Chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo trong dài hạn

Phương Thanh 31/12/2021 04:00

Nếu giá mua điện năng lượng tái tạo không ổn định và hài hòa quyền lợi của các bên tham gia, thì khả năng các dự án mới trong giai đoạn 2021-2030 sẽ khó phát triển.

>>Sẵn sàng cơ chế đấu thầu năng lượng tái tạo

Giá FIT - sức hút một thời

Chính sách ngành điện đang trong giai đoạn chuyển giao, đã xuất hiện những chính sách đột phá thay đổi cục diện của ngành kể từ năm 2017, kết quả tăng trưởng ngoạn mục đến từ sự phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT)  như năng lượng gió và mặt trời trong giai đoạn 2018-2021.

Giá FiT điện mặt trời lần 2 đã được ban hành với các mức lần lượt là 7,09, 7,69 và 8,38 UScent/kWh

Giá FiT điện mặt trời lần 2 đã được ban hành với các mức lần lượt là 7,09, 7,69 và 8,38 UScent/kWh

Theo thống kê của EVN, đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt của điện mặt trời là 19,4 GWp, trong đó 9,3 GWp là công suất của hơn 100.000 hệ thống điện mặt trời áp mái và phần còn lại là các nhà máy điện mặt trời. Dự kiến đến cuối tháng 10 năm 2021, công suất lắp đặt điện gió được dự báo tăng khoảng 5,7 GW. Như vậy tổng công suất lắp đặt của các nguồn năng lượng tái tạo biến đổi sẽ đạt khoảng 28% chưa kể nguồn thủy điện.

Tuy nhiên, hệ thống điện Việt Nam vẫn phụ thuộc chủ yếu vào điện sản xuất từ nguồn nhiên liệu hóa thạch chiếm 64% (Nhiệt điện than: 123 tỷ kWh ~ 50% và nhiệt điện khí 34,7 tỷ kWh ~14%). Có được kết quả khả quan trên là do, trong thời gian này có sự tác động của chính sách giá FIT cho năng lượng tái tạo, cụ thể là:

Với điện gió, chính sách quy định giá FIT cho điện gió lần thứ nhất đã được ban hành vào năm 2011 với mức là 78 USD/MWh, tuy nhiên mức giá này được coi là không khả thi về mặt thương mại do vậy cho đến 2017 tổng công suất lắp đặt đạt 135 MW.

Đáng chú ý là cả 3 dự án triển khai ở giai đoạn này đều áp dụng cơ chế tài chính đặc biệt chứ không thuần túy sử dụng giá FIT đã ban hành. Trong đó để thúc đẩy loại hình năng lượng gió phát triển ở Việt Nam, Thủ tướng chính phủ đã ban hành giá FIT2 vào kể từ tháng 11 năm 2018, với mức là 85 USD/MWh áp dụng cho các dự án điện gió trên bờ và 98 USD/MWh cho dự án ngoài khơi (Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg). Điều này đã khiến thị trường có phản ứng nhanh chóng với quyết định này, cụ thể dự kiến đến cuối năm 2021 Việt Nam sẽ có khoảng 5.886 MW điện gió đi vào vận hành, gấp 43 lần tổng công suất lắp đặt năm 2017.

Đối với điện mặt trời: Chính sách quy định giá FiT cho điện mặt trời lần đầu được ban hành vào năm 2017 với mức giá là 9,35 UScent/kWh đi kèm thời hạn nối lưới trước ngày 30 tháng 6 năm 2019.  Chính sách này đã kích hoạt thị trường với kết quả là khoảng 4,5 GW điện mặt trời đã được kết nối với lưới điện trong giai đoạn này. Giá FiT điện mặt trời lần 2 đã được ban hành với các mức lần lượt là 7,09, 7,69 và 8,38 UScent/kWh cho các nhà máy năng lượng mặt trời, hệ thống điện mặt trời áp mái và điện mặt trời nổi, với thời hạn nối lưới là ngày 31 tháng 12 năm 2020.

Các chính sách nói trên đều áp dụng mua điện từ nguồn năng lượng tái tạo là 20 năm và đã tạo ra phản ứng tích cực đến các chủ đầu tư. Từ đó, tốc độ đầu tư diễn ra nhanh chóng tạo đà phát triển cho thị trường trưởng thành hơn trong một thời gian rất ngắn và đồng thời cũng tạo ra những nghi ngại về vấn đề mua điện NLTT với mức giá FIT quá hấp dẫn có thể dẫn đến giá điện bán lẻ tăng lên và xu hướng phát triển thiếu kiểm soát cân bằng cung cầu.

