Trước thực trạng số ca tử vong do COVID-19 thời gian qua tập trung phần lớn vào nhóm người trên 50 tuổi, có bệnh nền, TP.HCM triển khai chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ.
>>>Số ca F0 tăng, TP.HCM ứng phó ra sao?
Trong dự thảo “Triển khai chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ” gửi UBND TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM cho biết, qua phân tích các trường hợp tử vong do COVID-19 trên địa bàn TP.HCM trong thời gian qua cho thấy phần lớn các trường hợp tử vong tập trung ở nhóm người trên 50 tuổi, có bệnh nền, chưa được tiêm chủng, chưa được sử dụng thuốc kháng vi rút trước đó.
Do đó, việc ngăn ngừa những người thuộc nhóm nguy cơ bị nhiễm COVID-19, phát hiện sớm người thuộc nhóm nguy cơ nhiễm COVID-19 để kịp thời điều trị đặc hiệu với thuốc kháng vi rút và theo dõi sức khỏe nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong là vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
TP.HCM phát động “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ” nhằm tập trung nguồn lực bảo vệ sức khỏe cho người trên 65 tuổi và người có bệnh nền, hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong do COVID- 9.
Theo đó, giao Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm tổ chức khảo sát và lập danh sách các hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ, bao gồm: người trên 65 tuổi, người có bệnh nền, báo cáo về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện, TP Thủ Đức để dự trù số lượng test nhanh, gửi về Trung tâm kiểm soát bệnh tật để được cung ứng sẵn sàng cho chiến dịch.
Để kịp thời triển khai các hoạt động bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện, TP Thủ Đức hoàn thành việc thu thập thông tin của người thuộc nhóm nguy cơ trước ngày 12/12.
Giao Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường, xã, thị trấn triển khai thực hiện test đối với những người thuộc nhóm nguy cơ theo danh sách trên địa bàn. Khuyến khích thành viên các hộ gia đình làm xét nghiệm nhanh cho người thuộc nhóm nguy cơ. Trường hợp không tự làm xét nghiệm được, giao Trạm Y tế, Trạm Y tế lưu động, Tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng thực hiện xét nghiệm cho người thuộc nhóm nguy cơ.
Về số lần làm xét nghiệm, người thuộc nhóm nguy cơ thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên 2 lần, cách nhau 3 ngày nếu lần 1 âm tính). Nếu kết quả xét nghiệm sau 2 lần đều âm tính thì sẽ được tư vấn và theo dõi sức khỏe từ xa qua mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành". Nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì được chăm sóc điều trị ngay. Thời gian hoàn thành xét nghiệm trước ngày 18/12.
>>>TP.HCM đề xuất nhiều chính sách nhằm giữ chân nhân viên y tế
Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm vắc xin COVID-19 đến từng người dân thuộc nhóm nguy cơ. Đối với người thuộc nhóm nguy cơ chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều, thuyết phục và nhanh chóng hướng dẫn đến cơ sở y tế gần nhất để được tiêm vắc xin COVID-19 an toàn. Trường hợp người thuộc nhóm nguy cơ không thể di chuyển tới điểm tiêm thì tổ chức các đội tiêm lưu động để tiêm vắc xin tại nhà.
Đối với người thuộc nhóm nguy cơ đã tiêm đủ liều, triển khai tiêm liều nhắc nếu đã tiêm mũi cuối trên 6 tháng. Đối với các trường hợp suy giảm miễn dịch, tiêm liều bổ sung nếu đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 28 ngày. Thời gian hoàn thành tiêm vắc xin cho người thuộc nhóm nguy cơ trước ngày 29/12.
Ngay sau khi có kết quả test nhanh dương tính, Trạm y tế, Trạm y tế lưu động, Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng cấp phát ngay thuốc kháng vi rút (gói thuốc C) và gói thuốc A, B cho người F0.
Gói thuốc C sử dụng ngay khi được cấp phát, thuốc B (thuốc kháng viêm, kháng đông dạng uống) chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, kể cả chỉ định của bác sĩ tư vấn qua mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”. Sở Y tế chịu trách nhiệm ưu tiên phân bổ nguồn thuốc kháng vi rút cho F0 thuộc nhóm nguy cơ.
Việc xem xét cho người F0 thuộc nhóm nguy cơ được cách ly điều trị tại nhà hay tại bệnh viện phải đảm bảo hài hòa giữa các yếu tố: tình trạng bệnh, điều kiện chăm sóc và cách ly tại nhà, nguyện vọng của người bệnh và gia đình.
Giao Trung tâm y tế quận, huyện và TP Thủ Đức chuyển danh sách người thuộc nhóm nguy cơ (kèm số điện thoại liên lạc) đến mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” để thực hiện tư vấn, thăm hỏi sức khỏe định kỳ, bao gồm chăm sóc cả các bệnh nền.
“Trong quá trình tư vấn và thăm hỏi sức khỏe từ xa, nếu phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ chuyển nặng, thông báo ngay đến Trạm y tế, Trạm y tế lưu động, Tổ phản ứng nhanh phường, xã, thị trấn để kịp thời sơ cấp cứu tại nhà và chuyển viện”, dự thảo của Sở Y tế TP.HCM nêu.
Ngày 6/12, Bộ Y tế công bố TP.HCM có thêm 1.174 ca nhiễm COVID-19 mới (giảm 317 ca so với ngày 5/12), nâng tổng số ca mắc COVID-19 cộng dồn trên địa bàn TP.HCM là 480.104. Trong ngày 6/12, TP.HCM có 94 ca tử vong do COVID-19, trong đó có 8 ca chuyển đến từ các tỉnh, thành khác. Cũng trong ngày 6/12, UBND TP.HCM cũng đã có thông báo về cấp độ dịch COVID-10 trên địa bàn. Theo đó, tính đến ngày 2/12, TP.HCM đạt cấp độ 2. Cụ thể, có 8/22 địa phương đạt cấp độ 1, gồm: (Q.1, 6, 7, 8, Tân Bình, Tân Phú, H.Bình Chánh, H.Củ Chi); 13/22 địa phương đạt cấp độ 2 (Q.3, 5, 10, 11, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, TP Thủ Đức, H.Cần Giờ, Hóc Môn và Nhà Bè); 1/22 địa phương đạt cấp độ 3 (Q.4). Đánh giá cấp độ dịch ở cấp phường, xã, thị trấn, có 104/312 địa phương đạt cấp độ 1, 187/312 địa phương đạt cấp độ 2, 21/312 địa phương đạt cấp độ 3. |
Có thể bạn quan tâm
Số ca F0 tăng, TP.HCM ứng phó ra sao?
15:14, 03/12/2021
TP.HCM triển khai tiêm lô vắc xin Pfizer được gia hạn thêm 3 tháng
00:00, 03/12/2021
TP.HCM đề xuất nhiều chính sách nhằm giữ chân nhân viên y tế
12:15, 01/12/2021
TP.HCM: F0 cách ly tại nhà được chọn bác sĩ tư điều trị?
03:01, 01/12/2021
TP.HCM: Tăng cường quản lý F0 tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất
16:55, 29/11/2021
“TP.HCM vào tình trạng khẩn” là thông tin bịa đặt
19:39, 26/11/2021