Có cần đạo luật riêng về thương hiệu quốc gia?
Từ câu chuyện của ST25, TS Phan Ngọc Tâm, CEO Công ty Luật Tín và Tâm cho rằng việc xây dựng một đạo luật riêng về thương hiệu quốc gia là điều không cần thiết.
Ông Tâm nhấn mạnh hiện nay, các quy định về sở hữu trí tuệ, trong đó có sở hữu thương hiệu đã có đầy đủ chỉ là doanh nghiệp chưa biết cách bảo vệ mình mà thôi.
-Ông có thể lý giải hơn về điều này?
Tôi xin nhấn mạnh quan điểm của mình bằng ít nhất 3 lý do như sau:
Thứ nhất, liên quan đến sự hoàn thiện của các quy định về bảo vệ và bảo hộ nhãn hiệu, tôi cho rằng các quy định về bảo vệ và bảo hộ nhãn hiệu về cơ bản đã tương đối hoàn thiện. Bởi lẽ, các quy định trong pháp luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam nói chung và các quy định về bảo vệ, bảo hộ nhãn nhãn hiệu nói riêng đều được xây dựng dựa trên sự nội luật hóa các điều ước quốc tế, cũng như học hỏi kinh nghiệm từ pháp luật Sở hữu trí tuệ của các quốc gia có nền tư pháp phát triển trên thế giới.
Tuy nhiên, sau gần 16 năm áp dụng vào thực tiễn và trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trong nước cũng như quốc tế phát triển rất nhanh chóng trong thời gian qua đã dẫn đến các cơ chế thực thi bảo vệ, bảo hộ nhãn hiệu bộc lộ những bất cập nhất định và chưa giải quyết triệt để các vấn đề cấp thiết mà xã hội đặt ra.
Thứ hai, đối với việc xây dựng luật về nhãn hiệu quốc gia, trên thực tế hiện nay hầu như chưa có quốc gia trên thế giới xem xét đến vấn đề này. Bởi lẽ, về mặt nguyên tắc, Nhà nước thường sẽ đóng vai trò điều tiết nền kinh tế, tạo ra những điều kiện, khung pháp lý để các chủ thể tư nhân trong nền kinh tế cụ thể hóa bằng những hành động, chiến lược kinh doanh phù hợp.
Vì vậy, Nhà nước sẽ không cần thiết phải bảo hộ thương hiệu quốc gia, mà thay vào đó, đối với những sản phẩm, hàng hóa có sức hút lớn và đem lại thế mạnh cho quốc gia thì Nhà nước thường sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ tư nhân phát triển, bảo vệ quyền lợi của mình thông qua việc tạo ra các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm giúp tư nhân có thể yên tâm phát triển chất lượng sản phẩm, hàng hóa, cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp về mọi mặt (trong đó có bảo vệ, bảo hộ nhãn hiệu).
Thứ ba, nhận thức về quyền và ý thức tự bảo vệ quyền đối với nhãn hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn đang ở mức rất thấp. Mặc dù, trong những năm gần đây Nhà nước, mà đặc biệt là Cục Sở hữu trí tuệ đã cố gắng tuyên truyền, thúc đẩy nhận thức của doanh nghiệp về việc bảo vệ tài sản trí tuệ, trong đó có bảo vệ nhãn hiệu.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nhận thức đầy đủ về quyền đối với việc bảo vệ nhãn hiệu, cũng như là ý thức tự bảo vệ quyền đối với nhãn hiệu chưa thực sự chủ động để phòng ngừa sớm những rủi ro, tranh chấp pháp lý có thể phát sinh trong quá trình kinh doanh của mình.
-Quay trở lại với câu chuyện của ST 25, theo ông khả năng giành lại quyền sở hữu trí tuệ của thương hiệu này như thế nào?
Hiện tại, qua quá trình nghiên cứu một số Đơn đăng ký nhãn hiệu ST25 tại Cơ quan Sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) như: (i) Đơn đăng ký số 90151727 nộp ngày 1-9-2020 của Công ty Transword Foods, Inc đối với nhãn hiệu “VIETNAM'S ST25 RICE, DAC SAN SOC TRANG”; (ii) Đơn đăng ký số 90085988 nộp ngày 18-6-2020 của Công ty Transword Foods, Inc đối với nhãn hiệu “NO. 1 VIETNAM'S ST25 RICE THE WORLD'S BEST RICE”; (iii) Đơn đăng ký số 90270383 nộp ngày 22-10-2020 của Ngon Fish Sauce, Inc. đối với nhãn hiệu “THE WORLD'S BEST RICE GAO THOM ST25”.
Có thể nhận thấy rằng, các Đơn đăng ký này hiện đang trong giai đoạn thẩm định nội dung và gặp phải rất nhiều thách thức lớn để được chấp thuận việc đăng ký bảo hộ, mà lý do chính dẫn đến những thách thức đối với các Đơn đăng ký này là do dấu hiệu ST25 là tên gọi chung của một loại giống cây trồng (lúa), và không thể được đăng ký dưới danh nghĩa một nhãn hiệu theo quy định tại mục 1202.12 của quy chế thẩm định nhãn hiệu.
Thêm vào đó, giống lúa có tên ST25 đã được cấp văn bằng bảo hộ đối với giống cây trồng số 21.VN.2020 theo quyết định 45/QĐ-TT-VPBH ngày 6-3-2020 của Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT. Chủ bằng bảo hộ là Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí và tác giả giống lúa là các ông/bà Hồ Quang Cua, Trần Tấn Phương, Nguyễn Thị Thu Hương.
