Tăng mạnh lãi suất, FED đủ sức “đánh gục” giá vàng?
Dù FED đã tăng mạnh lãi suất trong cuộc họp vừa qua, nhưng giá vàng ít chịu ảnh hưởng bởi động thái này của FED.
>> FED tiếp tục tăng lãi suất, giá vàng tuần tới giảm mạnh?
Trong tuần này, giá vàng quốc tế đã có cú giảm xuống tới 1.805 USD/oz do USD tăng mạnh trước kỳ vọng FED tăng mạnh lãi suất. Tuy nhiên, sau khi FED quyết định tăng tới 75 điểm phần trăm lãi suất - mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994, giá vàng lại tăng mạnh lên mức 1.857 USD/oz và đóng cửa tuần ở mức 1.840 USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng đã giảm mạnh từ mức 69,5 triệu đồng/lượng xuống 67,8 triệu đồng/lượng, một phần do các doanh nghiệp điều chỉnh theo xu hướng giá vàng quốc tế, nhưng một phần quan trọng hơn do các đại biểu Quốc hội trong kỳ họp Quốc hội vừa qua đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập của độc quyền vàng miếng SJC, khiến giá vàng miếng SJC cao hơn tới 15- 20 triệu đồng mỗi lượng so với giá vàng miếng các thương hiệu khác và giá vàng quốc tế quy đổi. Điều này gây sức ép khiến các doanh nghiệp phải điều chỉnh giảm giá vàng dù nguồn cung vàng miếng SJC đang rất khan hiếm trên thị trường.
Sở dĩ giá vàng quốc tế đã tăng mạnh sau khi FED tăng lãi suất do các nhà đầu tư nhận thấy FED đang ở trong tình thế khó khăn khi quyết định tăng lãi suất. Bởi nếu không tiếp tục tăng mạnh lãi suất, thì lạm phát sẽ ngày càng tăng mạnh dưới sức ép của giá năng lượng, lương thực và nhiều hàng hóa khác đang tăng phi mã, tác động tiêu cực đến sức mua của người tiêu dùng; Trong khi chi tiêu tiêu dùng cá nhân chiếm khoảng 68,2% GDP Mỹ. Điều này sẽ khiến kinh tế Mỹ suy thoái mạnh hơn.
Tuy nhiên, nếu FED tăng lãi suất quá mạnh, sẽ khiến kinh tế Mỹ suy giảm mạnh hơn, vì điều này cũng tác động tiêu cực đến chi tiêu tiêu dùng cá nhân, đặc biệt làm tăng chi phí tài chính của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái trầm trọng hơn. Do đó, FED có thể sẽ thận trọng hơn trong việc thắt chặt tiền tệ trong các cuộc họp sắp tới.
Hơn nữa, dù FED tiếp tục tăng mạnh lãi suất, thì lãi suất cơ bản của FED sẽ chỉ tăng lên khoảng 3,5% vào cuối năm nay và chạm mức khoảng 4% vào năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ tăng lãi suất của FED không thể “đuổi kịp” đà tăng lạm phát trong bối cảnh chiến sự Nga- Ukraine tiếp tục leo thang, các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga sẽ ngày một lớn hơn, đặc biệt Trung Quốc vẫn chưa có ý định từ bỏ chiến lược zero-Covid. Do đó, lãi suất thực của Mỹ vẫn chưa thể thực dương, nên vàng sẽ vẫn là tài sản hấp dẫn.
Ông George Milling Standley, Giám đốc chiến lược của State Street Global Advisors, cũng cho rằng dù FED tăng mạnh lãi suất, thì cũng không thể nào “đánh gục” giá vàng. "Nếu FED không tăng lãi suất đủ mạnh, thì lạm phát sẽ tiếp tục tăng mạnh, làm giảm sức mua tiêu dùng. Nhưng nếu FED tăng lãi suất quá nhanh, có thể đẩy kinh tế Mỹ suy thoái mạnh hơn, vì GDP quý 1 của Mỹ đã âm 1,4%. Dù FED thực hiện một trong hai kịch bản này, thì giá vàng vẫn sẽ hưởng lợi, vì vai trò trú ẩn của vàng sẽ gia tăng trong bối cảnh kinh tế Mỹ bất ổn. Hơn nữa, kinh tế Mỹ suy thoái sẽ khiến USD giảm mạnh, qua đó tạo thêm sức bật cho giá vàng”, ông George Milling Standley nhấn mạnh.
>> Nỗi lo suy thoái kinh tế gia tăng, giá vàng tuần tới sẽ ra sao?
Theo dự báo của ông George Milling Standley, GDP của Mỹ có thể sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 1,7% trong 2 năm tới, giảm mạnh so với mức dự báo GDP trước đó của quốc gia này lần lượt là 2,8% và 2,2%.
Bên cạnh đó, dù các thị trường chứng khoán, trái phiếu đều bị bán tháo, nhưng giá vàng vẫn ổn định, thậm chí tăng mạnh sau khi FED tăng lãi suất. Điều này cho thấy các nhà đầu tư đang tìm tới các tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn địa chính trị, địa kinh tế ngày càng gia tăng.
Ngoài ra, cuộc tranh cãi về phương tiện lưu trữ giá trị tốt nhất giữa vàng và Bitcoin, thường được ví như vàng 2.0, đã gần như “ngã ngũ” khi giá vàng vẫn khá ổn định, trong khi Bitcoin đã giảm rất mạnh, hiện đã ở dưới 20.000USD/BTC. Điều này cũng đã thôi thúc nhà đầu tư quan tâm đến vàng nhiều hơn, thay vì các đồng tiền ảo, như Bitcoin…
Mặc dù vậy, giá vàng quốc tế chưa thể bứt phá mạnh mẽ trong ngắn hạn khi mà nhu cầu vàng - trụ đỡ quan trọng cho giá vàng, đang ở mùa thấp điểm nhất trong năm. Do đó, nhiều chuyên gia dự báo giá vàng ngắn hạn có thể sẽ vẫn ổn định trong biên độ 1.786 USD/oz đến khoảng 1.920USD/oz. Tuy nhiên trong trung và dài hạn, giá vàng vẫn còn tăng mạnh. Các chuyên gia của Societe Generale nhận định giá vàng sẽ tăng lên mức 2.000USD/oz vào quý III/2022.
Vậy các nhà đầu tư nên nắm giữ bao nhiêu vàng trong danh mục đầu tư của mình? Ông George Milling Standley cho rằng bình thường, các nhà đầu tư nên nắm giữ từ 2- 10% vàng trong danh mục đầu tư của mình. Tuy nhiên trong bối cảnh bất ổn địa chính trị, địa kinh tế đang leo thang ở nhiều khu vực như hiện nay, thì nhà đầu tư có thể xem xét tăng gấp đôi tỷ lệ nói trên.
Có thể bạn quan tâm