Ba tháng vừa qua, tôi dạy văn hóa Việt cho khoảng gần 300 người Hàn Quốc trong khoảng 15 buổi học.
Tôi thầm cảm ơn tập đoàn này vì đã hoàn toàn khác những công ty Hàn quốc khác - trao cho tôi cơ hội cho tôi để quảng bá văn hóa Việt Nam, nói cho người Hàn những điều mà họ hoàn toàn không biết, hoặc hiểu biết nhưng sai.
Tôi rất hào hứng với công viêc này mà không cần quá để ý về thù lao hay lý do nào đó. Tôi làm thế vì tôi thấy có lỗi với chính văn hóa của đất nước mình.
Địa đạo Củ Chi - một trong những điểm du lịch hấp dẫn khách nước ngoài.
20 năm giảng dạy tiếng Hàn Quốc, tôi cũng đã nói cho hàng ngàn học trò của tôi về văn hóa Hàn Quốc, và kết quả là bây giờ thì có học sinh của tôi còn hỏi tôi về nhã nhạc cung đình Hàn Quốc, họ hiểu văn hóa Hàn Quốc hơn cả là họ hiểu văn hóa Việt Nam.
Tôi đã suy nghĩ rất nhiều làm thế nào để quảng bá văn hóa Việt Nam từ rất lâu, và tôi cũng đã từng thử, tôi gửi thư đến khá nhiều công ty Hàn quốc và xin dạy văn hóa Việt cho chuyên gia Hàn Quốc… miễn phí. Tất cả đều thất bại, bị ngó lơ, hoặc bị từ chối ở ở giai đoạn đầu tiên và bây giờ thì... cũng chẳng khá hơn là bao. Tôi vẫn miêt mài đi tìm nguyên nhân tại sao họ không quan tâm?
Có thể bạn quan tâm
08:00, 04/08/2019
14:47, 02/08/2019
15:29, 26/07/2019
11:00, 23/07/2019
Câu hỏi đầu tiên tôi bắt đầu buổi học của tôi luôn là "Các anh chị hiểu gì về Việt Nam trước khi sang đây?" Tất cả mọi người Hàn Quốc đều nhìn nhau, lắc đầu, và nếu có ai đó mạnh dạn trả lời thì câu trả lời rằng rất giống nhau: Đất nước của chiến tranh, đất nước của chủ nghĩa cộng sản giống… ai đó mà người ta không tiện nói, và nói chung thông tin đều rất ít ỏi, hoặc mơ hồ.
Tôi quay lại Đà Nẵng rất nhiều lần trong tháng vừa rồi, thấy du khách Hàn Quốc và các nước khác có vẻ đã không còn đông như trước. Tôi hỏi những người Hàn Quốc và người Việt thì tôi biết rằng số khách Hàn Quốc không tăng, thậm chí bây giờ đang có xu hướng đi các khu vực khác, các nước khác. Thật lạ là cũng chỉ là một hai năm trước, người Hàn Quốc và khách du lịch còn nườm nượp, và những resort siêu sang, siêu đẹp thì vẫn còn đó.
Trên chuyến bay trở lại Sài Gòn, tôi ngồi cạnh cặp vợ chồng người Mỹ, họ cho tôi biết là họ đi du lịch và họ nói rằng họ chỉ đi Hội An, sau đó họ sẽ đi Sài Gòn một ngày, ngày hôm sau sẽ sang... Xiem Riệp. Có nghĩa rằng họ đã không đi Huế, sẽ không đi đồng bằng sông Cửu long, không đi địa đạo Củ Chi. Tất nhiên không phải ai cũng có thể đi được hết, nhưng tôi vẫn tự hỏi rằng lý do nào để họ chọn Hội An thay cho Huế?
Tôi đã từng đặt chân lên đảo Nam Mi của Hàn Quốc, nơi quay bộ phim "Bản tình ca mùa đông" và thấy khách du lịch ở đây nườm nượp, đông nhất có lẽ vẫn là khách Việt Nam và Trung Quốc. Rất nhiều du khách nói với tôi rằng họ đến đây chỉ vì muốn chụp ảnh với hàng cây ngân hạnh đã làm nên tên tuổi của bộ phim, trong khi với tôi ở đây chỉ có ba thứ : Khách du lịch, cây, sóc... và chẳng có gì đặc biệt, có lẽ vì tôi không xem bộ phim này. Và tất nhiên, Hàn quốc không chỉ có "Bản tình ca mùa đông", họ có hàng ngàn bộ phim để quảng bá cho du lịch của họ.
