[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Tử tế khi nhận cơm từ thiện

Đình Đại 14/08/2019 06:00

Cơm từ thiện là để dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết được ý nghĩa của nó, nên đôi khi người ta vẫn nhận mà không phải thật sự cần.

Đối với những người làm việc thiện nguyện, họ luôn muốn những gì mà mình trao đi cho dù không có giá trị nhiều về mặt kinh tế, nhưng luôn muốn nó đến được tay của những người thật sự cần. Vì chỉ có những người thật sự cần mới có thể hiểu hết ý nghĩa của nó và tôn trọng nó mà thôi.

Nói như một chị trưởng một nhóm từ thiện chuyên đi phát cơm cho bệnh nhân ở các bệnh viện thì: Làm từ thiện cũng rất khó, không phải cứ bỏ tiền ra là được người ta tôn trọng, cho cũng phải đúng người, đúng đối tượng thì mới mang lại giá trị.

Nhìn đoàn người chen lấn, xô đẩy nhau khi nhóm từ thiện đến phát cơm trước cổng bệnh viện, chị Lan một người bán hàng rong ngao ngán: “Ý thức của mọi người kém quá, người ta đi làm từ thiện đã vất vả, vừa tốn tiền, tốn thời gian mà những người đến nhận không có ý thức. Họ yêu cầu xếp hàng thì không chịu cứ chen lấn, xô đẩy nhau thế kia vừa gây khó khăn cho người ta lại vừa tạo cơ hội cho kẻ gian trà trộn vào móc túi”.

Chen lấn, xô đẩy vừa gây khó khăn cho những người làm từ thiện, vừa tạo cơ hội cho kẻ gian lợi dụng móc túi.

Chen lấn, xô đẩy vừa gây khó khăn cho những người làm từ thiện, vừa tạo cơ hội cho kẻ gian lợi dụng móc túi.

Theo chị Lan, ở đây ngày nào cũng có 1 - 2 đoàn từ thiện đến phát cơm miễn phí cho bệnh nhân, có đoàn thì họ phát phiếu trước, có đoàn thì không, ai có phiếu thì sẽ được ưu tiên phát trước, những người không có phiếu chưa được phát thì la ó nói này, nói kia, có người còn quay qua cãi nhau với người của đoàn từ thiện.

“Mấy hôm trước vì tranh giành cơm mà xảy ra cãi lộn, mọi người phải vào can ngăn mới không dẫn đến ẩu đả. Nhiều người không phải là bệnh nhân ở đây nhưng cũng đến ngửa tay xin cơm từ thiện. Ngay cả bình nước miễn phí bên kia nữa, nhiều người uống xong rồi còn rót ra rửa tay thật chẳng ra làm sao”, chị Lan nói rồi chỉ tay sang bình nước miễn phí đặt ở bên kia đường.

Có thể bạn quan tâm

  • [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Cụ ông thất thập nhặt mũ bảo hiểm cũ tặng học sinh nghèo

    [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Cụ ông thất thập nhặt mũ bảo hiểm cũ tặng học sinh nghèo

    03:30, 13/08/2019

  • [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] “Nâng cấp” môi trường du lịch nhìn từ vụ “chặt chém” du khách Nhật

    [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] “Nâng cấp” môi trường du lịch nhìn từ vụ “chặt chém” du khách Nhật

    01:25, 09/08/2019

  • [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Khi “người đứng đầu” làm gương nói không với đồ nhựa

    [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Khi “người đứng đầu” làm gương nói không với đồ nhựa

    17:54, 08/08/2019

  • [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Thấy gì từ vụ du khách Nhật bị “chặt chém” gần 3 triệu đồng?

    [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Thấy gì từ vụ du khách Nhật bị “chặt chém” gần 3 triệu đồng?

    10:13, 08/08/2019

Anh Thành, một người chuyên chở cơm cho một nhóm từ thiện cho biết, anh làm nghề này cũng được gần 10 năm, chở cơm cho nhóm đi phát ở nhiều bệnh viện trong Thành phố nên anh chỉ cần nhìn đã biết ai là bệnh nhân, ai không phải. Anh còn kể, có lần anh theo dõi một nhóm người chuyên đi xin cơm từ thiện ở các bệnh viện rồi mang về cho cả xóm ăn, ăn không hết họ đem phơi khô để bán cho những người nuôi Heo.

