Ninh Thuận: Tình trạng phân lô bán nền đất nông nghiệp và câu chuyện quản lý
Thời gian gần đây, tình trạng thu gom đất nông nghiệp sau đó chuyển mục đích sử dụng, tách thửa rồi rao bán công khai trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có chiều hướng gia tăng. Vậy nguyên nhân do đâu?
Gia tăng nạn phân lô trên đất nông nghiệp
Bằng nhiều hình thức, chiêu trò như “tri ân khách hàng tặng 3 chỉ vàng”, cam kết lợi nhuận, “mua đất có ngân hàng hỗ trợ”… nhằm lấy lòng tin của khách hàng. Từ đó, rất nhiều khu đất nông nghiệp đã được rao bán công khai trên mạng internet và kéo theo đó là tình trạng xây nhà không phép không thể kiểm soát.
Trong đó, nổi bật là Công ty Cổ phần Vinhcorp Ninh Thuận (Công ty Vinhcorp) địa chỉ 90A Trần Phú, TP Phan Rang – Tháp Chàm. Năm 2019, doanh nghiệp này đã bị Sở Xây dựng chỉ đạo Thanh tra Xây dựng phối hợp các cơ quan và chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý vi phạm đối với khu đất phân lô tại phường Đô Vinh, TP Phan Rang – Tháp Chàm và khu đất phân lô tại xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước. Đến nay, song song với việc bán các lô đất tại 2 khu vực trên, Công ty Vinhcorp còn tiếp tục triển khai san lấp mặt bằng và thi công đường bê tông trái phép trên đất nông nghiệp rồi tách sổ rao bán nhiều khu vực khác trên địa bàn một số phường, xã khác với hàng trăm lô đất.
Cụ thể tại khu đất trên địa bàn xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, công ty này đã tách sổ 17 lô đất ở nông thôn; khu đất tại xã Hộ Hải, huyện Ninh Hải tách sổ 12 lô đất ở nông thôn; khu đất tách sổ 11 lô đất nông nghiệp tại phường Đô Vinh, TP Phan Rang – Tháp Chàm; khu đất tách sổ 16 lô đất nông nghiệp tại phường Bảo An, TP Phan Rang – Tháp Chàm và khu đất tại xã Thành Hải, TP Phan Rang – Tháp Chàm tách sổ 38 lô đất nông nghiệp.
Cũng theo lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận, các khu đất trên là những khu đất tự phát, chưa có quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoặc chưa được chấp thuận đầu tư. Do đó, các hộ dân khi mua đất để xây dựng nhà ở nhưng không được cơ quan nhà nước xem xét cấp phép xây dựng có thể dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện và mất tiền giao dịch, ảnh hưởng đến định hướng đầu tư của nhà nước khi việc tách sổ chỉ dựa trên kế hoạch sử dụng đất nhưng chưa có quy hoạch xây dựng.
Bên cạnh đó, việc phân lô tách sổ không qua hình thức đầu tư dự án sẽ ảnh hưởng rất lớn đến định hướng quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, phát triển điểm dân cư nông thôn, quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng, ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường bất động sản.
Và câu chuyện quản lý
Theo ông Nguyễn Như Nguyên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận, qua nắm bắt thông tin trên mạng xã hội về hoạt động kinh doanh môi giới bất động sản, Sở nhận thấy tình hình thu gom đất nông nghiệp sau đó chuyển mục đích sử dụng, tách thửa rồi rao bán công khai có chiều hướng gia tăng.
Nhằm hạn chế tình trạng này, Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố áp dụng các quy định về xử phạt vi phạm hành chính để chấn chỉnh kịp thời các hành vị bị cấm theo quy định tại Điều 12 Luật Đất đai như huỷ hoại đất đai, sử dụng không đúng mục đích từ việc san lấp mặt bằng, làm đường bê tông trên đất nông nghiệp của các doanh nghiệp đang diễn ra trên địa bàn đặc biệt là Công ty Vinhcorp, Công ty TNHH xây dựng Sunhouse đang rao bán.
Tuy nhiên, trước việc CTCP Vinhcorp Ninh Thuận phân lô bán nền tự phát, dù bị “tuýt còi” nhưng vẫn ngang nhiên tái phạm khiến dư luận đặt câu hỏi: CTCP Vinhcorp có nhờn luật hay sự buông lỏng của chính quyền địa phương.
Bởi theo thông tin về tình hình công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận 9 tháng đầu năm 2020, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai; chấn chỉnh, khắc phục các tôn tại trong công tác quản lý, xử lý vi phạm về trật tự xây dựng, đất đai trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tình trạng xây dựng trái phép, việc gom đất nông nghiệp sau đó chuyển đổi mục đích, tách thửa, phân lô bán nền vẫn diễn ra tràn lan.
Theo đánh giá của Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận, trên địa bàn thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tình trạng xây dựng vi phạm về đất đai vẫn đang diễn ra theo chiều hướng gia tăng; một số tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục: chưa kịp thời, quyết liệt trong triển khai các biện pháp ngăn chặn đối với công trình, nhà ở xây dựng, việc san lấp đất nông nghiệp vi phạm; Việc xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chưa triệt để. Hầu hết số vụ vi phạm chỉ dừng lại ở hình thức phạt tiền, chưa áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả nên chưa có tính răn đe, giáo dục. Bên cạnh đó, Một số trường hợp người vi phạm về trật tự xây dựng, đất đai là cán bộ, công chức, viên chức là cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Công an, Quân sự nhưng các xã, phường còn có sự ngần ngại, chưa kiên quyết thông báo việc vi phạm đến cơ quan, đơn vị nơi họ đang công tác.
Riêng đối với các huyện, việc xử lý vi phạm chưa thật sự quyết liệt, UBND các xã không áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm trước khi xử lý và thưc hiện việc chế tài sau xử lý, kể cả những trường hợp vi phạm san lấp đất nông nghiệp, phân lô bàn nền đất vi phạm tại các địa phương, có biểu hiện của sự buông lỏng trong công tác ngăn chặn và xử lý vi phạm. Trong đó, vai trò tham mưu của phòng Tài nguyên và Môi trường cho UBND huyện trong công tác quản lý đất đai chưa tốt. Thậm chí, số liệu báo cáo của các địa phương chưa phản ánh đúng với thực trạng tại địa phương, nhất là vi phạm về đất đai.
Có thể bạn quan tâm
Điều động 3 tàu kiểm ngư đi tìm kiếm ngư dân Bình Định mất tích
17:08, 28/10/2020
Còn nhiều vướng mắc trong hỗ trợ doanh nghiệp sau dịch COVID-19
05:17, 28/10/2020
Tàu cá Bình Định bị chìm tại Vịnh Cam Ranh khi chạy tránh bão
19:32, 27/10/2020
Dự án Ocean View Nha Trang: Bao giờ các vi phạm mới được xử lý?
04:30, 27/10/2020