“Thủ phủ tôm” Bạc Liêu
Không chỉ đặt mục tiêu hướng đến xuất khẩu tôm 1 tỷ USD, Bạc Liêu còn có tham vọng là “thủ phủ” công nghiệp tôm của cả nước.
Diện tích nuôi thủy sản hàng năm của Bạc Liêu trên 136.000 ha, chủ yếu là nuôi tôm với sản lượng hàng năm đạt trên 142.000 tấn. Trong đó có trên 1.000 ha nuôi tôm siêu thâm canh và trên 23.000 ha nuôi thâm canh, bán thâm canh, gần 40.000ha tôm lúa, 20.000 ha nuôi tôm càng xanh, nuôi tôm kết hợp với loài thủy sản khác.
Theo ông Trịnh Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, từ khi địa phương được Thủ tướng Chính phủ chọn để đầu tư Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm, địa phương đã thu hút được trên 10 tập đoàn sản xuất tôm công nghệ cao, với tổng diện tích khoảng 1.000 ha. Cách làm của doanh nghiệp cũng nhanh chóng được nhân rộng ra cộng đồng dân cư với hơn 1.200 ha đang được các hộ nuôi áp dụng quy trình công nghệ cao. Điển hình là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính của Tập đoàn Việt - Úc với 2 khu sản xuất phức hợp 500 ha tại 2 xã Hiệp Thành (TP Bạc Liêu) và Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) với tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỉ đồng, triển khai từ năm 2018. Đây là mô hình sản xuất khép kín từ khâu sản xuất con giống, nhà máy chế biến thức ăn, quản lý nuôi cho đến chế biến hàng xuất khẩu và trở thành dự án nuôi tôm sạch lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay. Hiện Bạc Liêu là tỉnh đứng đầu khu vực ĐBSCL và là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước trong sản xuất tôm giống chất lượng cao, với sản lượng sản xuất 25 tỷ con giống/năm, chiếm hơn 50% của vùng ĐBSCL và khoảng 20% cả nước.
Tuy nhiên, ngoài khó khăn về rào cản thuế, kỹ thuật, thì tình trạng biến đổi khí hậu cùng với sự gia tăng dân số và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang làm thay đổi môi trường. Các khu rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn ven biển đã và đang bị thu hẹp, phân mảnh và suy thoái với tốc độ nhanh chóng, khiến những giá trị đa dạng sinh học và sinh thái đang mất dần... Tất cả những điều này đã gây ảnh hưởng lớn nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng của Bạc Liêu.
Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã đề ra nhiều giải pháp; Đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người nuôi tôm ứng dụng các mô hình chuyển đổi mang lại hiệu quả cao; Tăng cường kiểm soát giống thủy sản, mầm bệnh, môi trường; Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng đến mục tiêu “phát triển bền vững”. Mô hình canh tác Tôm - Lúa được tỉnh Bạc Liêu xác định là một trong các mô hình tiêu biểu giúp người dân (ở những vùng chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu) sản xuất đạt hiệu quả hơn và thích ứng tốt hơn với mọi diễn biến của biến đổi khí hậu, giành những lợi thế để phát triển ổn định.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung, để ngành tôm tiếp tục phát triển và mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, người nông dân, Chính phủ cần đầu tư “mạnh tay” hơn cho những công trình hạ tầng kinh tế kỹ thuật, điển hình là cống đập Ninh Quới vừa đưa vào vận hành đã mang lại hiệu quả rất tốt ngăn mặn giữ ngọt, không chỉ phục vụ cho trồng trọt mà còn đóng góp cho nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng cũng nên nới lỏng điều kiện vay vốn để người dân, doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn vay phục vụ cho sản xuất. Bộ NN&PTNT cũng nên nghiên cứu đưa mặt hàng thức ăn nuôi tôm vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, vì hiện nay theo Nghị định 177/2013/NĐ-CP thì trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ có phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và vắc-xin phòng bệnh là thuộc danh mục này.
Có thể bạn quan tâm
Để Bạc Liêu trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước
20:04, 26/05/2020
CPV- chi nhánh Bạc Liêu chung tay trồng rừng vì môi trường xanh
08:42, 26/11/2019
Dự án điện LNG Bạc Liêu: Lận đận và truân chuyên
00:00, 08/11/2019
PCI tỉnh Bạc Liêu: “trên nóng, dưới lạnh”
05:15, 23/04/2019
Xây dựng Bạc Liêu thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước
18:48, 11/04/2019
Trang trại đáng sợ ở Bạc Liêu: Nỗi khiếp đảm đáng giá 2 triệu USD
04:05, 09/10/2018