Quảng Ngãi: Hạ tầng giao thông tạo động lực phát triển kinh tế
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy (khóa XIX) về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, diện mạo các đô thị trên địa bàn Quảng Ngãi cũng có những đổi thay rõ rệt
Đến nay, các công trình giao thông cơ bản đã hoàn thiện, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã thông xe, cầu Thạch Bích đã đi vào hoạt động, tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn 1 đã hoàn thành… Những công trình này đã và đang dần hiện thực hóa mạnh mẽ việc liên kết liên vùng, đưa Quảng Ngãi bước vào thời kỳ mới.
Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ
Quảng Ngãi nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, hội đủ các điều kiện địa lý và tự nhiên thuận lợi cho đầu tư phát triển giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không đến tất cả các vùng, miền trong cả nước và quốc tế.
Nhận thức được điều này, đồng thời, xác định rõ hạ tầng giao thông là mạch nối quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, là lợi thế cạnh tranh của tỉnh để thu hút đầu tư, Quảng Ngãi đã triển khai đồng bộ các biện pháp đầu tư hoàn thiện mạng lưới giao thông rộng khắp.
Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy nhấn mạnh, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là sự nghiệp của toàn dân, với mục tiêu nhằm huy động nguồn lực xã hội cùng với ngân sách nhà nước đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đồng bộ, hiện đại; đáp ứng yêu cầu đưa Quảng Ngãi sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Đến nay, nhiều dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Cầu Thạch Bích; dự án nâng cấp, mở rộng QL 1A, QL 24; tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn 1; hệ thống giao thông khu kinh tế Dung Quất, các khu công nghiệp, đô thị của tỉnh….
Đặc biệt, dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có chiều dài 139,52km với tổng mức đầu tư 34.516 tỷ đồng đã đi vào hoạt động. Công trình giúp rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại giữa các trung tâm kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, các khu công nghiệp của Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi...
Ngoài ra, công tác đầu tư hạ tầng đô thị cũng cho "quả ngọt", khi diện mạo các thị trấn, thị tứ, thị xã và đặc biệt là TP.Quảng Ngãi đã thay đổi rất lớn. Đức Phổ đã đẩy mạnh đầu tư kết cầu hạ tầng để được công nhận là thị xã. Đối với TP.Quảng Ngãi, bên cạnh nguồn lực đầu tư từ ngân sách, TP.Quảng Ngãi đã tập trung huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư, góp phần tạo diện mạo khang trang cho đô thị. Qua đó cho thấy, các nguồn lực đầu tư từ vốn ngân sách và vốn xã hội hóa đã đi đúng hướng.
Đòn bẩy thu hút đầu tư
Có thể thấy, sự đồng bộ về hạ tầng giao thông không chỉ tạo thuận lợi cho thông thương hàng hóa, nông sản của Quảng Ngãi mà còn là đòn bẩy cho thu hút đầu tư. Đây là kết quả thực hiện phát triển hạ tầng giao thông có tính đột phá chiến lược và luôn được tỉnh Quảng Ngãi ưu tiên, xác định giao thông “đi trước một bước” để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của tỉnh mà còn của các địa phương trong khu vực.
Định hướng quy hoạch chung Quảng Ngãi đến năm 2030, thành phố Quảng Ngãi là đô thị hướng biển, lấy dòng sông Trà Khúc là trục cảnh quan chủ đạo, gắn kết chặt chẽ với khu kinh tế Dung Quất.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư loạt công trình trọng điểm nhằm hướng tới mục tiêu này. Cụ thể, dự án ghi dấu ấn đầu tiên là hai tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa với tổng số vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Công trình này đã mở ra cơ hội phát triển đối với các xã vùng Đông thành phố Quảng Ngãi, đồng thời tạo kết nối, mở rộng đô thị theo quy hoạch đã được duyệt.
Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, định hướng phát triển đô thị hướng biển của thành phố Quảng Ngãi là phù hợp với xu thế phát triển chung của các đô thị hiện đại. Sắp tới đây khi các công trình giao thông trọng điểm hoàn thành sẽ làm thay đổi mạnh mẽ kết cấu hạ tầng, đô thị Quảng Ngãi, góp phần liên kết vùng, tạo động lực phát triển toàn diện vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, thúc đẩy giao thương trong và ngoài khu vực, đưa Quảng Ngãi lên vị thế mới.
Để thu hút đầu tư hiệu quả, Quảng Ngãi đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút, mời gọi các dự án đầu tư vào tỉnh Quảng Ngãi, tăng cường đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư “tại chỗ” nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút đầu tư.
Quảng Ngãi cũng tập trung mọi nguồn lực, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đầu tư phát triển hạ tầng, tiện ích, đất đai và đô thị; tổ chức xúc tiến đầu tư các ngành nghề có lợi thế so sánh; tăng cường xúc tiến đầu tư theo quốc gia, vùng lãnh thổ và nỗ lực tuyên truyền, quảng bá xúc tiến đầu tư để tiếp tục là “thỏi nam châm” hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Có thể bạn quan tâm