Không gian và nền tảng phục hồi kinh tế

Diendandoanhnghiep.vn Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2022 được ban hành cho thấy những điểm sáng trong việc định hình tư duy cải cách thể chế kinh tế thông qua việc đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp tạo động lực cho nền kinh tế.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết: nếu Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hướng tới “sức bật” cho phục hồi kinh tế, thì Nghị quyết 01 tập trung vào tạo dựng “không gian” và “nền tảng” cho nền kinh tế phục hồi sớm, có chất lượng ngay trong năm 2022.

- So với năm trước, Nghị quyết 01/NQ-CP năm nay có những điểm nào khác biệt, thưa bà?

Nghị quyết xác định tập trung thực hiện ba trọng tâm là khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động mọi nguồn lực để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược.

Điểm nhấn trong năm nay chính là việc thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Trên thực tế, yêu cầu nghiên cứu kế hoạch phục hồi tăng trưởng kinh tế sau dịch bệnh COVID-19 đã được đề cập, kiến nghị ở không ít diễn đàn, thảo luận chính sách ngay từ giữa năm 2020.

Tuy nhiên, tại thời điểm giữa năm 2020, một số nội dung liên quan đến kế hoạch phục hồi tăng trưởng kinh tế còn thiếu cơ sở để cụ thể hóa. Chẳng hạn, dự báo thời điểm khống chế/kiểm soát dịch COVID-19 về cơ bản gắn với các kịch bản tiếp cận và phổ biến vắc-xin là không dễ. Bên cạnh đó, yêu cầu kết hợp hài hòa giữa các yêu cầu cải cách dài hạn (môi trường kinh doanh, phát triển bền vững, v.v.) với các giải pháp kích cầu, tháo gỡ khó khăn trong ngắn hạn có thể khác biệt giữa các lĩnh vực, ngành nghề.

Với nhìn nhận ấy, tôi cho rằng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đã được định hình rõ nét, có căn cứ khoa học, và có điều kiện để thực hiện xuyên suốt trong năm 2022 và năm tiếp theo. Nếu tận dụng hiệu quả các cơ hội và xử lý thách thức có tính đan xen như đã đề cập ở trên, Việt Nam có thể kỳ vọng vào mức tăng trưởng kinh tế từ 6,3-6,5% trong năm 2022.

- Trong 3 khâu đột phá chiến lược mà Nghị quyết đề ra, Chính phủ vẫn tiếp tục nhấn mạnh đột phá thể chế vẫn mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng, thúc đẩy các khâu, các lĩnh vực khác. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Cải cách thể chế vẫn là một đột phá chiến lược để thực hiện thành công mục tiêu đặt ra. Trong thời gian tới, cải cách cần thực hiện mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn; trong đó, không dừng lại ở thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh mà phải thực hiện những cải cách tạo ra nền tảng để nâng cao mức độ thị trường của nền kinh tế.

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Cty Cafatex Cần Thơ

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Cty Cafatex Cần Thơ

Trọng tâm của cải cách thể chế hướng tới xây dựng và phát triển các loại thị trường các nhân tố sản xuất để các loại thị trường này thực hiện vai trò huy động nguồn lực, phân bổ và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả; khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo; và quan trọng nhất là nâng cao năng lực quản trị xã hội, quản lý nhà nước và xử lý tình huống ở các cấp, bảo đảm đủ khả năng ứng phó với mọi tình huống, hướng tới mục tiêu cao nhất là mở cửa lại nền kinh tế chắc chắn, ổn định và an toàn.

- Ngoài những vấn đề như trong Nghị quyết, theo bà, Chính phủ cần làm gì để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế cho năm 2022 và những năm sau tiếp theo?

Việt Nam cần tiếp tục định hình cách tiếp cận đối với một số vấn đề cải cách thể chế ngay trong quá trình phục hồi kinh tế.

Thứ nhất, bảo đảm có sự song hành giữa chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách kinh tế vi mô trong quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế, hướng tới phục hồi xanh và phục hồi bền vững. Điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ không chỉ tập trung vào tạo “sức bật” cho tăng trưởng, mà còn phải giúp duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, từ đó tạo dựng môi trường thuận lợi cho quá trình cải cách môi trường kinh doanh, tạo dựng nền tảng cho các thị trường nhân tố sản xuất, đổi mới sáng tạo.

Thứ hai, nâng cao năng lực nội tại, tính độc lập, mức độ tự chủ của nền kinh tế, trong đó quan tâm nhiều hơn đến khu vực kinh tế tư nhân, gắn với thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do mới, trong đó có RCEP.

Thứ ba, thúc đẩy phát triển kinh tế số. Trong đó, hai nội dung quan trọng là mở rộng không gian số cho doanh nghiệp Việt Nam, và tận dụng nguồn tài nguyên dữ liệu trong nền kinh tế số, xã hội số.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Không gian và nền tảng phục hồi kinh tế tại chuyên mục Kinh tế của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713608809 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713608809 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10