Một buổi trưa nọ, phó trưởng đại diện một cơ quan thương mại lớn của Hàn Quốc đến chơi, ông ấy là người đi du lịch Việt Nam rất nhiều nơi. Bỗng ông hỏi tôi rằng "mày có biết tại sao ở gần bến Bạch Đằng, ngay đường Tôn Đức Thắng, nơi đặt bức tượng Trần Hưng Đạo gần đó lại có đường Thi Sách? Có tên Công trường Mê Linh". Tôi chưa suy nghĩ xong thì ông nói là vì ngày xưa đó có bức tượng Hai Bà Trưng, trước khi tượng Trần Hưng Đạo được đưa về đó. Ông nói chỉ cần khai thác những thứ đó, xâu chuỗi những sự kiện, kể cho khách du lịch biết về lịch sử của mình, du lịch Việt Nam trở nên đẹp và hấp dẫn hơn rất nhiều.
Học trò tôi vừa gửi cho tôi một quyển sách, thì ra đó là sách hoạt hình về nhân vật rất nổi tiếng ở Việt Nam hiện nay, HLV trưởng Park Hang Seo. Rất vui là sách bằng tiếng Hàn và người viết câu chuyện những điều đã xảy ra ở Việt Nam để kể cho người Hàn biết.
Tôi nghĩ sách do người Hàn Quốc viết ra, chứ nếu người Việt viết thì có lẽ còn nhiều dữ liệu hấp dẫn hơn nhiều. Sau này, có thể khi ông Park không còn là HLV trưởng nữa, người Hàn Quốc sẽ có tour du lịch thăm quê hương ông Park dành cho khách Việt, nhưng những câu chuyện hấp dẫn về ông ấy thì lại được... lấy từ Việt Nam.
Tôi có quê hương của tôi, tôi luôn luôn yêu quê hương vì ở đó có những câu chuyện gắn liền với những kỷ niệm và những con người. Trong gia đình tôi, những người có miền quê khác, không thể yêu quí tha thiết với quê hương của tôi như tôi được, bởi vì họ không có những câu chuyện như tôi.
Các con tôi thì nhớ mãi khi nghe cô thuyết minh viên thuyết trình về thời thơ ấu của Chủ tịch Hồ Chi Minh bằng chất giọng Nghệ An, con tôi đã về đó ít nhất 3 lần chỉ để muốn nghe lại hoặc nghe tiếp những phần còn lại.
Lịch sử Việt Nam là một kho báu vô tận với Hà Nội gắn liền với truyền thuyết Hồ gươm, Huế với hàng ngàn câu chuyện về Vương phủ, Phú Thọ gắn liền với Đền Hùng, Đà Lạt với hàng loạt câu chuyện về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, về những truyền thuyết liêu trai chí dị, miền Tây với bác Ba Phi, với những câu chuyện cá tôm sông nước huyền bí… Tuy chỉ là những câu chuyện cũ với người Việt, nhưng đó chính là sức hấp dẫn khách du lịch bất diệt muôn thuở.
Hai ngày trước, tôi được gặp lại một vị giáo sư Hàn Quốc, ông nói với tôi vô cùng cảm động: "Cậu còn nhớ đợt chúng ta đi khảo sát ở Nghệ An 10 năm trước hay không? Tôi vẫn rất nhớ câu chuyện về truyền thuyết An Dương Vương mà cậu đã kể tôi nghe trên chuyến đi đó, và tôi muốn thực sự đến đó một lần nữa vì nó quá ấn tượng với tôi”.
Tài nguyên thiên nhiên thì có hạn, nhưng tài nguyên trí tuệ thì vô cùng. Khách du lịch đến Việt Nam như đang tìm hiểu một cô thiếu nữ xinh đẹp, nhưng tâm hồn thì lại nghèo nàn, hoặc chưa biết kể chuyện để mời chàng trai ở lại lâu hơn và quay lại vài lần, hoặc chưa biết làm cho tâm hồn trở nên phong phú và hấp dẫn hơn.
Và điều thiếu của du lịch Việt Nam, không chỉ đó là khơi lại những câu chuyện hấp dẫn, sáng tạo hơn, cần phải có những người hệ thống hóa, chuyển ngữ, đóng gói như một món quá văn hóa tặng đến cho khách thập phương.