Giá vàng hôm nay 18/6: Lực đẩy từ bán đảo Triều Tiên
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục nóng lên, sẽ hỗ trợ tích cực cho giá vàng ngắn hạn.
Trong phiên giao dịch hôm qua, sau khi mở cửa ở mức 1.733USD/oz, giá vàng quốc tế đã có thời điểm giảm xuống tới mức 1.712USD/oz, sau đó phục hồi trở lại một phần do căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, và đóng cửa ở mức 1.726USD/oz.
Giá vàng hôm nay mở cửa ở mức 1.726 USD/oz, sau đó dao động trong khoảng từ 1.725- 1.728USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC giảm từ mức 48,65 triệu VND/lượng xuống 48,56 triệu VND/lượng.
Sáng nay, giá vàng miếng SJC niêm yết tại Công ty Bảo Tín Minh Châu ở mức 48,57 triệu VND/lượng, chưa thay đổi so với ngày hôm qua.
Do các yếu tố tác động trái chiều, nên giá vàng không có nhiều biến động trong phiên giao dịch hôm qua. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, xu hướng này có thể sẽ còn kéo dài hết tuần này, trừ khi bán đảo Triều Tiên căng thẳng hơn nữa.
Sau khi Triều Tiên cho phá hủy Văn phòng liên lạc liên Triều, tình hình giữa Triều Tiên và Hàn Quốc trở nên căng thẳng hơn. Trong khi Triều Tiên tuyên bố sẽ triển khai lại quân đội ở khu vực biên giới giữa 2 nước, thì phát ngôn viên của Hàn Quốc đáp trả không chịu đựng thêm các hành động vô lý của Triều Tiên… Nếu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục nóng lên, sẽ làm tăng vai trò trú ẩn của vàng.
Đáng chú ý, áp lực lạm phát của Mỹ vẫn đang có xu hướng sụt giảm. Cụ thể, CPI tháng 5 vừa được công bố, lại tiếp tục sụt giảm 0,1%, sau khi giảm 0,8% trong tháng 4 và giảm 0,4% trong tháng 3. Do đó, dù FED tiếp tục bơm tiền vào nền kinh tế với số lượng lớn như hiện nay, thì áp lực lạm phát đối với nền kinh tế Mỹ chưa đáng ngại trong ngắn hạn. Điều này cũng chưa gây áp lực giảm giá mạnh đối với USD, qua đó giá vàng chưa thể tăng mạnh.
Đặc biệt, lạm phát thấp, cộng với việc FED đang cân nhắc kiểm soát đường cong lợi suất trái phiếu, sẽ giúp cơ quan này tiếp tục duy trì lãi suất siêu thấp. Tuy nhiên, Mỹ sẽ khó duy trì lãi suất siêu thấp kéo dài giống như Nhật Bản. Bởi vì với việc mở cửa trở lại nền kinh tế, thì nhu cầu tiêu dùng ở Mỹ đã có tín hiệu phục hồi trở lại, được thể hiện rõ qua doanh số bán lẻ tháng 5 tăng tới 17,7% so với mức -14,7% trong tháng 4. Do đó, nếu Mỹ tránh được làn sóng COVID-19 thứ 2, thì nhu cầu tiêu dùng sẽ còn tăng cao hơn nữa, khiến áp lực lạm phát của Mỹ sẽ tăng dần trở lại.
Dù sao, làn sóng duy trì lãi suất siêu thấp, thậm chí lãi suất âm ở một số quốc gia, sẽ làm giảm thiểu chi phí cơ hội nắm giữ các tài sản phi lãi suất như vàng… Đây là yếu tố hỗ trợ tích cực cho giá vàng.
Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ vàng ở nhiều quốc gia vẫn đang ở mức thấp theo chu kỳ hàng năm, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh đang làm suy giảm mạnh tăng trưởng kinh tế ở nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ… Điều này sẽ tiếp tục kìm hãm đà tăng của giá vàng. Đó là chưa kể, những thông tin về vắc xin, thuốc điều trị COVID-19, cũng như tín hiệu tích cực từ các nền kinh tế lớn, nếu xuất hiện, sẽ làm tăng kỳ vọng phục hồi kinh tế thế giới, qua đó làm giảm vai trò trú ẩn của vàng.
Ông Jeffrey, chuyên gia phân tích ngoại hối, cho rằng giá vàng hôm nay sẽ biến động thất thường, mà chưa hình thành rõ xu hướng tăng/giảm trong ngắn hạn. Trợ lực lớn nhất của giá vàng hiện nay là căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Nếu tình hình địa chính trị ở đây leo thang, giá vàng sẽ tăng mạnh, không ngoại trừ vượt qua 1.765USD/oz để tiến tới 1.800USD/oz. Tuy nhiên, tác động địa chính trị đối với giá vàng sẽ không kéo dài, và áp lực chốt lời sẽ được kích hoạt.
Có thể bạn quan tâm
Giá vàng hôm nay 17/6: “Giằng co” dưới các tác động trái chiều
06:30, 17/06/2020
Giá vàng tuần tới 15- 19/6: Chưa thoát vòng xoáy điều chỉnh, tích lũy
05:30, 14/06/2020
Giá vàng hôm nay 11/6: FED giữ nguyên lãi suất, giá vàng sẽ ra sao?
06:30, 11/06/2020
Giá vàng hôm nay 3/6: Đà tăng ngắn hạn thiếu bền vững
06:30, 03/06/2020
Giá vàng hôm nay 4/6: Sức ép từ kỳ vọng phục hồi kinh tế thế giới
06:30, 04/06/2020