Do vậy, vẫn còn khá sớm để nói về khả năng để các doanh nghiệp đăng ký thành công nhãn hiệu ST25 tại Hoa Kỳ hay bất kỳ quốc gia nào khác. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cho phép cá nhân, tổ chức của Việt Nam được quyền chủ quan trong quá trình bảo vệ nhãn hiệu của mình.
Thiết nghĩ, trong thời gian sắp tới các cá nhân, tổ chức Việt Nam cần phải có những hành động cụ thể, nhanh chóng về mặt pháp lý để có thể bảo vệ quyền lợi, nhãn hiệu của mình ở không chỉ tại thị trường Hoa Kỳ, mà còn ở những thị trường xuất khẩu tiềm năng khác.
-Các quốc gia khác trên thế giới đã hỗ trợ doanh nghiệp thực thi quyền sở hữu trí tuệ như thế nào? Việt Nam có thể học hỏi gì từ họ, thưa ông?
Một trong những cách mà đa phần các quốc gia trên thế giới thường hỗ trợ doanh nghiệp thực thi quyền sở hữu trí tuệ có thể nhắc đến như: biện pháp tuyên truyền về tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ và các quy định để doanh nghiệp có thể bảo vệ mình khi xảy ra tranh chấp. Bên cạnh đó, việc cải thiện chất lượng các trang thông tin điện tử về quyền sở hữu trí tuệ và chất lượng của các thẩm định viên ngày càng được chú trọng nâng cao. Ngoài ra, họ còn lập ra các cơ quan, tổ chức để phục vụ, hỗ trợ các doanh nghiệp thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Học hỏi từ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, Việt Nam trong những năm gần đây đã có những việc làm đáng kể để hỗ trợ doanh nghiệp thực thi quyền sở hữu trí tuệ chẳng hạn như: thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao chất lượng của thẩm định viên, các người làm công tác chuyên môn tại các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền cũng đã cố gắng thúc đẩy hệ thống, số hóa các dữ liệu về thông tin đăng ký đối với các tài sản trí tuệ; sau cùng là nghiên cứu hoàn thiện các quy định của pháp luật Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.
Có thể nói, đây là các hoạt động thiết thực mà Việt Nam đã và đang cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, phải nhận thấy rằng hiệu quả đối với những những biện pháp này là chưa đạt như mong đợi.
-Vậy, ông có khuyến nghị gì cho doanh nghiệp trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ?
Từ góc nhìn của một người làm nghề luật, tôi xin đưa ra các khuyến nghị như sau:
Thứ nhất, cần nhận thức đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về các đối tượng mà doanh nghiệp dự định sẽ đăng ký để cơ quan Nhà nước bảo hộ cho mình.
Thứ hai, doanh nghiệp phải thường xuyên cập nhật tình hình, tin tức cả trong nước lẫn thế giới để biết được các quy định về pháp luật Sở hữu trí tuệ nơi mình đang hoặc dự định đầu tư, kinh doanh đã có những sửa đổi bổ sung nào? Hơn nữa, trong xu thế toàn cầu hóa như hiện nay, Việt Nam và các nước trên thế giới đều có xu hướng hợp tác kinh tế thông qua các diễn đàn, các điều ước ước tế khác nhau. Chính trong mỗi điều ước quốc tế này, đa phần thì Việt Nam và các quốc gia trên thế giới sẽ có đàm phán về những nội dung liên quan đến các quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Do đó, đây là một nguồn thông tin quan trọng mà doanh nghiệp không thể bỏ qua nếu như muốn bảo vệ tốt quyền sở hữu trí tuệ của mình.
Thứ ba, doanh nghiệp cần phải có ý thức để tự bảo vệ quyền lợi của mình một cách chủ động theo quy định của pháp luật, tránh để xảy ra các tình trạng doanh nghiệp bị động, đợi “nước tới chân mới nhảy” như vụ việc trên. Đồng thời, khi gặp bất kỳ trở ngại, khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi của mình, doanh nghiệp cần liên hệ, đề nghị hỗ trợ và gửi đến Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền hoặc tham vấn các đơn vị tư vấn, luật sư, chuyên gia trong lĩnh vực liên quan để có thể bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho doanh nghiệp.
Thứ tư, doanh nghiệp cần phải xây dựng một chiến lược rõ ràng, cụ thể để bảo vệ thương hiệu của mình ngay từ đầu. Đây là yếu tố quan trọng nhất mà doanh nghiệp không thể bỏ qua trong quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ nhãn hiệu cũng như quyền sở hữu trí tuệ của mình.
-Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Từ ST25 ngẫm về bảo vệ và gìn giữ thương hiệu quốc gia (Kỳ cuối)
05:00, 27/04/2021
Từ ST25 ngẫm về bảo vệ và gìn giữ thương hiệu quốc gia (Kỳ 2)
14:25, 26/04/2021
Từ ST25 ngẫm về bảo vệ và gìn giữ thương hiệu quốc gia (Kỳ 1)
05:00, 26/04/2021
Xây dựng thương hiệu Việt nhìn từ câu chuyện của gạo ST25
18:00, 25/04/2021
DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: ST25 và chuyện gian nan "đòi lại" thương hiệu
15:00, 24/04/2021