[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Bảo vệ môi trường nhìn từ suy nghĩ của em học sinh lớp 5

Thanh Bình (Hà Trung – Thanh Hóa) 01/08/2019 07:04

Lời đề nghị “nhỏ” về bảo vệ môi trường của em học sinh lớp 5 mang tên Nguyễn Nguyệt Linh không chỉ có tác dụng trong hoạt động ngành giáo dục, mà còn ở các ngành nghề khác.

Câu chuyện em Nguyễn Nguyệt Linh, học sinh lớp 5, Trường Marie Curie (Hà Nội), đã viết thư ngỏ gửi thầy Hiệu trưởng của trường mình nói riêng và các thầy hiệu trưởng nói chung bày tỏ mong muốn các trường hãy dừng việc thả bóng bay trong ngày khai giảng năm học mới sắp tới đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận những ngày qua.

em Nguyễn Nguyệt Linh, học sinh lớp 5, Trường Marie Curie (Hà Nội)

Em Nguyễn Nguyệt Linh, học sinh lớp 5, Trường Marie Curie (Hà Nội) - người đã viết bức thư mang thông điệp bảo vệ môi trường gây xôn xao dư luận.

Bức thư mang thông điệp bảo vệ môi trường của em Nguyễn Nguyệt Linh viết dưới dạng thư điện tử, gửi tới hơn 40 trường học đang được nhiều người chia sẻ. Trong thư có đoạn:

“Con biết là hằng năm khi bắt đầu khai giảng, nhà trường thường cho các lớp thả bóng bay lên trời. Sau những thông tin con tìm thấy được thì bóng bay được làm từ nilon, tức là từ nhựa và khi thả bóng bay lên thì các chú chim hoặc các động vật khác khi nuốt vào, nó có thể bị chặn đường ruột và dẫn đến chết đói. Còn khi bóng bay rơi xuống đất hoặc biển thì những chú rùa biển và các loài sinh vật biển khác được biết là đã bị nhầm lẫn giữa bóng bay và sứa biển. Ruy băng và dây buộc bóng có thể khiến chúng mắc kẹt và dẫn tới cái chết ạ.

Vậy nên bây giờ con nghĩ rằng trường mình có thể dừng thả bóng bay vào hôm khai giảng hoặc hạn chế số lượng bóng bay, có được không ạ? Con chỉ muốn gửi thông điệp: “Thả bóng bay lên trời: bay cao ước mơ của các học sinh - giết ước mơ của bao chú chim và rùa biển” – Trích từ thư em Nguyệt Linh viết.

Bức thư em Nguyễn Nguyệt Linh gửi tới các trường học ở Hà Nội.

Bức thư em Nguyễn Nguyệt Linh gửi tới các trường học ở Hà Nội.

Liên quan đến vấn đề này, thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie cho biết: “Thầy nhận được lá thư của con do một người bạn thân gửi đến, thầy bất ngờ và xúc động vô cùng. Không thả bóng bay lên trời để bảo vệ môi trường! Một ý tưởng đẹp, rất đẹp và ý nghĩa sâu sắc”.

Đích thân ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã gửi một lá thư cho cô bé đề xuất không thả bóng bay trong lễ khai giảng năm học mới để bảo vệ môi trường. Rằng: “Việc không thả bóng bay kèm theo những ước mơ bay cao, bay xa trong những giờ phút thiêng liêng của ngày khai trường là con và các bạn đồng trang lứa đã từ bỏ niềm vui nhỏ của tuổi học trò để mở ra ước mơ có ý nghĩa hơn.. Đó là bảo vệ sự sống của mọi sinh vật trên hành tinh trước vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa”.

Có thể bạn quan tâm

  • [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Cần sự tử tế trong đấu thầu

    [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Cần sự tử tế trong đấu thầu

    06:57, 31/07/2019

  • [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Cần sự tử tế trong công việc

    [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Cần sự tử tế trong công việc

    03:36, 30/07/2019

  • Cận cảnh VinFast Lux SA2.0 - xe SUV hạng sang của người Việt mới xuất xưởng

    Cận cảnh VinFast Lux SA2.0 - xe SUV hạng sang của người Việt mới xuất xưởng

    11:59, 29/07/2019

  • [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Tử tế với hàng xóm

    [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Tử tế với hàng xóm

    06:11, 27/07/2019

  • [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Những người đánh vật với “giặc lửa”!

