Số tiền 2,9 triệu đồng là số tiền lớn, song cái mất mát lớn hơn là niềm tin bị suy giảm của môi trường du lịch ở Việt Nam mới thực sự để chúng ta quan tâm.
Mấy hôm nay rộ lên câu chuyện tại TP HCM, một cuốc xích lô 5 phút mà du khách Nhật Bản tốn chi phí 2,9 triệu đồng.
Nạn chặt chém khách du lịch ở Việt Nam như hiện tượng này tuy không phải là phổ biến nhưng cũng không phải là cá biệt. Nhiều người thẳng thắn cho rằng, đây là một hành động cưỡng đoạt – một câu chuyện đáng xấu hổ cho du lịch Việt Nam.
Số tiền 2,9 triệu đồng không phải là số tiền lớn, song cái mất mát lớn hơn là niềm tin bị suy giảm của môi trường du lịch ở Việt Nam mới thực sự để chúng ta quan tâm. Ngoài xích lô chặt chém thì ở TP HCM còn câu chuyện bán một quả dừa cho du khách giá gấp 3-5 lần giá bình thường. Hay câu chuyện đưa gánh hàng cho khách gánh thử, chụp ảnh kỷ niệm sau đó đòi khách phải trả tiền.
Có thể bạn quan tâm
08:00, 07/08/2019
04:50, 17/04/2019
16:35, 26/02/2019
11:57, 24/07/2018
13:45, 25/01/2018
11:08, 26/12/2017
05:16, 11/09/2017
14:21, 08/08/2017
Mặc dù ở TP HCM, Hà Nội hay tại các tỉnh thành phố khác trong cả nước vẫn còn rất nhiều gương người tốt việc tốt trong kinh doanh thương mại du lịch và dịch vụ, nhưng vì những “con sâu làm rầu nồi canh” buộc chúng ta phải có những giải pháp khắc phục ngay trong thời gian tới.
Việc xây dựng thương hiệu cho các cá nhân tổ chức doanh nghiệp kinh doanh thương mại du lịch và dịch vụ sẽ rất kỳ công, có thể phải 5-10 năm mới tạo dựng được thương hiệu của mình, nhưng chỉ một sự việc xấu sẽ làm mất niềm tin của khách thì công sức của chúng ta phấn đấu nhiều năm bị sứt mẻ một cách nhanh chóng.
Việt Nam đang trên đường đổi mới và hội nhập, thương mại du lịch dịch vụ ngày càng phát triển để đón khách gần xa. Năm 2018, Việt Nam đón hơn 15 triệu khách du lịch quốc tế và mấy chục triệu khách du lịch nội địa, nhưng thống kê cho biết số du khách quốc tế quay lại Việt Nam du lịch lần 2 với một tỷ lệ còn khiêm tốn.
Nhìn sang các nước phát triển và khu vực Đông Nam Á cho ta thấy, họ bắt đầu xây dựng thương hiệu của mình từ những cái nhỏ nhất như: cách trả tiền lẻ, tiền thừa cho khách, cách bao gói hàng hóa, những lời cám ơn chân thành khi đến và khi đi. Những lúc cao điểm đông khách, những hiện tượng tăng giá vô lý đều được kiểm soát một cách chặt chẽ, ít có những đột biến để khách hàng phải âu lo, phân vân và có những ấn tượng không tốt trong thời gian lưu trú mua sắm và hưởng thụ dịch vụ ở một địa phương nào đó.
Ở đây cần nói thêm về cách làm của một số nước có ngành thương mại du lịch dịch vụ phát triển một cách bền vững và hiệu quả, đó là họ đã áp dụng một nền kinh tế chia sẻ hợp tác, giữa các ngành có liên quan đến việc đón tiếp, phục vụ mua sắm, thụ hưởng dịch vụ của các khách đến với quốc gia họ. Một tấm vé máy bay của hãng hàng không với mức giá rẻ không có nghĩa hãng hàng không đó chỉ thụ hưởng trị giá của tấm vé đó mà lợi nhuận của các siêu thị, khách sạn, nhà hàng ăn uống… kết toán để chia sẻ.
Việc làm đó vừa khôn ngoan, vừa nhân văn, và đồng thời nâng cao sức thu hút khách du lịch đến với họ ngày càng đông đảo hơn, với mức giá cả hợp lý từ cách chia sẻ trên. Chúng ta hiện nay chưa làm được những điều đó. Tuy nhiên về lâu về dài, với xu hướng của thời đại, về một nền kinh tế chia sẻ, chắc chắn ngành thương mại du lịch, dịch vụ Việt Nam sẽ thực hiện được.
Trở lại việc xây dựng thương hiệu cho các ngành kinh tế, cho chúng ta thấy, trước hết cần nhận thức đúng về vai trò quan trọng và sống còn của việc xây dựng thương hiệu của thương mại du lịch và dịch vụ ở nước ta, còn đang ở một trình độ tương đối thấp. Sự cần thiết phải xây dựng các ngành kinh tế trên trở thành một chuỗi liên tục bao gồm thương mại, du lịch, dịch vụ...
Toàn dân phải biết làm du lịch và có trách nhiệm góp phần phát triển du lịch của đất nước, mọi đối tượng từ nhân viên hàng không, hải quan, vận chuyển hành khách, khách sạn, siêu thị, nhà hàng... phải trở thành một khối thống nhất và một chuỗi kinh doanh hiệu quả, có sức cạnh tranh cao. Chăm chút xây dựng thương hiệu từ những cái nhỏ nhất để ngày càng trưởng thành, đạt được những nấc thang cao hơn trong phát triển thương mại, dịch vụ du lịch ở Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng, mang tính quy luật trong thời đại hội nhập và cạnh tranh mạnh mẽ hiện nay ở khu vực và trên thế giới.