Doanh nghiệp cần sự thấu hiểu và kịp thời tháo gỡ của chính quyền
Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khi trả lời chất vấn trực tiếp của đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố tại kỳ họp thứ 4, HĐND TP.HCM khóa X diễn ra mới đây.
>>>TP HCM từng bước khôi phục kinh tế xã hội
Được biết, đây là lần đầu tiên Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trả lời chất vấn với cương vị người đứng đầu UBND TP.HCM.
Liên quan đến vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết, hiện nay, Thành phố đã vận dụng các chính sách của trung ương và Thành phố để hỗ trợ về tín dụng, hỗ trợ giảm các chi phí sản xuất kinh doanh mở rộng, gia nhập thị trường cũng như tái cấu trúc lại thị trường…
Trong thời gian dịch, Thành phố tiếp xúc thường xuyên với các Hiệp hội doanh nghiệp để nghe ý kiến về biện pháp chống dịch và phản ánh của doanh nghiệp nhằm tổng hợp để phản ánh về trung ương, cũng như có biện biện pháp kịp thời tháo gỡ.
Từ việc làm này đã giúp Thành phố sớm cập nhật được góp ý để đề xuất xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện. Sắp tới, Thành phố tiếp tục giữ sự tiếp xúc với các hiệp hội, doanh nghiệp, kịp thời lắng nghe ý kiến, hiểu khó khăn vướng mắc để đồng hành cùng doanh nghiệp.
"Doanh nghiệp hiện khó khăn nhiều về vốn, lao động, gia nhập, mở rộng thị trường nhưng vấn đề họ cần nhất là sự thấu hiểu khó khăn và kịp thời tháo gỡ của chính quyền. Thành phố sẽ tiếp tục tập trung và thực hiện các nội dung này trong các thời gian sắp tới ", Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, hiện nay doanh nghiệp còn gặp khó khăn về lao động. Do đó, Thành phốcũng đã làm việc với các hiệp hội và đã trao đổi với UBND các tỉnh, thành nơi có nhiều lao động của Thành phố trong việc đưa người lao động về địa phương cũng như đón người lao động trở lại khi tình hình dịch được kiểm soát tốt hơn. Hiện Thành phố đã có nhiều chương trình hỗ trợ người lao động như tiêm vắc xin, hỗ trợ chỗ ở, việc làm.
Về vấn đề an sinh xã hội, Chủ tịch UBND TP.HCM nhìn nhận, thời gian qua Thành phố làm chưa tròn. Trong những ngày giãn cách, người dân gặp khó khăn, Thành phố là địa phương làm sớm, có chính sách để hỗ trợ cho bà con. Tuy nhiên số lượng người gặp khó khăn ngày càng nhiều, đến khi dịch bệnh cao điểm, người dân càng khó khăn thì Thành phố cũng có những bị động lúng túng.
>>>TP.HCM: Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế
“Việc xác định đối tượng, hình thức hỗ trợ chưa chặt chẽ, việc này gây khó khăn trong triển khai thực hiện tại cơ sở. Cho đến nay, nhiều cử tri vẫn còn thắc mắc. Có người được nhận, có người không, người nhận theo hộ, người nhận cá nhân", Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết. Đồng thời, ông nhấn mạnh, trong thời gian tới, Thành phố cố gắng bố trị đủ nguồn ngân sách để tiếp tục rà soát, hỗ trợ cho bà con, để người dân thực sự khó khăn tiếp cận được gói an sinh xã hội.
Liên quan đến vấn đề tội phạm, người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết, năm 2021, Thành phố gặp nhiều khó khăn do dịch. Thành phố lúc đó dự báo nhiều tình huống về an ninh chính trị, an ninh trật tự. Tuy nhiên, đến nay an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
“Điều này do người dân Thành phố có ý thức rất tốt. Mặt khác, hệ thống chính trị cơ sở đã nắm địa bàn, nắm được dân, hiểu và kịp thời giải quyết được vấn đề từ cơ sở. Đặc biệt là lực lượng công an, nhất là cảnh sát khu vực đã bám sát tình hình cơ sở. Kinh nghiệm này cho thấy để đảm bảo an ninh trật tự phải làm sao xây dựng được thế trận an ninh nhân dân, vai trò chính quyền cơ sở làm sao điều hành được, nắm chắc được địa bàn. Trong đó, vai trò tham mưu nòng cốt của công an rất quan trọng”, Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá.
Liên quan đến chất vấn của đại biểu về giải pháp huy động nguồn lực tư nhân cho phát triển của Thành phố trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công có hạn, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, khai thác nguồn lực đầu tư tư nhân cho phát triển Thành phố, Thành phố nhận thức đây là vấn đề rất lớn và quan trọng. Do đó, để huy động được nguồn lực tư nhân thì phải cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nếu tháo gỡ hết các dự án còn tồn đọng thì sẽ có nguồn vốn lớn trong đầu tư phát triển kinh tế xã hội.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thời gian qua, Tổ công tác đầu tư và Tổ giải quyết khó khăn vướng mắc đã tập trung phân nhóm để giải quyết. Từ ngày 1/10 đến nay, trung bình mỗi tuần, Tổ giải quyết kho khăn vướng mắc giải quyết được từ 7-10 hồ sơ. Song song đó, Thành phố cũng sẽ phân nhóm các dự án tư nhân còn tồn đọng để giải quyết.
Đối với các dự án giao thông liên kết vùng, dự án quan trọng như dự án đường Vành đai 2 và Vành đai 3, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, đối với dự án đường Vành đai 2, Thành phố đang cố gắng cân đối nguồn vốn để sớm đưa vào khởi động năm 2022 và hoàn thiện trong nhiệm kỳ này.
Còn đối với đường vành đai 3, Thủ tướng giao TP.HCM chủ trì nghiên cứu hình thức đầu tư, nhưng qua bàn thảo với các địa phương, hình thức đầu tư Hợp tác Công – tư (PPP) không khả thi vì kéo dài đến 29 năm. Do đó, Thành phố cùng các địa phương nghiên cứu đề xuất phương thức đầu tư công để thực hiện dự án này với quyết tâm thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.
“Nếu ngân sách Trung ương khó khăn thì có thể hỗ trợ một phần kinh phí giải phóng mặt bằng, các địa phương sẽ bố trí ngân sách để thực hiện xây lắp. Đây cũng là sự chia sẻ để thực hiện quyết tâm vì dự án đường vành đai 3 là quan trọng để phát triển TP.HCM cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
TP.HCM: Kế hoạch phát triển 1 triệu ngôi nhà giá rẻ có khả thi?
17:03, 08/12/2021
31/12: Nhạc hội TP.HCM đón chào năm mới 2022: “Kết nối để ngời sáng”
11:15, 08/12/2021
Số ca tử vong tăng, TP.HCM tăng cường bảo vệ nhóm nguy cơ
00:19, 08/12/2021
TP.HCM sẽ tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều bổ sung và nhắc lại từ 10/12
21:15, 07/12/2021
TP.HCM: Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế
14:48, 07/12/2021
TP HCM từng bước khôi phục kinh tế xã hội
12:17, 07/12/2021