[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Tự bản thân mình sống tử tế trước đã

Trần Hùng (03.03 Chung cư Riva Park, 504 Nguyễn Tất Thành, Phường 18, quận 4, TP.HCM) 25/06/2019 06:08

Sự tử tế của bản thân phải luôn được nhắc nhớ, thực hiện thường xuyên để hoàn thiện nhân cách của mình.

Sự tử tế chỉ thấy được khi nhân cách đó thể hiện ra bên ngoài bằng văn hóa giao tiếp, hành vi ứng xử, lời ăn tiếng nói của mỗi người. Câu chuyện tử tế mọi người kể cho nhau nghe, thường được thấy bởi những hình ảnh diễn ra ngoài xã hội, trên đường phố. Ví dụ như, xe tải chở bia gặp sự cố, lật ngang xe, nhiều thùng bia rớt tràn xuống đường, người tử tế thì phụ nhặt bia gom lại, giao cho tài xế xe tải; người không tử tế thì hôi của, gom lại đem… về dùng!

Có thể nói, sự tử tế trải qua hai quá trình hình thành: Giáo dục (từ lúc chúng ta còn cắp sách đến trường); Ý thức tự giác (tự hoàn thiện nhân cách của mình)

Rất nhiều người, từ thuở nhỏ đi học tiểu học, đã được thầy cô dạy bài học vỡ lòng về sự tử tế: Khi lưu thông trên đường, gặp xe cấp cứu hụ còi đang chạy làm nhiệm vụ, phải dừng xe, tấp vào lề, nhường đường cho xe cấp cứu. Khi lên xe buýt, thấy phụ nữ mang thai, người tàn tật, người già yếu…, phải biết nhường ghế ngồi cho họ. Khi đi đường thấy ai làm rơi ví, bóp, tài sản…, nhặt được, không tham của rơi, phải tìm cách trả lại cho người đánh rơi… Đó là những bài học về sự tử tế, được thầy, cô giáo dạy dỗ từ bé.

Có thể bạn quan tâm

  • [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Xã hội sẽ đẹp hơn khi lòng tham trong mỗi người được khắc chế

    [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Xã hội sẽ đẹp hơn khi lòng tham trong mỗi người được khắc chế

    06:00, 23/06/2019

  • [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Hãy tử tế khi tham gia giao thông

    [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Hãy tử tế khi tham gia giao thông

    05:30, 22/06/2019

  • [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Báo chí hãy lan tỏa sự tử tế

    [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Báo chí hãy lan tỏa sự tử tế

    06:05, 21/06/2019

  • [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Khi “thượng phương bảo kiếm” trao nhầm người

    [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Khi “thượng phương bảo kiếm” trao nhầm người

    05:31, 20/06/2019

  • [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Thay đổi thói quen sẽ hạn chế rác thải nhựa

    [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Thay đổi thói quen sẽ hạn chế rác thải nhựa

    05:30, 19/06/2019

  • [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Nên bỏ thói quen trễ hẹn

    [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Nên bỏ thói quen trễ hẹn

    15:30, 18/06/2019

  • [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Cần loại trừ

    [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Cần loại trừ "văn hoá… dung tục"

    11:00, 17/06/2019

  • [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Hãy dạy trẻ nghĩ, hiểu và dám là chính mình

    [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Hãy dạy trẻ nghĩ, hiểu và dám là chính mình

    08:00, 14/06/2019

  • [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Cái tốt phải biết nhìn mới thấy!

    [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Cái tốt phải biết nhìn mới thấy!

    05:14, 13/06/2019

Lớn lên, chúng ta đi làm, ra ngoài xã hội, sự tử tế chủ yếu ở ý thức tự giác thực hiện, không còn thầy cô giáo bên cạnh dạy dỗ, chỉ bảo. Nếu không tự nhắc nhở bản thân luôn sống tử tế, nhân cách này sẽ dần mai một. Bên cạnh đó, nếu có các nhóm bạn, tập thể cùng chung suy nghĩ làm những hành động tử tế, việc thiện nguyện cho cộng đồng thì sự tử tế tiếp tục có điều kiện phát triển. Bằng không, sự tử tế sẽ bị thử thách trong guồng quay xã hội đời thường.

Hiện nay, mọi người đang lo lắng, sao cái xấu, cái ác, tham lam, bất công,… diễn ra nhởn nhơ hằng ngày ngoài xã hội mà không bị xử lý đúng lúc, thích đáng. Còn lòng tử tế của con người sao lọt thỏm giữa một xã hội xô bồ, chạy theo đua đòi vật chất, khoa trương, vì lợi ích bản thân, vì lợi ích nhóm. Các câu chuyện người Việt đối xử tử tế với nhau mà cộng đồng xã hội đáng học tập, làm theo thì ít, trong khi tiêm nhiễm cái xấu, cái ác thì nhiều. Đó là do xã hội bị nhóm người có lối sống chạy theo lợi ích bản thân, chạy theo vật chất, tham lam ích kỷ,… làm vấy bẩn, phá hoại những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam chúng ta, từ gia đình ra đến ngoài xã hội. Từ thời con cái đi học, nhiều gia đình đã lao vào chạy điểm, chạy trường; lớn lên đi làm tiếp tục chạy chức, chạy ghế, chạy quyền…

Người Việt cha ông ta xa xưa đã thể hiện cách sống tử tế thật đẹp. Không đồng tình với các ác, cái xấu, xu nịnh, bè phái, lũng đoạn triều đình…, họ sẵn sàng từ bỏ chức tước, địa vị, để giữ gìn nhân nghĩa, cốt cách của mình.

