Giá vàng hôm nay 29/5: Tiếp tục bứt phá vì dự luật an ninh Hồng Kông?

NGỌC ANH 29/05/2020 06:30

Việc Quốc hội Trung Quốc thông qua Nghị quyết xây dựng dự luật an ninh Hồng Kông đã khiến các nhà đầu tư lo ngại căng thẳng Mỹ- Trung sẽ leo thang mạnh mẽ hơn.

Giá vàng hôm qua đóng cửa ở mức

Giá vàng hôm qua đã có thời điểm tăng lên mức 1.727USD/oz.

Sau khi mở cửa ở mức 1.709USD/oz, giá vàng quốc tế đã có thời điểm lên mức 1.727USD/oz, sau đó đóng cửa ở mức 1.718USD/oz.

Sáng nay trên thị trường Châu Á, giá vàng mở cửa ở mức 1.716USD/oz, sau đó dao động trong biên độ 1.715- 1.720USD/oz.

Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng tăng từ mức 48,65 triệu VND/lượng lên 48,80 triệu VND/lượng.

Sáng nay, giá vàng miếng SJC niêm yết tại DOJI vẫn ở mức 48,8 triệu VND/lượng, chưa thay đổi so với chốt phiên hôm qua.

Sở dĩ giá vàng phục hồi trong phiên giao dịch hôm qua do Quốc hội Trung Quốc đã thông qua Nghị quyết xây dựng dự luật an ninh mới đối với Hồng Kông. Nếu được ban hành, Luật này sẽ cấm các hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố và can thiệp nước ngoài ở đặc khu này. Đặc biệt, cơ quan an ninh, tình báo Trung Quốc cũng sẽ được thành lập ở Hồng Kông.

Động thái nói trên khiến giới đầu tư lo ngại Mỹ sẽ nhanh chóng áp lệnh trừng phạt Trung Quốc, làm cho quan hệ giữa 2 nước càng căng thẳng hơn. Theo dự kiến, Mỹ có thể sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt, như áp thuế, hạn chế giao dịch đối với một số công ty Trung Quốc…

Nguy hiểm hơn nếu Mỹ quyết định bãi bỏ quy chế thương mại đặc biệt với Hồng Kông. Điều này đồng nghĩa với việc Hồng Kông sẽ không còn là Trung tâm tài chính của Châu Á, vì dòng vốn đầu tư sẽ ồ ạt tháo chạy khỏi đặc khu này.

Tuy nhiên, quyết định nói trên cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới Mỹ, vì hiện có tới khoảng 290 công ty Mỹ đang hoạt động tại Hồng Kông. Nếu quyết định này được đưa ra, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp này sẽ phải tốn kém chi phí di dời trụ sở, mất địa bàn hoạt động đã gây dựng từ nhiều năm nay… Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia dự báo, một khi Hồng Kông mất tự chủ theo đạo luật an ninh mới, thì nhiều khả năng Mỹ sẽ quyết định tước bỏ quy chế thương mại đặc biệt với Hồng Kông.

Ngoài ra, GDP quý 1/2020 sửa đổi lần 2 của Mỹ giảm 5%, cao hơn mức - 4,8% được công bố lần 1. Trong khi đó, đơn đặt hàng hóa bền lâu tháng 4 giảm tới 17,2%; số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của người dân Mỹ vẫn ở mức hơn 2,1 triệu đơn… Tất cả các số liệu này khiến các nhà đầu tư lo ngại về nguy cơ suy thoái mạnh hơn của kinh tế Mỹ trong quý 2.

Hiện nay, kinh tế Mỹ đang đối mặt với một số thách thức: Thứ nhất, triển vọng tăng trưởng dài hạn của các ngành công nghiệp ô tô và hàng không vũ trụ kém tích cực, được thể hiện rõ qua chỉ số PMI sản xuất công nghiệp luôn ở dưới mức 50 điểm.

Thứ hai, giá dầu và khí đốt giảm đồng nghĩa với việc sản xuất dầu đá phiến không còn có lãi ở Mỹ. Điều này, cộng với thất nghiệp tăng mạnh trong mùa dịch, khiến tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng cao, kéo theo vỡ nợ cho vay hộ gia đình, ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng...

Thứ ba, nếu khu vực Eurozone thành lập quỹ đầu tư Châu Âu để hỗ trợ cho các khoản tiết kiệm vượt mức, thì thặng dư bên ngoài của khối này sẽ được giải quyết. Ngoài ra, giá dầu và khí đốt giảm mạnh đang làm giảm thặng dư bên ngoài của OPEC. Khi đó, Eurozone và OPEC không còn thặng dư bên ngoài để tài trợ cho thâm hụt ngân sách của Mỹ, có nguy cơ đẩy lãi suất dài hạn tăng, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.

Các yếu tố nói trên đã khiến các nhà đầu tư gia tăng nắm giữ vàng, đặc biệt quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới (SPDR) cũng mua thêm vàng. Theo đó, số lượng vàng nắm giữ của quỹ này đã tăng thêm 0,2% lên 1.119,05 tấn trong phiên hôm qua, đây là mức cao nhất trong vòng 7 năm qua.

Ông Nabarevi, Chuyên gia ngoại hối, cho rằng căng thẳng Mỹ- Trung vì vấn đề Hồng Kông có thể sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giá vàng. Tuy nhiên, nhu cầu vàng vật chất đang ở mức thấp. Do đó, đà phục hồi này của giá vàng cũng không bền vững. Mặc dù vậy, giá vàng lại có triển vọng tích cực trong dài hạn do áp lực lạm phát tăng mạnh vì các gói kích thích kinh tế khổng lồ lên tới hàng chục nghìn tỷ USD.

Theo phân tích kỹ thuật, nếu không vượt qua vùng 1.730- 1.736USD/oz, thì giá vàng có thể đối mặt với áp lực điều chỉnh về vùng 1.700USD/oz, thậm chí thấp hơn là vùng 1.673USD/oz. Ngược lại, giá vàng có thể lên vùng 1.750-1.765USD/oz.

Có thể bạn quan tâm

  • Giá vàng hôm nay 27/5: Nhiều nước đổ xô mua vàng dự trữ, giá kim loại này sẽ ra sao?

    Giá vàng hôm nay 27/5: Nhiều nước đổ xô mua vàng dự trữ, giá kim loại này sẽ ra sao?

    06:34, 27/05/2020

  • Giá vàng hôm nay 26/5: Thiếu lực đẩy từ nhu cầu vàng vật chất

    Giá vàng hôm nay 26/5: Thiếu lực đẩy từ nhu cầu vàng vật chất

    06:20, 26/05/2020

  • Căng thẳng Mỹ- Trung nóng hơn, giá vàng tuần từ 25- 29/5 sẽ ra sao?

    Căng thẳng Mỹ- Trung nóng hơn, giá vàng tuần từ 25- 29/5 sẽ ra sao?

    05:30, 24/05/2020

  • Giá vàng hôm nay 21/5: Quỹ đầu tư “khát” vàng- điều gì sẽ xảy ra?

    Giá vàng hôm nay 21/5: Quỹ đầu tư “khát” vàng- điều gì sẽ xảy ra?

    06:40, 21/05/2020

  • Giá vàng hôm nay 20/5: FED mạnh tay bơm tiền, tác động thế nào đến thị trường vàng?

    Giá vàng hôm nay 20/5: FED mạnh tay bơm tiền, tác động thế nào đến thị trường vàng?

    06:30, 20/05/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giá vàng hôm nay 29/5: Tiếp tục bứt phá vì dự luật an ninh Hồng Kông?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO