Tái cơ cấu nền kinh tế để thích ứng tình hình mới: Ba đột phá chiến lược

HUYỀN TRANG thực hiện 08/12/2021 04:30

Chương trình cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đã đưa ra các mục tiêu cụ thể và các giải pháp quyết liệt để hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới.

TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - một trong những cơ quan soạn thảo Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế nhấn mạnh: Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế lần này xác định thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo là đột phá.

- Với tư cách là đơn vị xây dựng Kế hoạch tái cơ cấu, bà có thể chia sẻ về vai trò và sự cần thiết của Kế hoạch trong bối cảnh hiện nay?

Tôi xin nhấn mạnh sự cần thiết của Kế hoạch Tái cơ cấu bằng ít nhất 2 lý do như sau:

Thứ nhất, giai đoạn 2016 -2020, việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng cạnh đó vẫn còn một số hạn chế như: Cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm chưa hoàn thành theo mục tiêu đề ra, hiệu quả đầu tư công chưa cao, giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn vướng mắc; cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm...

Thứ hai, diễn biến phức tạp từ bối cảnh thế giới như cạnh tranh địa chính trị, căng thẳng thương mại, an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19… đặt ra nhiều thách thức và cơ hội mới cần có những định hướng và giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cần phải được thực hiện với các mục tiêu cụ thể và các giải pháp quyết liệt hơn để hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới.

- Nhưng, chúng ta đã có Chiến lược phát triển kinh tế 2021-2025, Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế 2021-2030, thưa bà?

Trên thực tế, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 không phải là một kế hoạch mới, mà là bước tiếp nối và cụ thể hóa, gắn với điều kiện cụ thể của giai đoạn tới. Bối cảnh thế giới và trong nước thay đổi sâu sắc sau dịch bệnh COVID-19 yêu cầu Việt Nam phải thúc đẩy mạnh hơn, nhanh hơn quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Vì vậy, về mục tiêu, Kế hoạch tái cơ cấu đã đề ra mục tiêu cho giai đoạn này là phải tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế, từng bước hướng tới nền kinh tế dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, hài hòa với văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng- an ninh.

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Đẩy mạnh cải cách thể chế; phát triển đầy đủ các loại hình thị trường; thúc đẩy huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội. Hình thành cơ cấu không gian kinh tế hợp lý; phát triển kinh tế đô thị; nâng cấp chuỗi giá trị của các ngành. Nâng cao nội lực của nền kinh tế và của doanh nghiệp Việt.

 Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

- Cụ thể, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 có những đột phá gì so với giai đoạn trước, thưa bà?

So với Kế hoạch giai đoạn trước, Kế hoạch lần này có nhiều điểm mới và đột phá hơn so với giai đoạn trước.

Cụ thể: Kế hoạch được bổ sung điểm mới để đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới; trong đó nổi bật nhất là kinh tế số, kinh tế đô thị và phát huy yếu tố con người, giá trị văn hóa, truyền thống, lịch sử, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam.

Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cũng có một số điểm đột phá như: Kế hoạch xác định thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo là đột phá do đó giải pháp về hoàn thiện thể chế, giải pháp thức đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo được đề xuất để thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại các ngành, cơ cấu lại không gian kinh tế và phát triển lực lượng doanh nghiệp (phát triển các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của người Việt có năng lực cạnh tranh khu vực và toàn cầu, kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI, kết nối chuỗi trong nước và toàn cầu).

- Vậy kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể từng giai đoạn như thế nào thưa bà?

Kế hoạch được triển khai gắn với Chương trình tổng thể phục hồi nền kinh tế sau dịch bệnh COVID-19. Theo đó, Kế hoạch chia thành hai giai đoạn:

Giai đoạn một đến năm 2022: Tập trung hoàn thiện thể chế, chuẩn bị các điều kiện nền tảng kết hợp đẩy nhanh các giải pháp hỗ trợ quá trình phục hồi nền kinh tế.

Giai đoạn hai từ năm 2023 đến 2025: Triển khai mạnh mẽ, đồng bộ tất cả các giải pháp nhằm tạo kết quả rõ nét trong ứng dụng tiến bộ khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển các mô hình kinh tế mới, phát triển kinh tế đô thị, thúc đẩy liên kết vùng, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh, tăng cường nội lực, hoàn thành các mục tiêu đặt ra.

Cuối cùng, lãnh đạo của các ngành, các cấp cần vượt qua được chính mình, vượt qua được tư duy nhiệm kỳ, vượt qua lợi ích cục bộ của ngành, địa phương để hướng tới sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành, các vùng một cách hiệu quả hơn, tránh cát cứ, chia cắt. Có vậy, mới thực hiện thành công cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

- Xin cảm ơn bà!

Có thể bạn quan tâm

  • Cách mạng công nghệ 4.0 và AI là giải pháp chủ đạo tái cơ cấu nền kinh tế

    Cách mạng công nghệ 4.0 và AI là giải pháp chủ đạo tái cơ cấu nền kinh tế

    10:19, 25/07/2018

  • Cần cân nhắc lại các mục tiêu trong Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương

    Cần cân nhắc lại các mục tiêu trong Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương

    04:00, 06/12/2021

  • Tái cơ cấu kinh tế: Cần cơ chế đột phá, tháo gỡ “nút thắt”

    Tái cơ cấu kinh tế: Cần cơ chế đột phá, tháo gỡ “nút thắt”

    15:00, 30/10/2021

HUYỀN TRANG thực hiện