Chính sách là nền tảng

Trước thực trạng trên, theo các chuyên gia để giúp thị trường năng lượng tái tạo trong nước được phát triển bền vững, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ các nước đi trước. Về cơ chế, cần chuyển dần từ cơ chế giá FIT sang đấu thầu, giá bán điện năng lượng tái tạo cạnh tranh. Vì phương pháp này đã được rất nhiều nước trên thế giới áp dụng đạt hiệu quả cao, đồng thời còn giúp đạt được các mục tiêu:

Cơ chế đấu thầu đã được triển khai trên 60 quốc gia với lý do chính, vì cơ chế này mang lại khả năng thực thi kế hoạch phát triển nguồn điện NLTT một cách hợp lý

Cơ chế đấu thầu đã được triển khai trên 60 quốc gia với lý do chính, vì cơ chế này mang lại khả năng thực thi kế hoạch phát triển nguồn điện NLTT một cách hợp lý

Một là phát triển và tích hợp điện NLTT lên lưới hợp lý; hai là giá mua điện NLTT luôn tiệm cận với giá thị trường; Ba là đảm bảo hoàn thành dự án kịp thời và hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng và chính đáng.

Đặc biệt, các quốc gia đã xây dựng chiến lược thúc đẩy sự phát triển năng lượng tái tạo đều dựa trên các chương trình đấu thầu giá bán điện. Chẳng hạn như Chilê, Mexico, các công nghệ điện gió và điện mặt trời (PV) đã chứng minh được tính cạnh tranh ở mức tương đương với năng lượng truyền thống và giành được một phần lớn các hợp đồng ở mức giá rẻ kỷ lục.

Xu hướng này đã được áp dụng cho các dự án điện gió ngoài khơi ở Đan Mạch, Đức và Hà Lan, ngoài ra tại Argentina, Peru và Dubai đấu giá công suất năng lượng cũng đã được áp dụng từ sớm.

Theo bà Ngô Tố Nhiên - Giám đốc Sáng kiến chuyển dịch năng lượng Việt Nam cho biết cơ chế đấu thầu giá bán điện NLTT đã được triển khai trên 60 quốc gia với lý do chính, vì cơ chế này mang lại khả năng thực thi kế hoạch phát triển nguồn điện NLTT một cách hợp lý, tiết kiệm chi phí và minh bạch. Áp dụng cơ chế đấu giá cũng đạt được các mục tiêu phát triển khác, như tạo việc làm cho người lao động, nâng cao trình độ công nghệ và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Ngoài ra còn đem lại các lợi ích nổi bật gồm:

Tính linh hoạt của thiết kế, yếu tố này giúp các nhà quản lý, hoạch định chính sách dễ dàng trong việc kết hợp và điều chỉnh các yếu tố khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu triển khai các dự án NLTT mà vẫn đạt được mục tiêu phát triển phục vụ phát triển kinh tế của đất nước, cấu trúc ngành năng lượng, sự trưởng thành thị trường năng lượng cũng như giảm phát thải trong ngành điện.

Xác định trước giá cả và công suất lắp đặt, cho phép các nhà hoạch định chính sách kiểm soát giá (với giá trần) và lượng điện từ năng lượng tái tạo sẽ được mua, qua đó cũng đảm bảo doanh thu ổn định cho chủ đầu tư đồng thời thiết lập cơ chế kiểm soát phát thải CO2 với các hạn ngạch và mua bán chứng chỉ xanh.

Mức độ cam kết và minh bạch, phản ánh thực tế trên hợp đồng mua bán điện nhằm: Nêu rõ các cam kết và nghĩa vụ của mỗi bên, từ đó tạo ra sự đảm bảo pháp lý cho các nhà đầu tư và giảm thiểu rủi ro tài chính nếu trong tương lai có sự thay đổi về thị trường và chính sách; đồng thời nêu rõ các hình thức phạt nếu trì hoãn thực hiện hợp đồng, nhằm đảm bảo rằng các dự án được triển khai theo hồ sơ dự thầu hướng đến nền kinh tế tăng trưởng xanh và mục tiêu trung hoà carbon năm 2050. Do đó việc thiết lập các chính sách liên tục, xuyên suốt trong dài hạn là cần thiết để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với lĩnh vực năng lượng.

Có thể bạn quan tâm

  • Sẵn sàng cơ chế đấu thầu năng lượng tái tạo

    Sẵn sàng cơ chế đấu thầu năng lượng tái tạo

    02:00, 25/12/2021

  • BIM Group sáng kiến phát triển bền vững từ tổ hợp năng lượng tái tạo kết hợp sản xuất muối sạch

    BIM Group sáng kiến phát triển bền vững từ tổ hợp năng lượng tái tạo kết hợp sản xuất muối sạch

    14:00, 23/12/2021

  • Việt Nam - Ấn Độ: Hướng đến hợp tác năng lượng tái tạo, đổi mới sáng tạo

    Việt Nam - Ấn Độ: Hướng đến hợp tác năng lượng tái tạo, đổi mới sáng tạo

    11:54, 18/12/2021

  • Dự án năng lượng tái tạo tiêu biểu 2021

    Dự án năng lượng tái tạo tiêu biểu 2021

    19:31, 30/11/2021

  • Tăng dư nợ tín dụng cho năng lượng tái tạo

    Tăng dư nợ tín dụng cho năng lượng tái tạo

    11:00, 30/11/2021

Phương Thanh