Giá vàng miếng SJC tại thị trường trong nước tiếp tục tăng thêm 6 triệu đồng/lượng, qua đó đưa giá vàng miếng SJC lên mức giá mới 124 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, thời điểm lúc 14 giờ chiều nay (ngày 22/4), giá vàng miếng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) và Tập đoàn DOJI được các doanh nghiệp này điều chỉnh tăng mạnh 6.000.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán so với giá chốt phiên giao dịch trước đó, lên mức giá 122.000.000 đồng/lượng mua vào và 124.000.000 đồng/lượng bán ra.
Cùng thời điểm, Công ty Bảo Tín Minh Châu, giá vàng miếng SJC được điều chỉnh tăng thêm 4.500.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán so với giá chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, lên mức giá 120.500.000 đồng/lượng mua vào và 122.500.000 đồng/lượng bán ra.
Trong khi đó, tại Công ty Phú Quý SJC, giá vàng miếng được doanh nghiệp này niêm yết với mức giá 117.000.000 đồng/lượng mua vào và 120.000.000 đồng/lượng bán ra, tăng 3.500.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 4.000.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với giá chốt phiên giao dịch ngày 21/4.
Cùng chung với đà tăng giá mạnh của vàng miếng SJC, giá vàng nhẫn thương hiệu PNJ của Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng được doanh nghiệp điều chỉnh tăng mạnh 3.500.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 3.100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với thời điểm chốt phiên giao dịch trước đó. Hiện tại giá niêm yết của PNJ tại cả hai thị trường Hà Nội và TP HCM là 117.000.000 đồng mua vào và 120.000.000 đồng/lượng bán ra.
Như vậy, chỉ sau 2 phiên đầu tuần, giá vàng miếng SJC đã tăng vọt từ mức giá 114 triệu đồng/lượng (ngày 20/4), lên mức giá 124 triệu đồng/lượng (ngày 22/4), tương ứng với mức tăng 10 triệu đồng/lượng, khi giá vàng thế giới tăng chóng mặt gần chạm ngưỡng 3.500 USD/ounce vào trưa nay.
Trong bối cảnh giá vàng liên tục tăng mạnh như hiện nay, các chuyên gia cho rằng xu hướng giá là khó dự đoán. Khi các thông tin mới xuất hiện, tâm lý thị trường thay đổi, các chính sách điều hành được áp dụng để bình ổn, hoặc khi các nhà đầu tư lớn bán ra mạnh để chốt lời... đều có thể tác động lên giá vàng.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người dân, cũng như các nhà đầu tư nhỏ lẻ cần phải giữ được sự tỉnh táo, tránh bị cuốn vào hiệu ứng tâm lý đám đông và "đầu cơ" bất chấp rủi ro.
Trên thị trường thế giới, giá vàng như nêu đã tăng mạnh. Tại thời điểm lúc 13 giờ 30 chiều nay, giá vàng thế giới vọt tăng lên gần chạm mức giá 3.500 USD/ounce, tăng hơn 100 USD/ounce so với cùng giờ chiều qua.
Giá vàng thế giới tiếp tục tăng mạnh lên mức kỷ lục mới được cho có sự lo ngại của giới đầu tư khi Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell giảm lãi suất nhưng chưa đạt kết quả. Nhà đầu tư đã đổ xô mua vàng như một kênh trú ẩn an toàn.
Tính từ đầu tháng đến nay, giá vàng đã tăng hơn 400 USD chỉ trong vòng 9 phiên giao dịch. Phần lớn đà tăng đến từ sức mua gia tăng trên thị trường, chiếm khoảng hai phần ba mức tăng, phần còn lại đến từ sự sụt giảm của đồng USD.
Chỉ số đồng USD giảm 1,02% xuống còn 98,165, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư quốc tế. Họ đã chuyển dòng tiền sang các tài sản an toàn như vàng, đồng Yen và đồng franc Thụy Sĩ. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng và các chỉ số chứng khoán lớn ở Mỹ đều giảm hơn 3%.
Các thị trường chứng khoán châu Á cũng chao đảo sau đợt bán tháo tài sản Mỹ, khiến đồng USD giảm giá.
Ông Tapas Strickland, chuyên gia kinh tế thị trường tại NAB nhận định, làn sóng "bán tháo tài sản Mỹ" đang diễn ra mạnh mẽ, dù Tổng thống Trump có thực sự can thiệp vào Fed hay không. Đây cũng là xúc tác khiến nhà đầu tư "vin" vào đó, đẩy nhiệt giá vàng.