Giá vàng còn tiếp tục tăng vì SARS-CoV-2?
Dù nhu cầu vàng vật chất có thể vẫn ở mức thấp do kinh tế toàn cầu suy giảm, nhưng bất ổn địa chính trị và dịch SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục thổi bùng nhu cầu đầu tư vàng năm 2020.
Chạm đỉnh cao mọi thời đại
Ngay khi bước sang đầu năm 2020, giá vàng quốc tế đã bất ngờ “leo dốc” không ngừng nghỉ lên tới tận 1.611USD/oz, kéo theo giá vàng miếng SJC tại thị trường vàng Việt Nam cũng bứt tốc vọt lên trên ngưỡng 45 triệu VND/lượng khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, cũng như căng thẳng Mỹ- Iran leo thang.
Không dừng lại ở đó, do dịch SARS-CoV-2 diễn biến phức tạp, có xu hướng lan rộng toàn cầu, ngày 24/2 giá vàng tiếp tục “bốc đầu” bay cao hơn lên tới 1.689USD/oz- mức cao nhất kể từ tháng 1/2003 đến nay. Theo đó, giá vàng miếng SJC tại thị trường vàng Việt Nam cũng “leo dốc” lên tới 49,3 triệu đồng/lượng- đỉnh cao nhất từ trước đến nay.
Điều đáng nói là giá vàng trong nước cao hơn giá vàng quốc tế tới hơn 1 triệu đồng mỗi lượng. Đại diện lãnh đạo của một doanh nghiệp kinh doanh vàng ở Hà Nội cho biết, sở dĩ các doanh nghiệp kinh doanh vàng phải đẩy giá cao hơn nhiều so với giá quốc tế do từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp không được nhập khẩu vàng nguyên liệu. Do đó, các doanh nghiệp phải đẩy giá lên cao để phòng ngừa rủi ro.
Nếu như trước đây khi giá vàng tăng “phi mã”, người dân đổ xô xếp hàng chờ mua vàng, thì nay không còn cảnh này nữa. Tuy nhiên theo ghi nhận của một số doanh nghiệp kinh doanh vàng, cũng không ít nhà đầu tư, người dân đổ xô đi mua vàng khi giá vàng vượt 49 triệu đồng/lượng. Điều này đã khiến họ lỗ ngay tới 3 triệu đồng mỗi lượng chỉ sau một ngày (Giá vàng quốc tế có thời điểm xuống 1.633USD/oz, trong khi giá vàng miếng SJC đã giảm xuống 46,3 triệu đồng vào ngày 25/2).
Citigroup đã đưa ra dự báo giá vàng có thể đạt mức trung bình 1.700USD/oz trong 6- 12 tháng tới và 2.000USD/oz trong 12- 24 tháng tới.
Ông Stephen Innes, Trưởng phòng chiến lược thị trường của AxiCorp, cho rằng dịch SARS-CoV-2 vẫn đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan rộng toàn cầu. Điều này sẽ tiếp tục khiến các nhà đầu tư lao vào các tài sản an toàn, như vàng, trái phiếu…, có thể đẩy giá vàng tăng cao hơn nữa. “Nếu vượt qua 1.690USD/oz, giá vàng có thể sẽ vượt ngưỡng 1.700USD/oz”, ông Stephen Innes nhận định và cảnh báo, các nhà đầu tư cần thận trọng với áp lực chốt lời ngắn hạn khi đà tăng của giá vàng đang chủ yếu dựa vào nhu cầu đầu tư tài sản trú ẩn an toàn trong mùa dịch SARS-CoV-2. Nếu dịch này được kiểm soát, thì giá vàng sẽ nhanh chóng giảm mạnh trở lại. Tuy nhiên, nếu giá vàng vẫn trụ vững trên 1.480USD/oz, thì giá vàng vẫn còn duy trì đà tăng trong trung và dài hạn.
Thiết lập đỉnh cao mới?
Nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài dịch SARS-CoV-2, giá vàng vẫn đang được hậu thuẫn bởi nhiều yếu tố khác, nên có thể vẫn tiếp tục tăng trong trung và dài hạn, cụ thể:
Thứ nhất, núi nợ toàn cầu cao kỷ lục tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng nợ, làm gia tăng nhu cầu nắm giữ tài sản phòng ngừa rủi ro. Theo Viện Tài chính Quốc tế, khối nợ toàn cầu đã tăng 9.000 tỷ USD lên mức kỷ lục gần 253.000 tỷ USD, kéo tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu lên 322%, vượt đỉnh cũ năm 2016. Đáng chú ý, hơn một nửa khối nợ nói trên thuộc về các nước phát triển, như Mỹ, Châu Âu…
Thứ hai, dịch SARS-CoV-2 bùng phát mạnh mẽ, khiến xu hướng duy trì lãi suất âm sẽ lan rộng trên toàn cầu, góp phần làm gia tăng sự hấp dẫn của vàng đối với các nhà đầu tư. Lãi suất âm và các chương trình mua tài sản của NHTW châu Âu (ECB) đã góp phần giảm bớt căng thẳng ở các nước thành viên Eurozone, nhưng cũng tạo ra tình trạng khó khăn hơn cho các ngân hàng trong khu vực. Mặc dù vậy, ECB sẽ phải tiếp tục duy trì chính sách này.
Ngoài ra, FED có thể vẫn duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp như hiện nay, thậm chí phải tiếp tục cắt giảm lãi suất nếu kinh tế Mỹ tiếp tục xấu đi.
Thứ ba, theo IMF, bất ổn tài chính ở nhiều quốc gia, cộng với dịch SARS-CoV-2 có nguy cơ đẩy kinh tế thế giới rơi vào cuộc đại suy thoái, khiến các nhà đầu tư tìm đến các tài sản trú ẩn. “So sánh nền kinh tế hiện tại với những gì dẫn đến sự sụp đổ của thị trường tài chính năm 2008, cho thấy một kịch bản tương tự đang diễn ra”, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Gueorguieva nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Giá vàng tuần từ 24- 28/2: “Dò dẫm” tìm đỉnh cao mới
05:00, 23/02/2020
Giá vàng tuần từ 17- 21/2: “Dò bước” quay lại 1.600USD/oz?
06:00, 16/02/2020
Giá vàng tuần từ 10- 14/2: Vẫn “xoáy” theo dịch cúm corona
05:30, 09/02/2020
Giá vàng tuần từ 3-7/2: Bứt phá giữa “tâm bão” Corona?
05:30, 02/02/2020
Đại dịch virus corona bùng phát, giá vàng sẽ tăng tới đâu?
09:45, 31/01/2020
Thứ tư, dù Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, nhưng vẫn còn nhiều bất đồng mang tính chiến lược. Hơn nữa, dịch SARS-CoV-2 khiến Trung Quốc khó thực hiện được cam kết mua hàng hóa Mỹ, đặc biệt là nông sản. Do đó, hai bên khó có thể sớm kết thúc chiến tranh thương mại.
Thứ năm, các NHTW liên tục mua vàng cũng hỗ trợ tích cực cho giá vàng. Theo Bloomberg Intelligence, số lượng vàng mà các NHTW mua trong năm 2019 lên tới 684 tấn.
Ngoài ra, các quỹ đầu tư, đặc biệt là SPDR, được ví là “phong vũ biểu” của thị trường vàng, cũng đã không ngừng mua vàng. Theo WGC, tổng lượng vàng nắm giữ của các quỹ ETF tính đến cuối năm 2019 ở mức hơn 2.900 tấn vàng. Riêng trong gần 2 tháng đầu năm 2020, SPDR đã mua gần 40 tấn vàng.
Ông Christopher Vecchio, Chuyên gia chiến lược cao cấp của Tập đoàn IG cho rằng có nhiều yếu tố đang hỗ trợ cho giá vàng leo lên đỉnh cao mới trong năm 2020. Trong đó, dịch COVID-19 và căng thẳng địa chính trị, đặc biệt ở khu vực Trung Đông, sẽ là yếu tố chính hậu thuẫn cho đà tăng của giá vàng. “Nếu vượt qua 1.700USD/oz, giá vàng có thể lên tới mức 1.750- 1.800USD/oz trong năm 2020”, ông Christopher Vecchio nhận định và cho biết thêm, vùng 1.500USD/oz là mức hỗ trợ quan trọng, kế tiếp là 1.445USD/oz.