Nhiều người còn lấy nước uống để rửa tay

Nhiều người còn lấy nước uống để rửa tay

“Có người mới hôm trước tôi gặp ở bệnh viện này, hôm sau phát ở bệnh viện khác lại thấy họ. Có lần tôi theo người của nhóm từ thiện vào Khoa phát phiếu nhận cơm miễn phí cho bệnh nhân. Vì muốn thử nên chúng tôi phát cả cho những người ở phòng dịch vụ nhưng họ vẫn nhận phiếu và xuống lấy cơm. Tôi chắc là họ sẽ không dùng vì nhu cầu của họ sẽ cao và họ là những người có tiền. Tôi đi theo thì đúng là có người không dùng thật, họ mở ra xem rồi bỏ vào thùng rác. Tôi không hiểu những người này họ nghĩ gì mà lại làm như vậy, họ đã cướp đi cơ hội của những người cần cơm thật sự”, anh Thành kể.

Cũng theo anh Thành, ngày xưa khi các bệnh viện chưa có Căng-tin thì các nhóm từ thiện còn được phép mang cơm vào tận giường bệnh để phát cho bệnh nhân. Nhưng mấy năm trở lại đây, khi các bệnh viện có Căng-tin thì không được phép nữa. Ngay cả việc phát phiếu cho bệnh nhân cũng phải lén lút, nếu bị bảo vệ phát hiện sẽ bị đuổi ra ngay. Anh bảo giờ chỉ còn bệnh viện 1A là cho phép các đoàn từ thiện phát cơm trong khuôn viên bệnh viện, còn các bệnh viện khác chỉ cho phát ngoài cổng, nên việc kiểm soát cũng rất khó.

Còn cô Xuân, Trưởng một nhóm từ thiện thì cho biết, nhóm của cô không phát phiếu trước, nên ai đến cũng có phần. Mặc dù biết có rất nhiều người không phải bệnh nhân ở đây nhưng cô vẫn phát cho họ, chỉ có những người đã nhận rồi mà quay lại xin nữa thì cô sẽ nhất quyết không cho, vì nếu cho họ nữa thì người khác sẽ mất phần.

Cô Xuân chia sẻ: “Mình vì cái tâm nên mới đi làm việc thiện nguyện này, còn những người nhận, nếu họ gian dối thì do tâm họ không sáng. Chỉ có họ mới biết là họ có thật sự cần những suất cơm từ thiện hay không, nếu họ không nhận thì những người nghèo thật sự sẽ có cơ hội. Tôi nghĩ, mỗi người cần phải có ý thức thì những hoạt động thiện nguyện này mới đạt được ý nghĩa trọn ven”.

Cũng giống như cô Xuân, chị Nguyễn Thị Huế - Trưởng nhóm thiện nguyện Lửa đêm thứ 7 cho rằng, việc làm thiện nguyện là xuất phát từ cái Tâm của những người muốn trao đi cái giá trị nhân văn đích thực và chỉ có những người thật sự cần mới hiểu hết được giá trị của nó. Đối với nhiều người, một suất cơm có giá 13.000 đồng không là gì, nhưng với những người vô gia cư thì lại là một món quà rất ý nghĩa, ngoài việc giúp họ no bụng, nó còn giúp họ nhận ra những giá trị của cuộc sống có thể đến với họ bất cứ lúc nào.

Để những suất cơm từ thiện phát huy được hết những giá trí vốn có của nó, thiết nghĩ, những người nhận cần phải ý thức được những hành động của chính bản thân mình, phải trân trọng những gì mà mình đã nhận. Nếu không thật sự có nhu cầu, hãy nhường cơ hội cho những người thật sự cần nó. Đây cũng chính là một sự chia sẻ và cao hơn cả đó còn là sự “tử tế” đối với chính bản thân mình.

Để góp phần chung tay xây dựng xã hội của chúng ta ngày càng tốt đẹp, Ban biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ” mong nhận được những ý kiến, bài viết của quý độc giả, học giả, chuyên gia về vấn đề trên.

Bài vở xin gửi về hòm thư nguoiviettute@dddn.com.vn

Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ.

Trân trọng cảm ơn.

Ban Biên tập.

Đình Đại