Hải Phòng cần cơ chế đặc thù để cất cánh
Để có nguồn vốn đầu tư công 1.200.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 – 2025, Hải Phòng đang báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xin một số cơ chế đặc thù.
Theo đó, Thành phố đề nghị cho phép HĐND thành phố được quyết định áp dụng trên địa bàn một số khoản phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí (bao gồm cả phí, lệ phí của đô thị cảng - nếu có). Đồng thời, được phép điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí.
Bên cạnh đó, Hải Phòng cũng đề nghị cho phép thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù trong công tác thẩm định, phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng thành phố. Cụ thể, đối với các khu vực có quy mô dưới 500 ha và việc điều chỉnh quy hoạch không làm thay đổi lớn đến định hướng phát triển đô thị thì Chủ tịch UBND thành phố được phê duyệt sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
Ngoài ra, Hải Phòng đề nghị cho phép thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng. Cùng với đó, đề nghị cho phép HĐND thành phố được xem xét, chấp thuận đối với trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng từ 10 ha đất trồng lúa trở lên; từ 20 ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Chỉ còn 4 năm để Hải Phòng thực hiện mục tiêu “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Chính sách đặc thù là cách mà Hải Phòng lựa chọn để đạt được đích đến. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại các chính sách đặc thù ở địa phương có thể gây nên tình trạng “tốt lỏi”, điển hình là cơ chế đặc thù về phí và lệ phí...
Có thể bạn quan tâm