Giá vàng hôm nay 3/6: Đà tăng ngắn hạn thiếu bền vững
Dù tình trạng bạo động ở Mỹ đang hỗ trợ cho giá vàng, nhưng nhu cầu vàng vật chất chưa hỗ trợ cho đà tăng này.
Trong phiên giao dịch hôm qua, sau khi mở cửa ở mức 1.735USD/oz, giá vàng quốc tế đã có thời điểm tăng lên mức 1.744USD/oz, sau đó giảm mạnh về mức 1.721USD/oz và đóng cửa ở mức 1.726USD/oz.
Sáng nay trên thị trường Châu Á, giá vàng mở cửa ở mức 1.724USD/oz, sau đó đã tăng lên mức 1.731USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng giảm theo xu hướng giá vàng quốc tế khi giảm từ mức 48,97 triệu VND/lượng xuống 48,8 triệu VND/lượng.
Sáng nay, giá vàng miếng SJC niêm yết tại DOJI vẫn ở mức 48,8 triệu VND/lượng, chưa thay đổi so với cuối giờ chiều hôm qua.
Các cuộc bạo động ở Mỹ phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc sau cái chết của George Floyd tiếp tục tác động tiêu cực đến USD và hỗ trợ tích cực cho giá vàng. Đáng quan ngại hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở Mỹ, thì các cuộc bạo động này có nguy cơ làm cho tình trạng lây lan dịch bệnh thêm trầm trọng hơn, khiến nhiều người lo ngại sẽ có làn sóng COVID-19 thứ 2 bùng nổ ở Mỹ. Điều này có thể khiến tăng trưởng GDP quý 2/2020 của Mỹ có thể bị âm gấp nhiều lần so với quý 1 (-5%).
Ngay cả FED cũng bi quan về tăng trưởng GDP quý 2 khi FED chi nhánh Atlanta nhận định GDP quý 2 của Mỹ có thể giảm tới 52,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo này được dựa trên cơ sở PMI sản xuất công nghiệp tháng 5 cho thấy chỉ có 43,1% số doanh nghiệp mở rộng sản xuất; chi tiêu tiêu dùng cá nhân chiếm tới 68% GDP Mỹ, cũng dự kiến giảm tới 58,1% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6; đầu tư trong nước cũng dự kiến giảm tới 62,6%...
Với chỉ số CPI của Mỹ sụt giảm 0,4% trong tháng 3 và 0,8% trong tháng 4, thậm chí có thể giảm tiếp trong tháng 5 do tác động của dịch bệnh COVID-19, kinh tế Mỹ có nguy cơ rơi vào tình trạng giảm phát trong ngắn hạn. Tuy nhiên về dài hạn, áp lực lạm phát vẫn là nỗi lo lớn đối với kinh tế nước này khi FED vẫn đang thực hiện chương trình nới lỏng định lượng không giới hạn và Chính phủ liên bang đã kích hoạt các gói cứu trợ lên tới 3 nghìn tỷ USD.
Sau khi tuyên bố tước đặc quyền thương mại với Hồng Kông, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn khẳng định tiếp tục duy trì thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc, nhưng Trung Quốc lại chỉ đạo các doanh nghiệp Nhà nước ngừng mua đậu nành, thịt lợn và các nông sản khác từ Mỹ. Điều này có nguy cơ làm nóng trở lại chiến tranh thương mại giữa 2 nước. Trước mắt, giá vàng vẫn được hưởng lợi từ căng thẳng Mỹ- Trung, nhưng nếu chiến tranh thương mại giữa 2 nước này nóng trở lại, có nguy cơ tác động tiêu cực đến giá kim loại quý này.
Đáng chú ý, trong phiên giao dịch vừa qua, dù giá vàng vẫn tăng nhưng khối lượng vị thế mở trên thị trường giao dịch mua vàng tương lai giảm 5.500 hợp đồng, trong khi tổng khối lượng giao dịch cũng giảm 11.500 hợp đồng, cho thấy các nhà đầu tư đã bắt đầu có tâm lý thận trọng với đà tăng của giá vàng trong ngắn hạn.
Trong khi đó, nhu cầu vàng vật chất tiếp tục cho thấy tín hiệu giảm mạnh. Trong tháng 5, số lượng vàng nhập khẩu của Ấn Độ- quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ 2 thế giới, chỉ đạt 1,4 tấn, giảm tới 99% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng vàng nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 5 dự kiến cũng chỉ đạt khoảng 15-17 tấn.
Ông Georgette Boele, Chuyên gia phân tích của ABN Amro, cho rằng các cuộc bạo động ở Mỹ đã và đang hỗ trợ tích cực cho giá vàng. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch vàng sụt giảm, nhất là nhu cầu vàng vật chất, có thể kìm hãm đà tăng của giá vàng ngắn hạn. “Giá vàng có thể sẽ kết thúc quý 2 ở mức 1.725USD/oz, nhưng sẽ tăng mạnh trong quý 3 và 4/2020. Theo đó, giá vàng sẽ kết thúc quý 3 ở mức 1.775USD/oz và quý 4 ở mức 1.800USD/oz”, ông Boele nhận định.
Theo phân tích kỹ thuật, các chỉ số MACD, ADX, RSI, Stochastic … tiếp tục cho thấy tín hiệu điều chỉnh, củng cố của giá vàng ngắn hạn. Nếu không vượt qua 1.745USD/oz, thì giá vàng sẽ tiếp tục điều chỉnh xuống vùng 1.714- 1.725USD/oz, thậm chí thấp hơn nữa. Trường hợp vượt qua 1.745USD/oz, giá vàng sẽ hướng tới vùng 1.750- 1.765USD/oz.
Có thể bạn quan tâm
Giá vàng hôm nay 2/6: USD "tụt áp", giá kim loại quý này bứt tốc tới đâu?
06:30, 02/06/2020
Giá vàng tuần từ 1-5/6: Đà tăng tiếp diễn vì căng thẳng Mỹ- Trung?
05:30, 31/05/2020
Giá vàng hôm nay 29/5: Tiếp tục bứt phá vì dự luật an ninh Hồng Kông?
06:30, 29/05/2020
Giá vàng hôm nay 27/5: Nhiều nước đổ xô mua vàng dự trữ, giá kim loại này sẽ ra sao?
06:34, 27/05/2020