Thời vua Trần Dụ Tông cầm quyền trị vì, tình cảnh xã hội nhiễu nhương. Cận thần nhiều người bất tài, o bế vua để lộng hành; dân tình đói khổ; nhiều trung thần nghĩa sĩ bị làm hại. Chu Văn An (1292 - 1370) vốn người thẳng thắn chính trực, có uy tín cao trong triều. Ông dũng cảm dâng sớ xin chém 7 tên nịnh thần. Tờ sớ gây chấn động dư luận. Do Thất trảm sớ không được thực hiện, Chu Văn An từ quan, lui về ở ẩn tại Chí Linh, Hải Dương.

Danh tướng Trần Nguyên Hãn (1390 - 1429) là đại công thần thời nhà Lê. Sau cuộc kháng chiến chống quân Minh thành công, nhận thấy triều đình bắt đầu xuất hiện những tranh chấp, mưu hại lẫn nhau giữa các thế lực, năm 1429, Trần Nguyên Hãn trả mũ mão, xin về quê ở Sơn Đông. Về sau, những kẻ xấu thêu dệt gièm pha, buông lời xúi giục nhà vua, cộng thêm tính đa nghi, vua Lê Thái Tổ bắt tội Trần Nguyên Hãn, khiến ông tự sát. Đến đời Lê Nhân Tông, ông mới được ân xá và khôi phục chức vị. Đến đời nhà Mạc, ông mới được truy phong là Tả tướng quốc, Trung liệt Đại vương.

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) đỗ Trạng Nguyên thời nhà Mạc, sau đó giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình. Trong 8 năm ở triều, Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ vạch tội, xử 18 kẻ đại nịnh thần, không được nhà vua chấp thuận, Năm 1542, ông xin về quê, lui về mở trường dạy học, viết sách, làm thơ. Sau này, dù không ở kinh đô, Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn lo liệu việc triều chính, giúp vua bàn quốc sự. Khi có chuyện trọng đại, vua thường hỏi ý kiến ông.

Có thể nói, sống nhân nghĩa, tử tế là truyền thống tốt đẹp của cha ông ta từ ngày xưa cho đến ngày nay. Thực tế, tấm lòng tử tế của người Việt với nhau, vẫn luôn hiện diện bên cạnh chúng ta hằng ngày, chẳng hạn như hành vi, nghĩa cử của những con người: “Hiến xác cho khoa học”, “Hiến tạng giúp người”, “Hiến máu nhân đạo”, “Xây nhà tình thương”, “Thùng bánh mì miễn phí”, “Trà đá miễn phí”, “Bữa cơm từ thiện 2.000 đồng”, “Sinh viên tình nguyện mùa hè xanh”,… Những câu chuyện nhân hậu này, khi viết lên mặt báo, mạng xã hội luôn tạo được sự xúc động mạnh trong dư luận. Thật đáng quý, đáng trân trọng tấm lòng tử tế, sống vì mọi người của những con người như vậy.

Sự tử tế của bản thân phải luôn được nhắc nhớ, thực hiện thường xuyên để hoàn thiện nhân cách của mình. Bởi thế, chính bản thân mình phải sống tử tế trước đã, rồi mới nói chuyện người khác sống tử tế. Từ đó, nhìn rộng ra, một xã hội có nhiều hơn nữa tấm lòng tử tế, nhân hậu sẽ là một xã hội tốt đẹp, văn minh; còn ngược lại, sự tử tế ngày càng ít đi, bị lấn át bởi nhiều hành vi độc ác, tham lam, ích kỷ, xấu xa… thì đó là một xã hội xuống cấp!

Diễn đàn “Người Việt tử tế” của Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mở ra, không chỉ là nơi chỉ để mọi người nhắc nhở, kêu gọi cộng đồng hãy phát huy sự tử tế, sống đẹp, mà sâu rộng hơn, là chỉ thẳng đến một xã hội người Việt chúng ta cần phải vun đắp nhiều hơn nữa câu chuyện “Người Việt tử tế”. Nếu không kịp thời lan truyền thông điệp sống tử tế nhiều hơn nữa, chính chúng ta sẽ gánh chịu hậu quả từ một xã hội được nhiều người báo động đã xuống cấp trầm trọng!

Ban biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ” mong nhận được những ý kiến, bài viết của quý độc giả, học giả, chuyên gia về vấn đề trên.

Bài viết phù hợp sẽ được chúng tôi đăng tải kèm theo chế độ nhuận bút nhanh và hấp dẫn.

Bài vở xin gửi về hòm thư nguoiviettute@dddn.com.vn

Lưu ý: Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi liên hệ gửi nhuận bút khi bài viết được đăng.

Trần Hùng (03.03 Chung cư Riva Park, 504 Nguyễn Tất Thành, Phường 18, quận 4, TP.HCM)