Động lực tăng giá vàng ngắn hạn còn lớn?
Giá vàng đã và đang có xu hướng tăng. Tuy nhiên, đà tăng của giá vàng sẽ chỉ thực sự mạnh mẽ hơn khi ổn định trên mức 1.300USD/oz.
Trong tuần này, sau khi mở cửa ở mức 1.285USD/oz, giá vàng đã có thời điểm giảm nhẹ xuống 1.279USD/oz, nhưng sau đó lại tăng lên mức 1.297USD/oz.
Sở dĩ giá vàng tăng trở lại là do 2 quan chức của FED cho rằng, cơ quan này nên ngừng tăng lãi suất cơ bản để đánh giá lại tác động của chính sách tiền tệ của FED đối với kinh tế Mỹ. Trong đó, ông James Bullard, Chủ tịch FED Saint Louis, cho rằng kinh tế Mỹ có thể suy thoái nếu FED tiếp tục tăng lãi suất cơ bản. Bình luận của các quan chức này khá trùng khớp với quan điểm của Chủ tịch FED thể hiện trước đó rằng, FED sẽ điều chỉnh chính sách thắt chặt tiền tệ, nếu kinh tế Mỹ giảm tốc.
Có thể bạn quan tâm
Giá vàng tuần tới sẽ "xuyên thủng" ngưỡng 1.300 USD/oz?
05:01, 06/01/2019
2 kịch bản giá vàng năm 2019
05:01, 31/12/2018
“Bắt mạch” giá vàng 2019
11:00, 30/12/2018
Vì sao giá vàng tăng vọt trước cuộc họp FED?
11:25, 19/12/2018
Động lực nào đang hỗ trợ giá vàng ngắn hạn?
13:50, 12/12/2018
Trong khi đó, biên bản cuộc họp tháng 12/2018 vừa được công bố, cho thấy một số quan chức FED vẫn miễn cưỡng với việc tăng lãi suất cơ bản lần thứ 4 trong năm 2018 khi cho rằng, áp lực lạm phát của Mỹ vẫn chưa đủ mạnh để tiếp tục tăng lãi suất. Ngoài ra, biên bản cũng cho biết, FED sẽ tiếp tục kiên nhẫn để ổn định chính sách tiền tệ.
Giới chuyên gia nhận định, với lời lẽ thận trọng của mình được thể hiện trong biên bản cuộc họp tháng 12, FED có thể sẽ chưa tăng lãi suất cơ bản trong cuộc họp tháng 1 và tháng 3 sắp tới, mà chỉ có thể tăng lãi suất vào cuối năm nay.
Trong khi đó, cuộc đàm phán thương mại Mỹ- Trung kéo dài 3 ngày mà chỉ có một số thông tin được công bố, như Trung Quốc cam kết sẽ tiếp tục tăng cường các sản phẩm nông nghiệp, năng lượng và một số sản phẩm khác. Giới chuyên gia cho rằng, sự “bưng bít” thông tin trong cuộc đàm phán này cho thấy Mỹ và Trung Quốc có những toan tính riêng trong các cuộc đàm phán tiếp theo. Dù sao, đây cũng là tín hiệu tích cực đầu tiên trong thời hạn 90 ngày, giúp xoa dịu phần nào nỗi lo ngại của các nhà đầu tư về chiến tranh thương mại Mỹ- Trung.
Ông Chintan Karnani, Trưởng phòng phân tích của Tập đoàn Insignia Consultants cho rằng, giá vàng có thể sẽ sớm vượt qua mức 1.300USD/oz trong ngắn hạn. “Giá vàng cần ổn định trên mức 1.300USD/oz thì dòng vốn đầu tư mới đổ mạnh mẽ hơn vào thị trường vàng. Tuy nhiên, nếu không vượt qua được 1.300USD/oz, thì giá vàng sẽ giảm xuống mức 1.257USD/oz”, ông Chintan Karnani nhận định.
Về triển vọng giá vàng năm 2019, HSBC vừa đưa ra nâng dự báo giá vàng bình quân năm 2019 lên mức 1.314USD/oz. Nguyên nhân được HSBC đưa ra là do nhu cầu vàng làm nơi trú ẩn an toàn sẽ tăng mạnh khi bất ổn gia tăng trên thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán, nguy cơ bất ổn kinh tế toàn cầu...
Theo phân tích kỹ thuật, giá vàng đã vượt qua kênh tăng giá trên biểu đồ ngày, đây là một tín hiệu tích cực. Theo đó, nếu giá vàng vẫn trụ vững trên mức 1.268USD/oz (MA100), thì xu hướng tăng giá sẽ tiếp tục được duy trì trong ngắn hạn. Trường hợp vượt qua mức 1.300USD/oz, thì giá vàng sẽ đối mặt với mức kháng cự mạnh tại 1.325USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, nhìn chung giá vàng cũng biến động theo xu hướng giá vàng quốc tế, nhưng chậm hơn nhiều. Do đó, mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng quốc tế quy đổi đã được rút ngắn lại còn 470.000đ/lượng. Trong tuần này, sau khi mở cửa ở mức 36,71- 36,86 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng SJC đã giảm xuống mức 36,56- 36,68 triệu đồng/lượng, sau đó tăng lên 36,70- 36,80 triệu đồng/lượng.
Theo ghi nhận của các chuyên gia, các nhà đầu tư trong nước có xu hướng bán ra khi giá vàng lên tới mức trên 36,7 triệu đồng/lượng.