Chế định hợp đồng bảo hiểm làm khó doanh nghiệp

Luật sư NGUYỄN HƯNG QUANG (*) 23/05/2021 11:02

Vào cuối tháng 4/2021 vừa qua, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Với hơn 20 năm ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sau đây viết tắt là "Luật KDBH") và với 2 lần sửa đổi Luật này, chế định hợp đồng của Luật KDBH hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn nên còn tạo ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động bảo hiểm và dẫn đến các xung đột, tranh chấp trong lĩnh vực này.

Sửa đổi hợp đồng phải lập thành văn bản

Về yêu cầu đối với tính hình thức của hợp đồng bảo hiểm: Theo quy định từ Luật KDBH đầu tiên (năm 2000) hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản, bao gồm cả việc sửa đổi hợp đồng bảo hiểm. Việc yêu cầu lập thành văn bản là cần thiết để bảo đảm quyền và lợi ích của công ty bảo hiểm và người mua bảo hiểm. Nhưng trên thực tế, có những trường hợp, việc sửa đổi hợp đồng bảo hiểm không được thực hiện bằng văn bản vì những lý do khác nhau.

Chẳng hạn như một hợp đồng bảo hiểm đã được ký kết nhưng khách hàng chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán phí bảo hiểm theo thời hạn được quy định tại hợp đồng. Theo hợp đồng, nếu khách hàng chậm thanh toán, hợp đồng sẽ mặc nhiên chấm dứt vào ngày kế tiếp của ngày thanh toán. Tuy nhiên, sau 05 (năm) ngày kể từ ngày thanh toán, khách hàng đã thực hiện việc thanh toán nhưng các bên không ký lại với nhau bất kỳ một thoả thuận nào và công ty bảo hiểm cũng không có thông báo bằng văn bản là chấp nhận việc thanh toán chậm đó. Mối quan hệ hợp đồng của các bên tiếp tục.

Vấn đề này đã đặt ra câu hỏi hợp đồng bảo hiểm đó có còn hiệu lực không và hành vi của các bên mặc nhiên chấp nhận việc sửa đổi thời hạn thanh toán không bằng văn bản như vậy có hợp lệ không? Vấn đề này đòi hỏi cần phải được điều chỉnh bằng quy định của pháp luật để bảo đảm sự áp dụng thống nhất pháp luật cũng như năng lực quản trị hợp đồng, năng lực quản trị doanh nghiệp của các công ty bảo hiểm.

 Các công ty bảo hiểm nên hoàn thiện cơ chế quản trị việc ký kết hợp đồng, cung cấp thông tin trong trước và trong quá trình ký kết hợp đồng bảo hiểm. Ảnh: QT

Các công ty bảo hiểm nên hoàn thiện cơ chế quản trị việc ký kết hợp đồng, cung cấp thông tin trong trước và trong quá trình ký kết hợp đồng bảo hiểm. Ảnh: QT

Vướng mắc về ngôn ngữ

Về yêu cầu đối với ngôn ngữ của hợp đồng bảo hiểm: các hợp đồng bảo hiểm hiện nay bị đánh giá là khó hiểu đối với khách hàng của công ty bảo hiểm. Các hợp đồng bảo hiểm thường là các hợp đồng mẫu do công ty bảo hiểm soạn. Xuất phát từ nguyên lý hợp đồng bảo hiểm là loại hợp đồng có tính may rủi (aleatory contract) nên nội dung hợp đồng cần phải lường trước những tình huống giả định ở mức độ khái quát cao. Do đó, ngôn ngữ hợp đồng bảo hiểm thường là phức tạp và khó hiểu trong cách tiếp cận thông thường.

Phần lớn các công ty bảo hiểm đã sử dụng mẫu về hợp đồng, quy tắc, điều kiện bảo hiểm được soạn thảo từ trước. Nhiều công ty bảo hiểm sử dụng mẫu hợp đồng, quy tắc, điều kiện được soạn thảo theo mẫu của các công ty bảo hiểm nước ngoài. Một số mẫu hợp đồng, quy tắc, điều kiện được dịch sang tiếng Việt mà chưa tính đến những yếu tố bối cảnh thực tiễn ở Việt Nam nên càng làm cho hợp đồng trở nên khó hiểu.

Pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã có yêu cầu “trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm” (Điều 21-Luật KDBH 2019). Tuy nhiên, chỉ một yêu cầu này là chưa đủ để có thể giải quyết hết những vướng mắc về ngôn ngữ của hợp đồng bảo hiểm.

Do đó, để bảo đảm quyền lợi cho các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm cũng như là thuận tiện hơn cho bên khi giải quyết tranh chấp, việc giải thích hợp đồng bảo hiểm khi có các quy định không rõ ràng nên được áp dụng theo các quy định về giải thích hợp đồng của Bộ luật Dân sự.

Ngoài ra, Luật KDBH cũng cần phải quy định rõ về trách nhiệm giải thích hợp đồng của công ty bảo hiểm và trách nhiệm đọc kỹ quy tắc, điều kiện và điều khoản của hợp đồng bảo hiểm với người mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng. Khi trách nhiệm này được yêu cầu rõ ràng, các công ty bảo hiểm cần phải củng cố, hoàn thiện cơ chế quản trị việc ký kết hợp đồng, cung cấp thông tin trong trước và trong quá trình ký kết hợp đồng bảo hiểm.

Do đó, dự thảo Luật KDBH cần tập trung tối ưu hoá các đặc thù của hợp đồng bảo hiểm để bảo đảm tính khả thi của hợp đồng bảo hiểm trên cơ sở hài hoà giữa pháp luật dân sự với thực tiễn hoạt động bảo hiểm nhưng vẫn bảo đảm tính thống nhất trong việc áp dụng pháp luật giữa Luật KDBH và Bộ luật Dân sự.

Những vấn đề nào đã được quy định rõ ràng, dễ áp dụng trong thực tiễn của Bộ luật Dân sự đối với hoạt động bảo hiểm thì nên áp dụng trực tiếp quy định Bộ luật Dân sự. Những nội dung nào có tính đặc thù hay nguyên tắc cơ bản của pháp luật kinh doanh bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm thì cần quy định cụ thể và xuyên suốt trong các chế định về hợp đồng bảo hiểm, tổ chức hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm và các chế định khác.

(*) Văn phòng luật sư NHQuang & Cộng sự, Chủ tịch Trung tâm Hoà giải Thương mại Quốc tế Việt Nam

Có thể bạn quan tâm

  • Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm: Quy định hợp đồng bảo hiểm còn nhiều mâu thuẫn

    Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm: Quy định hợp đồng bảo hiểm còn nhiều mâu thuẫn

    11:00, 26/03/2021

  • Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm hạn chế quyền lợi của người tham gia bảo hiểm

    Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm hạn chế quyền lợi của người tham gia bảo hiểm

    04:10, 22/03/2021

  • Luật Kinh doanh bảo hiểm được đề xuất sửa đổi

    Luật Kinh doanh bảo hiểm được đề xuất sửa đổi

    05:30, 29/01/2021

Luật sư NGUYỄN HƯNG QUANG (*)