Tháo “điểm nghẽn” để phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Để thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới, các chuyên gia cho rằng, cần tháo gỡ 3 “điểm nghẽn” chính dẫn tới kết quả chưa được như ý…
>> Định hướng nào cho "Liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung"?
Thông tin tại tọa đàm Liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới vừa qua, ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, vùng 5 địa phương Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh. Có tài nguyên khoáng sản khá phong phú, hàng chục di tích lịch sử, văn hóa, nhiều bãi biển đẹp, 3 di sản văn hóa thế giới, 1 khu dự trữ sinh quyển.
Bên cạnh đó, 4 sân bay, 4 khu kinh tế ven biển, 1 khu công nghệ cao và 19 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế, có chiều dài đường bờ biển khoảng 600km, là cửa ngõ ra biển, là bệ đỡ, cầu nối trong giao lưu kinh tế, văn hóa với quốc tế cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.
Đặc biệt, có hệ thống cảng biển khá dày, hình thành con đường huyết mạch trên biển thông thương ra thế giới.
“Vùng có điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh, phát triển đa dạng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như dịch vụ xuất, nhập khẩu, du lịch, nghề cá, dầu khí, vận tải, phát triển cảng biển, dịch vụ cảng, kinh tế đảo và vận tải biển, phát triển các đội tàu, công nghiệp, đóng mới, sửa chữa tàu biển”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Dù được đánh giá có nhiều tiềm năng, tuy nhiên, theo các chuyên gia, vẫn còn đó nhiều tồn dẫn đến sự chậm phát triển, có thể kể đến nguyên nhân đầu tiên là giáo dục và dạy nghề, cụ thể là học vấn và trình độ kỹ thuật của lực lượng lao động. Tỷ lệ lao động của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có mức học vấn thấp hơn mức trung bình của cả nước và thấp hơn nhiều so với hai vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam. Trình độ kỹ năng của lao động cũng vậy.
Nguyên nhân thứ hai là sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng điện, nước, đường sá, viễn thông, Internet... Bên cạnh đó, sự dư thừa công suất về cảng biển và sân bay cũng là một nguyên nhân dẫn tới sự kém hiệu quả trong khai thác cơ sở hạ tầng. Trong các cảng tổng hợp của miền Trung có lẽ chỉ có cảng Quy Nhơn và Đà Nẵng tiệm cận tới mức độ hiệu quả, còn các cảng khác đều rơi vào tình trạng dư thừa công suất. Thêm vào đó, hiện nay, Sài Gòn hay Bà Rịa - Vũng Tàu mới là nơi có nhiều khả năng nhất để đón nhận tàu mẹ (mother feeders), và điều này đẩy các cảng biển miền Trung vào vị thế bất lợi về chi phí và cạnh tranh.
Trong khi, việc đầu tư cơ sở hạ tầng cảng biển và sân bay chưa thật hiệu quả thì đường sắt và đường bộ của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cũng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của khu vực…
>> Kết nối phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng Duyên hải miền Trung, các lợi thế ở Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung vẫn ở dạng tiềm năng, chưa phát triển trở thành lợi thế cạnh tranh. Xuất phát điểm kinh tế của vùng còn thấp, dịch vụ canh tranh yếu kém, nhiều tỉnh còn manh mún, nặng tư duy địa phương.
“Tỉnh nào cũng có đặc điểm tương tự nhau, các tỉnh gần đây vùng lên phát triển nhưng “mạnh ai nấy làm” chứ chưa thực sự liên kết”, ông Thiên bày tỏ.
Bên cạnh đó, không ít ý kiến cũng chỉ rõ, hạn chế về cơ chế điều phối, liên kết phát triển vùng đã được ban hành, nhưng chưa mang lại nhiều kết quả; thiếu cơ chế ra quyết định và điều phối liên kết giữa các địa phương; xuất hiện những xung đột giữa lợi ích địa phương và lợi ích toàn vùng; lợi thế cấp vùng của nhiều ngành, lĩnh vực chưa được khai thác, phát huy.
TS. Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia phân tích, 3 điểm nghẽn chính dẫn tới kết quả liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa được như ý. Đó là giao thông kết nối vùng, liên vùng kém, không tạo được động lực phát triển; Về cơ chế, có hội đồng vùng nhưng tồn tại nặng tính hình thức, không có vai trò rõ ràng, không gắn kết trách nhiệm; Ngoài ra, vai trò của Nhà nước và doanh nghiệp trong hình thành những chuỗi liên kết theo ngành, lĩnh vực chưa nhiều. Từ đó dẫn tới liên kết phát triển vùng chưa tạo được lợi thế, khai thác thế mạnh của vùng mà vẫn còn đầu tư dàn trải và lãng phí nguồn lực.
Từ kinh nghiệm thực tiễn 20 năm vừa qua, ông Lịch cho rằng, cần làm tốt quy hoạch vùng và tiểu vùng, nhất là tiểu vùng kinh tế gắn kết rõ trên 4 lĩnh vực: phân bố lực lượng sản xuất; kết nối hạ tầng giao thông; đào tạo nhân lực và giải quyết môi trường chung.
Đồng tình với quan điểm của TS. Trần Du Lịch, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng, cần phải trao quyền tự chủ, tự quyết định đối với các cấp chính quyền địa phương và sự quan tâm giải quyết kịp thời mang tầm chiến lược của cơ quan trung ương.
“Vấn đề quan trọng là cần nghiên cứu cơ chế phát triển vùng. Đã xác định phân vùng kinh tế là phải có những cơ chế đặc thù để phát triển các vùng kinh tế đó, đồng thời trong mỗi vùng kinh tế xác định khu vực trọng điểm thì phải có những cơ chế để ưu tiên đột phá phát triển mới tạo sức lan toả, làm động lực kích thích cho vùng kinh tế đã được xác định”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Định hướng nào cho "Liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung"?
16:28, 01/07/2022
Kết nối phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên
01:30, 28/06/2022
10-11/6: Giải vô địch các hội Golf miền Trung năm 2022 - Cúp TNL 2022
20:23, 07/06/2022
Quảng Nam sẽ có cảng biển lớn nhất miền Trung vào năm 2025?
01:51, 05/06/2022
Khai giảng khóa đào tạo cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho khu vực miền Trung
04:19, 27/05/2022