Loạn giá vàng, can thiệp cách nào?
Giá vàng trong nước đã và đang “nhảy múa” đến chóng mặt, bỏ quá xa giá vàng quốc tế quy đổi, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng, tiềm ẩn nguy cơ nhập lậu vàng…
>> “Nới van” điều tiết thị trường vàng: Phá vỡ quy định lỗi thời
Chiến sự Nga-Ukraine “leo thang” dữ dội, khiến giá dầu và nhiều mặt hàng chiến lược tăng giá không ngừng nghỉ, đẩy áp lực lạm phát toàn cầu tăng mạnh hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh khủng hoảng địa chính trị, địa kinh tế như vậy, vàng lại tiếp tục nổi lên trở thành tài sản trú ẩn an toàn của nhiều nhà đầu tư. Đặc biệt, các quỹ đầu tư vàng cũng đã tranh thủ vơ vét vàng trên thị trường để phòng ngừa rủi ro và kiếm lời lớn từ đợt tăng giá vàng lần này. Chỉ trong gần 2 tuần qua, SPDR- quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới, đã mua vào gần 50 tấn vàng.
Dòng vốn đổ mạnh vào thị trường vàng, khiến giá vàng quốc tế đã tăng vọt từ 1.878USD/oz lên tới mức 2.070USD/oz- mức cao nhất kể từ tháng 8/2020.
Trong những ngày qua, giá vàng quốc tế tăng đã rất nhanh và mạnh, nhưng giá vàng tại thị trường vàng Việt Nam còn tăng mạnh hơn nhiều, bỏ xa giá vàng quốc tế quy đổi tới gần 20 triệu đồng/lượng- mức chênh lệch khủng nhất từ trước đến nay. Theo đó, giá vàng miếng SJC có thời điểm đã leo lên tới mức 74 triệu đồng/lượng- một mức giá khiến nhiều người ngỡ ngàng, vì nó xảy ra quá bất ngờ đối với họ.
Đến ngày 9/3, khi giá vàng quốc tế điều chỉnh xuống sát mức 2.000USD/oz, thì giá vàng miếng SJC cũng được điều chỉnh “giật cục” xuống xoay quanh mức 70 triệu đồng/lượng. Như vậy, nếu ai đã lỡ mua vào ở mức giá 74 triệu đồng/lượng, thì nay đã “mất trắng” khoảng 4 triệu đồng/lượng.
Với việc đặt mức giá chênh lệch lớn so với giá vàng quốc tế quy đổi như vậy, thì dù giá vàng biến động thế nào, doanh nghiệp vẫn phòng ngừa được đáng kể rủi ro, còn thiệt hại luôn dồn về phía người tiêu dùng.
Doanh nghiệp giữ chênh lệch giá cao như vậy, thì cũng có lý của họ, vì từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đến nay, NHNN đã độc quyền sản xuất vàng miếng, còn doanh nghiệp cũng không còn được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, mà phải mua trôi nổi trên thị trường. Hơn nữa sau khi NHNN tổ chức một số phiên đấu thầu vàng miếng để cung ứng ra thị trường, thì sau đó cũng không còn tổ chức phiên nào nữa. Điều này đã làm cho lượng vàng trên thị trường khan hiếm thực sự, trong khi doanh nghiệp cũng không có công cụ phái sinh, buộc họ phải đẩy giá lên cao so với giá vàng quốc tế để phòng ngừa rủi ro.
Thị trường vàng Việt Nam hiện đang là thị trường giao dịch phi tập trung, nên chưa có quy định nào về biên độ giá vàng. Do đó, việc điều chỉnh giá thuộc quyền của mỗi doanh nghiệp, cơ quan quản lý không thể can thiệp, xử lý dù đang có sự loạn nhịp giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới.
>> Cần sớm thành lập Sở giao dịch vàng
Một chuyên gia tài chính cho rằng, chênh lệch giá vàng quá lớn không chỉ gây thiệt hại cho người dân, nhà đầu tư…, vì họ phải mua đắt hơn giá vàng quốc tế tới gần 20 triệu đồng/lượng, mà còn có nguy cơ làm trầm trọng tình trạng nhập lậu vàng qua biên giới, qua đường hàng không…, gây “chảy máu” ngoại tệ, ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.
Trong thời gian qua, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ buôn lậu vàng, gần đây nhất là vụ buôn lậu 15kg vàng từ Campuchia về An Giang. “Thiếu hụt nguồn cung trong nước thì ắt sẽ phải bù đắp bằng đường buôn lậu vì Việt Nam chỉ khai thác được khoảng 1,5 tấn vàng mỗi năm. Ngoài nguồn này, doanh nghiệp sẽ phải thu mua vàng cũ hỏng làm vàng nguyên liệu, nhưng chừng đó là không đủ”, vị chuyên gia nói trên cho biết.
Vị chuyên gia này cho rằng, nếu bây giờ NHNN chi ngoại tệ nhập vàng nguyên liệu về dập vàng miếng SJC để cung ứng ra thị trường, thì cũng chẳng thấm vào đâu, chỉ gây tốn kém ngoại tệ cho quỹ dự trữ ngoại hối. Giải pháp can thiệp này đã lỗi thời, không còn phù hợp với thông lệ quốc tế, vì không có NHTW nào đứng ra sản xuất vàng miếng. Do đó, NHNN nên xem xét trả chức năng này về cho một vài doanh nghiệp có đủ điều kiện. Về dài hạn, NHNN nên quản lý, điều tiết thị trường vàng theo thông lệ quốc tế, chứ không thể cứ mãi hoạt động theo kiểu “một mình một chợ”. Theo đó, NHNN cần sớm trình Chính phủ lộ trình thành lập Sở Giao dịch vàng tập trung. Sở này sẽ góp phần minh bạch hóa mọi giao dịch vàng, giảm thiểu chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế, tránh việc doanh nghiệp tự điều chỉnh giá vàng như hiện nay. Có như vậy, thì mới đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, đồng thời đẩy lùi được tình trạng nhập lậu vàng. Đặc biệt, Sở Giao dịch vàng cũng sẽ góp phần loại bỏ dần các giao dịch vàng bất hợp pháp.
Có thể bạn quan tâm
Diễn biến "giật cục", giá vàng trong nước vẫn chênh lệch cao so với giá vàng thế giới
16:18, 09/03/2022
Giá vàng “nhảy múa”, ai "nắm đằng chuôi"?
04:30, 09/03/2022
Giá vàng lên cao, nhà đầu tư lưu ý yếu tố nào?
12:00, 06/03/2022
Giá vàng tuần tới sẽ phá đỉnh 2.000USD/oz vì chiến sự Nga-Ukraine?
05:30, 06/03/2022