối tác chứ không phải đối tượng; cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là một bên trong hợp đồng PPP, bình đẳng với nhà đầu tư.
Đồng thời sớm thể chế hóa và thực thi đầy đủ cơ chế pháp luật về chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư trong các dự án PPP theo quy định của Luật Đầu tư PPP; xây dựng cơ chế để giải quyết tranh chấp, bất đồng giữa các cơ quan nhà nước và các nhà đầu tư PPP. Trong đó, trọng tài thương mại là một lựa chọn.
Có thể bạn quan tâm