Tiền Giang: Chính quyền đồng hành cùng nông dân tiêu thụ nông sản giữa đại dịch COVID-19
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh COVID-19, người nông dân Tiền Giang đang đứng trước nỗi lo về giá và tìm đầu ra tiêu thụ cho nông sản của mình.
Năm nay, 05 công vườn chuyên canh sầu riêng của ông Ngô Văn Cường (ấp 4, xã Cẩm Sơn- huyện Cai Lậy) cho thu hoạch khoảng 2,5 tấn trái. Gần đến ngày thu hoạch cũng là thời điểm thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thương lái đã đặt cọc thu mua với giá 37.000 đồng/kg đối với sầu riêng Ri6 và 45.000 đồng/kg đối với sầu riêng Mongthong. Theo ông Cường, mức giá này khá thấp so với vụ nghịch các năm trước.
Theo ông Cường, nguyên nhân do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó khăn trong khâu vận chuyển và thị trường tiêu thụ. "Năm 2021 là vụ sản xuất khá thuận lợi đối với nông dân, hạn, mặn không ảnh hưởng, khâu xử lý ra hoa khá thành công. Để chủ động về thị trường tiêu thụ, tôi đã chủ động xử lý vụ nghịch thành hai đợt. Đợt thu hoạch tháng 7 năm nay, giá sầu riêng khá thấp vì ảnh hưởng dịch bệnh, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh", ông Cường chia sẻ
Vượt khó để phát triển sản xuất trong mùa dịch, những người nông dân đã chủ động xử lý nghịch vụ, rải vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm với kỳ vọng vụ mùa khả quan và giá nông sản cải thiện khi dịch bệnh được kiểm soát.
Tập trung chăm sóc 04 công vườn sầu riêng đang giai đoạn ra hoa, bà Trần Thị Thúy Nga, nông dân ấp 2, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy chia sẻ: "Đây là năm thứ hai gia đình tôi xử lý sầu riêng nghịch vụ, dự kiến sẽ thu hoạch vào tháng 11 âm lịch. Đến thời điểm này, vụ mùa năm nay khá thuận lợi, tỷ lệ cây ra hoa đạt cao. Hy vọng tình hình dịch bệnh sớm được kiểm soát để nông sản lưu thông thuận lợi, giá cả khả quan hơn". Điều người nông dân mong mỏi là các cơ quan ban ngành chức năng cần hỗ trợ quảng bá sản phẩm và kết nối cung cầu, phân phối và tiêu thụ đối với các loại nông sản chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch rộ, tháo gỡ nỗi lo về câu chuyện được mùa - mất giá, khó khăn về thị trường tiêu thụ.
Đánh giá về tình hình tiêu thụ nông sản của tỉnh, ông Đặng Văn Tuấn - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch dịch bệnh COVID-19 lần 4 bùng phát và lan rộng nhiều tỉnh, thành trên cả nước (trong đó có Tiền Giang), nên các chợ truyền thống chủ yếu bán các mặt hàng thiết yếu, một số chợ phải tạm dừng hoạt động hoặc bị phong tỏa, các chợ tiêu thụ trái cây của tỉnh giảm hơn 50%, một số vựa (chẳng hạn như chợ trái cây Vĩnh Kim) chỉ bán cho người bán lẻ trong tỉnh (chợ trái cây Phường 4, TP. Mỹ Tho)…; các chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh (chợ Hóc Môn, chợ Bình Điền…) đã tạm dừng hoạt động, người dân hạn chế ra đường do giãn cách xã hội khiến khó khăn chồng chất khó khăn...
Bên cạnh đó, thời gian này đang vào vụ thu hoạch trái cây rộ tại khắp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; các doanh nghiệp, cơ sở thu mua chế biến nông sản đang thiếu nhân công để thu mua và sơ chế, nên việc tiêu thụ nông sản của tỉnh gặp nhiều khó khăn và giá nhiều loại nông sản của tỉnh giảm mạnh.
Để chủ động hỗ trợ tiêu thụ nông sản, ông Tuấn cho biết, trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ phối hợp chặt chẽ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi tình hình thu mua và kinh doanh của các hợp tác xã, cơ sở kinh doanh các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh; tăng cường các hoạt động kết nối, hỗ trợ tiêu thụ qua các kênh phân phối như Big C, MM Mega, Bách Hóa Xanh; đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp đưa các mặt hàng nông sản (trái cây) lên Gian hàng Việt, các Sàn thương mại điện tử như: Sendo, Shopee, Tiki, Voso, Postmart…
Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, UBND tỉnh sẽ đồng hành cùng người dân để mở rộng và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản. Theo đó, một số giải pháp được UBND tỉnh đưa ra như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử để giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến; đưa sàn giao dịch điện tử vào hoạt động nhằm giúp doanh nghiệp và người dân kết nối, mua bán trực tuyến; tiếp tục thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; đẩy mạnh công tác xúc tiến mời gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng chú trọng triển khai thực hiện Quyết định số 174/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu đến năm 2025 tỉnh có ít nhất 30% sản phẩm nông sản qua chế biến; tiếp tục rà soát, lựa chọn sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh để đăng ký chứng nhận chỉ dẫn địa lý, tập trung phát triển sản phẩm OCOP. Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong thời gian tới, tỉnh Tiền Giang đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống logistic trong lĩnh vực nông sản (từ sản xuất, sơ chế, chế biến và xuất khẩu) để hình thành các Trung tâm logistic nông sản tại các khu vực; quan tâm xây dựng nhãn hiệu, phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông sản cấp quốc gia và quốc tế; tiếp tục thúc đẩy, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản cùng với việc nâng cao năng lực chế biến, đáp ứng yêu cầu kiểm soát chất lượng, dịch bệnh của thị trường xuất khẩu
Đại dịch COVID-19 đã tạo ra nhiều thách thức cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu. Nhưng cũng là cơ hội để cả nông dân và doanh nghiệp tìm ra cách thức tiếp cận mới với đối tác, khách hàng, vừa bảo đảm phòng dịch, vừa tránh ùn ứ hàng hóa. Về lâu dài, điều này cũng mang lại nhiều giá trị hữu ích cho nền nông nghiệp nước nhà, trong đó phải kể đến việc xúc tiến thương mại trực tuyến, bán hàng trực tuyến và nhất là đẩy mạnh khâu chế biến các nông sản có giá trị kinh tế cao.
Có thể bạn quan tâm