    [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Những người đánh vật với “giặc lửa”!

    06:29, 26/07/2019

Có thể nói, dù ở bất kỳ thời đại nào môi trường đều rất quan trọng đối với con người. Môi trường tạo ra những nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu cho sinh hoạt và sản xuất của con người, bên cạnh đó lại là nơi chứa đựng và đồng hóa mọi chất thải từ hoạt động của con người. Nói theo ngôn ngữ khoa học thì giữa môi trường và sự phát triển có mối quan hệ chặt chẽ: môi trường là địa bàn và đối tượng của sự phát triển, còn phát triển là nguyên nhân tạo nên các biến đổi môi trường.

Con người đã tác động quá nhiều đến môi trường, khai thác đến mức cạn kiệt các nguồn tài nguyên, thải nhiều chất độc làm cho môi trường không còn khả năng tự phân hủy. Nên khí hậu ngày càng khắc nghiệt và khó dự báo hơn, mưa bão lũ quét thất thường, suy thoái đất, nước, suy giảm nguồn tài nguyên rừng, ô nhiễm môi trường xảy ra trên diện rộng… Đó là các vấn đề về môi trường mà toàn nhân loại đã và đang đối mặt.

Để góp phần vào việc bảo vệ môi trường chung, đã có những nỗ lực nhất định từ phía cộng đồng, đặc biệt là từ các hoạt động phong trào của các tổ chức đoàn, hội. Thực tế, có rất nhiều đợt phát động phong trào dọn vệ sinh lòng đường, hè phố, trồng và chăm sóc cây xanh… Và cũng đã có sự lên án, phê phán những trường hợp gây tác hại đến môi trường như vứt rác bừa bãi, không tham gia đóng phí vệ sinh môi trường, nhổ cây, bẻ cành và ngắt phá cây xanh..v..v.

Còn, Chính phủ đã ban hành hàng loạt các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm xử lý, răn đe những tổ chức, cá nhân có hành vi làm tổn hại đến môi trường, rồi các công nghệ xử lý rác thải, phát minh khoa học ra đời nhằm giảm thiểu những tác động đến môi trường.

Vậy còn bản thân mỗi chúng ta, có bao giờ ai đó đã tự hỏi “mình đã làm gì để bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu chưa?”

Ban biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ” mong nhận được những ý kiến, bài viết của quý độc giả, học giả, chuyên gia về vấn đề trên.

Bài viết phù hợp sẽ được chúng tôi đăng tải kèm theo chế độ nhuận bút nhanh và hấp dẫn.

Bài vở xin gửi về hòm thư nguoiviettute@dddn.com.vn

Lưu ý: Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ.

Đừng nghĩ rằng bảo vệ môi trường là phải nghiên cứu ra một công trình, một máy móc hiện đại nào đó hay đó là việc của các chuyên gia, các kỹ sư hay của pháp luật mà bằng những hành động nhỏ nhặt và cụ thể hàng ngày, chúng ta cũng góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường.

Nói như GS.TSKH Phạm Phố: “Nhiều khi người ta cứ vẽ thêm ra để làm lấy tiền, thậm chí nhà trường cũng kinh doanh. Bởi vậy, tôi hoàn toàn ủng hộ với lời đề nghị của em học sinh lớp 5 về việc các trường không nên thả bóng bay trong ngày khai giảng”.

Điều này cũng có nghĩa, lời đề nghị “nhỏ” về bảo vệ môi trường của em học sinh lớp 5 mang tên Nguyễn Nguyệt Linh không chỉ có tác dụng trong hoạt động ngành giáo dục, mà còn ở các ngành nghề khác - điều mà “nhiều khi người ta cứ vẽ thêm ra để làm lấy tiền”.

Thanh Bình (Hà Trung – Thanh Hóa)