Còn dư địa thời gian phục hồi kinh tế?

LINH NGA 24/01/2022 04:00

Theo ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, dư địa để Việt Nam thực hiện những gói cứu trợ và phục hồi nền kinh tế vẫn còn nhưng dư địa về thời gian không còn nhiều.

>>“Cú hích” kích thích thị trường

fd

Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ - đây là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch COVID-19 và cần được hỗ trợ kịp thời.

Ông Cường phân tích, khi các quốc gia đã đi vào chu kỳ phục hồi Việt Nam mới bắt đầu đưa ra các chính sách thì sẽ muộn. Áp lực về lạm phát tăng, trong khi hơn 90% doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch và 1,8 triệu người thiếu việc làm đang ảnh hưởng đến việc hình thành chính sách hỗ trợ nền kinh tế.

Dư địa tài khóa còn nhưng "sốt ruột" với dư địa thời gian

Vấn đề là đang có những thay đổi lớn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và châu Á trong năm nay. Điểm tích cực là dòng vốn đầu tư nước ngoài đến châu Á được dự báo sẽ phục hồi rõ nét hơn vào năm 2022, sau khi giảm trong năm 2020, nhích nhẹ trở lại trong năm 2021. Các hoạt động thương mại đang sôi động, nhất là ở các nền kinh tế đang phát triển khi tăng trưởng xuất khẩu đã đạt 10% so với trước dịch, chủ yếu là các mặt hàng điện tử, điện máy, ô tô… 

“Tôi quan tâm đến chính sách ngắn hạn, trong giai đoạn từ nay đến tháng 6/2022, vì các doanh nghiệp, người lao động đang chịu tác động lớn, cần hỗ trợ gấp, nếu không sẽ không đủ sức đợi, nhưng nguồn lực hỗ trợ chưa rõ. Giai đoạn trung và dài hạn có thể nhìn thấy nguồn từ kế hoạch đầu tư trung hạn…”, ông Cường nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng có sự sốt ruột tương tự khi nói đến thời gian của các chương trình phục hồi kinh tế không còn nhiều.

Mặc dù cầu thị trường thế giới vẫn đang phục hồi mạnh mẽ, cộng với các hiệp định thương mại tự do mới có hiệu lực, nên xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng, sẽ cải thiện hơn trong năm 2022, nhưng ông Cung đã nhắc đến lo ngại từ lạm phát chi phí đẩy từ hàng nhập khẩu và giảm dần nới lỏng tài khóa và tiền tệ ở các nước đối tác, cho rằng đây là yếu tố cần xem xét, lưu ý trong quản lý, điều hành ổn định kinh tế vĩ mô.

“Trong khi cầu tiêu dùng trong nước phục hồi chậm, nếu không có gói tài khóa đủ lớn, đủ nhanh và hiệu quả để phục hồi và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, một lần nữa tốc độ phục hồi của nền kinh tế sẽ đi lệch nhịp với xu hướng phục hồi chung”, ông Cung nói - “tốc độ đang là điều mà tôi chờ đợi”. 

>>Doanh nghiệp kỳ vọng gói phục hồi kinh tế sớm triển khai

Bài học kinh nghiệm

Ông Jay Roop - Chuyên gia kinh tế chính của ADB tại Thái Lan cho biết, dịch COVID-19 ảnh hưởng tới tất cả các quốc gia trên thế giới. Trong đó, Việt Nam và Thái Lan không phải trường hợp ngoại lệ. Tuy nhiên, tại Thái Lan, nơi có 98% doanh nghiệp vừa và nhỏ, dù là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nhưng các doanh nghiệp này vẫn tồn tại và không bị sụp đổ trong đại dịch nhờ vào rất nhiều các biện pháp của chính phủ cả về chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá.

Nói về các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ Thái Lan, ông Jay Roop cho biết, một biện pháp liên quan đến chính sách tiền tệ được Chính phủ Thái Lan triển khai là hoãn các khoản trả nợ và tài sản của doanh nghiệp như khách sạn sẽ là tài sản đảm bảo. Chính phủ tiếp nhận các khoản tài sản này và coi đó như là khoản tài sản đảm bảo đối với khoản tín dụng mà doanh nghiệp vay để tiếp tục duy trì hoạt động.

Đồng thời, Chính phủ Thái Lan đã điều chỉnh giảm thuế VAT và gia hạn thời gian nộp tờ khai thuế. Nếu như quá hạn, doanh nghiệp cũng sẽ phải chịu một mức phạt nhưng thấp hơn so với trước kia.

Ngoài ra, ông Jay Roop còn chia sẻ một số biện pháp tài khóa khác như Chính phủ đồng thanh toán cho người tiêu dùng, đồng thanh toán cho người dân khi chi tiêu trong lĩnh vực du lịch... nghĩa là người dân trả một phần và Chính phủ cũng hỗ trợ trả giúp một phần.

"Năm 2021, chúng tôi ước tính chỉ có 0,3% doanh nghiệp nhỏ và vừa bị phá sản nhờ Chính phủ triển khai các biện pháp trên và nhiều biện pháp khác; Hơn 99% doanh nghiệp dễ bị tổn thương, dễ đổ vỡ hiện vẫn tồn tại", ông Jay Roop cho biết.

Ông Kelly Bird - Giám đốc quốc gia ADB tại Philippines - cho biết, đảo quốc này cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, phải phong tỏa kéo dài và kinh tế đi xuống. Tuy nhiên, khi gỡ phong tỏa, kinh tế đã dần phục hồi. Tình trạng thất nghiệp khi phong tỏa lên tới 17% nay giảm chỉ còn 8%. Philippines cũng chịu ảnh hưởng của việc người lao động rời bỏ thành phố về quê tránh dịch. Có khoảng 700.000 lao động chính thức trong các doanh nghiệp tư nhân đã chuyển sang phi chính thức. 

Đáng chú ý, sau khi mở cửa trở lại, Chính phủ Philippines và các doanh nghiệp đã có những chính sách thu hút lao động trở lại làm việc. Đó là chương trình hỗ trợ tài chính cho người lao động từ địa phương trở lại thành phố, đặc biệt là lôi kéo những người lao động Philippines từ nước ngoài về nước làm việc. Ngoài ra là các hỗ trợ về an sinh xã hội. Đồng thời, hình thành mạng lưới liên kết các doanh nghiệp trong lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, xây dựng, du lịch,... thông qua đó chia sẻ thông tin về nhu cầu việc làm, về tuyển dụng và đào tạo mới. Xa hơn là tính đến việc xây dựng lại các mô hình kinh doanh, phân phối lại lao động giữa các ngành và chuyển đổi sản xuất tăng cường công nghệ thông tin, cải cách lại thị trường việc làm.

Có thể bạn quan tâm

  • Không gian và nền tảng phục hồi kinh tế

    Không gian và nền tảng phục hồi kinh tế

    12:10, 20/01/2022

  • Doanh nghiệp kỳ vọng gói phục hồi kinh tế sớm triển khai

    Doanh nghiệp kỳ vọng gói phục hồi kinh tế sớm triển khai

    11:08, 15/01/2022

  • Doanh nghiệp mong chờ thực thi hiệu quả chương trình phục hồi kinh tế

    Doanh nghiệp mong chờ thực thi hiệu quả chương trình phục hồi kinh tế

    15:35, 14/01/2022

  • “Cú hích” kích thích thị trường

    “Cú hích” kích thích thị trường

    11:30, 21/01/2022

LINH NGA