Những du khách nước ngoài khi đến Việt Nam, hẳn họ đã được nghe những điều tốt đẹp về đất nước mình, vậy thì hãy làm thế nào để cho họ có được sự nguyên vẹn của điều tốt đẹp đó.
Câu chuyện về cụ Oki – 83 tuổi (du khách người Nhật) bị người đạp xích lô “chém” 2,9 triệu đồng ở TP Hồ Chí Minh đang lan truyền khá nhanh trên mạng xã hội. Dù sau đó người đạp xích lô bị bắt và có lá thư xin lỗi, nhưng để lại phía sau một thực tế đáng buồn là vấn nạn chặt chém trong ngành du lịch vẫn nhức nhối.
Đây không chỉ là “câu chuyện đầu tiên” về cái gọi là chặt chém khách du lịch, mà từ lâu, những thói lừa đảo, ép giá, chặt chém khách nước ngoài, thậm chí là khách trong nước không còn là chuyện lạ đối với một số bộ phận những người bán hàng tại những điểm du lịch, diễn ra hầu hết ở các địa phương.
Người Việt Nam xin đừng làm xấu hình ảnh đất nước mình trong mắt bạn bè quốc tế.
Hẳn chúng ta còn nhớ chuyện một vị khách nước ngoài khi đến thăm Hà Nội đã bị lừa phải mua một túi bánh rán nhỏ với giá 700.000 đồng. Hoặc, có người đàn ông Hàn Quốc choáng vì đi chuyến xe bus 600.000 đồng thay vì 5.000 hay 7.000 đồng trong ngày đầu tới Hà Nội. Rồi, đĩa trứng xào 500.000 đồng, bát cháo giá 400.000 đồng ở Nha Trang chẳng hạn..v..v.
Trở lại với chuyện về cụ Oki, dư luận bất ngờ trước phản ứng của cụ khi thể hiện sự nghiêm khắc với bản thân mình, luôn nhận phần trách nhiệm về mình. Từ đầu đến cuối, ông đều nhận lỗi về mình, khi biết gia cảnh người xích lô đó cũng không khá giả, ông cụ hoàn toàn không muốn đòi lại số tiền mình bị cướp đi. Dù nói một lời nào, ông cụ Oki đều nói: “Lỗi tại tôi, là do tôi không hỏi giá trước”.
Nhân đây, hẳn ai đó sẽ liên tưởng đến một tính xấu của người Việt đó là thói quen đổ lỗi. Với bản tính của mình, khi có bất cứ sự vụ nào xảy ra, người Việt thường không có can đảm nhận trách nhiệm, không dám thừa nhận sự thật, mà cứ quanh co đổ lỗi trước đã, bao giờ cùng đường, không lối thoát mới chịu thua.
Nói thẳng ra, xét riêng ở môi trường du lịch thì chuyện chặt chém du khách của người làm nghề đạp xích lô kia suy cho cùng nó chỉ là biểu hiện của một trong số nhiều thói xấu của người làm dịch vụ, kinh doanh ở các điểm du lịch. Nào là chặt chém, lừa đảo, nào là đeo bám khách… cho đến thiếu trách nhiệm trong việc giữ gìn về sinh môi trường chung. Tất cả tạo lên một khung cảnh nhếch nhác, khó chịu nhất định cho ngành “công nghiệp không khói”.
Chính những điều đó khiến cho du lịch tại Việt Nam đang chứng kiến những sự mất thu hút nặng nề, nên đang có hiện tượng “chảy máu du lịch”. Tức là, đang có tình trạng người dân dần từ bỏ du lịch trong nước, để chuyển sang du lịch quốc tế.
Có thể bạn quan tâm
05:02, 08/08/2019
19:40, 07/08/2019
08:00, 04/08/2019
10:13, 08/08/2019
08:00, 07/08/2019
Xin được dẫn ra một con số được chính các công ty du lịch Việt Nam cung cấp, thông báo trong dịp lễ gần nhất là dịp 30/4 vừa qua: Tour đi Huế – Quảng Bình – Quảng Nam – Đà Nẵng 5 ngày, ở khách sạn 4 sao có mức 8 triệu đồng/khách. Trong khi đó, cũng thời gian này, tour đi Thái Lan lịch trình Bangkok – Pattaya, ở khách sạn 3 sao, tặng vé xem Nanta Show giá cũng khoảng 8 triệu đồng/khách; Tour Siem Reap – Phnom Penh 4 ngày, ở khách sạn 4 sao giá chỉ 4,99 triệu đồng/khách..v..v.
Đó là chưa kể đến thực trạng nhức nhối của cái gọi là “tour 0 đồng” thời gian qua. Nó không chỉ gây nhiễu loạn thị trường du lịch mà còn ảnh hưởng đến vấn đề an ninh quốc phòng.
Tựu trung lại, bao nhiêu điều như sự vô trách nhiệm, chặt chém, giá cả, môi trường ô nhiễm, chất lượng dịch vụ kém nhưng giá cao, di chuyển khó khăn,… Toàn những lý do “muôn năm cũ” nhưng bao nhiêu năm rồi ngành du lịch Việt Nam vẫn chẳng thể thay đổi được.
Những điều đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và địa phương có thế mạnh du lịch nói riêng, gây tâm lý lo lắng và cảm giác không an toàn cho du khách.
Có thể nói, những du khách nước ngoài khi đến Việt Nam, hẳn họ đã được nghe những điều tốt đẹp về đất nước mình, vậy thì hãy làm thế nào để cho họ có được sự nguyên vẹn của điều tốt đẹp đó. Với du khách nội cũng thế, người ta có yêu quê hương đất nước thì mới dành thời gian và chi phí để khám phá hết mọi miền tổ quốc, vậy thì hãy làm thế nào đó để nhân thêm tình yêu đất nước trong mỗi con người Việt.
Để “nâng cấp” môi trường du lịch, thiết nghĩ, chúng ta cần phải đẩy mạnh một số việc cần làm ngay như:
Một là: Phải phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý du lịch. Đặc biệt, niêm yết công khai giá dịch vụ, số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh về tình trạng “chặt chém” hoặc hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ…du khách.
Hai là: Kiên quyết xóa bỏ tình trạng buôn bán hàng rong để chèo kéo, đu bám du khách; có chính sách hỗ trợ, chuyển đổi nghề nghiệp cho các đối tượng này. Xử lý nghiêm các doanh nghiệp lữ hành có hành vi móc nối với các địa điểm du lịch để “chặt chém”, ép buộc du khách phải sử dụng các dịch vụ.
Ba là: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường du lịch, ứng xử văn minh, lịch sự với du khách để xây dựng hình ảnh tốt đẹp về con người, đất nước Việt Nam.