Hà Nội: Nhiều dự án BT vẫn chậm tiến độ
Trong khi phần đất đối ứng đã được chủ đầu tư triển khai xây nhà bán rầm rộ, tuy nhiên, dự án hạ tầng được quy hoạch vẫn có dấu hiệu “dậm chân tại chỗ”…
Thời gian vừa qua, dư luận cảm thấy quan ngại khi nhiều dự án đường BT tại Hà Nội chậm tiến độ, trong khi phần đất đối ứng đã được chủ đầu tư triển khai xây nhà bán rầm rộ. Điều này đã cho thấy những bất cập cần thay đổi trong các dự án đầu tư theo hình thức BT (Hợp đồng xây dựng - chuyển giao).
Theo phản ánh của một số cơ quan báo chí, dự án xây dựng tuyến đường từ đê Ngọc Thụy đến Khu đô thị mới Thượng Thanh (quận Long Biên, Hà Nội) tổng chiều dài tuyến là 3.795 m, tổng mức đầu tư là 2.754 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức BT. Được phê duyệt dự án từ năm 2013, khởi công tháng 1/2017, dự kiến hoàn thành trong năm 2019 nhưng đến nay tuyến đường này vẫn chưa được thông xe.
Nhiều ghi nhận cho thấy, tại diện tích đất mà Nhà nước đổi trả cho chủ đầu tư là Công ty Khai Sơn, đã hình thành Khu biệt thự Khai Sơn Hill, hệ thống Trường quốc tế… Các khu biệt thự “đắt khách”, nhiều biệt thự đã có người vào ở, thế nhưng tuyến đường BT đối ứng thì vẫn nằm im không một hoạt động thi công. Vì thi công dở dang nên tuyến đường BT có giá trị gần 3.000 tỷ đồng trở thành nơi tập xe, gây lãng phí lớn khi chậm đưa vào khai thác sử dụng.
Trả lời cơ quan báo chí, đại diện Cty Khai Sơn cho biết, đoạn đường vướng do hàng trăm ngôi mộ án ngữ trên tuyến đường chưa thể di dời. Việc di chuyển hàng trăm ngôi mộ cần có sự phối hợp của chính quyền phường Thượng Thanh, quận Long Biên chứ Công ty không thể tự thực hiện được(?).
Không chỉ tại quận Long Biên, tình trạng tương tự cũng xảy ra tại huyện Thanh Trì, một tuyến đường BT khác do Công ty CP Bitexco thực hiện nối khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An với đường Phan Trọng Tuệ (thuộc dự án đầu tư đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An) cũng trong tình trạng tương tự.
Được biết, Dự án đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An được UBND TP Hà Nội phê duyệt tháng 4/2011 với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Dự án dài khoảng 3,76km gồm một tuyến chính dài 2,5km, nền đường rộng 53,5m và một tuyến đường phụ dài 1,1km, nền đường rộng 20,5m. Tuy nhiên, sau gần 10 năm, đến ngày 23/01/2020, Sở Giao thông vận tải mới thông báo phân luồng giao thông thông xe tuyến đường số 1 thuộc dự án này.
Theo tìm hiểu, kể từ lúc được phê duyệt dự án, do công tác thực hiện công tác giải phóng mặt bằng tại các địa phương phức tạp vì dự án đường giao thông trải dài qua 03 quận/huyện và 05 xã/phường cũng như hoàn tất thủ tục lập phê duyệt thiết kế kỹ thuật thi công nên tới ngày 15/5/2014, dự án mới chính thức được khởi công. Và khi thời hạn 36 tháng chưa kết thúc, thì UBND Thành phố đã có quyết định bổ sung hạng mục “Nút giao hoàn chỉnh giữa tuyến đường số 1 và đường 70” (dự án trước bổ sung chỉ có cầu vượt trực thông), hạng mục tuyến ống nước sạch D400 và một số hạng mục khác theo Quyết định số 3830/QĐ-UBND ngày 24/6/2017 của UBND Thành phố Hà Nội.
Có thể bạn quan tâm
Bất cập Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường: Chi phí đáp ứng chuẩn khí thải ai phải chịu?
04:50, 31/05/2020
Hà Nội: Đến bao giờ đường 70 hết khổ… vì vấn nạn “quá khổ”?
07:00, 30/05/2020
Hà Nội: “Đôn đốc” chốt phương án xử lý nhà, đất với doanh nghiệp cổ phần hóa
13:30, 29/05/2020
Phạt, truy thu thuế hơn 3,7 tỷ đồng đối với Công ty Bột giặt Lix
13:03, 29/05/2020