Thanh Hóa: Thêm 10 doanh nghiệp bị xử phạt "đầu độc" sông Mã
Sau khi các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa vào cuộc vì liên quan đến cá liên tục chết hàng loạt trên sông Mã, đến nay đã có thêm 10 doanh nghiệp bị xử phạt với tổng số tiền hơn 1,8 tỷ đồng.
Cụ thể, đầu tháng 4/2021, hơn 60 tấn cá lồng nuôi của người dân và nhiều loài thủy sản tự nhiên trên sông Mã đoạn qua 2 huyện Bá Thước và Cẩm Thủy chết trắng sông. Thời điểm này, người dân phát hiện nước sông Mã đổi màu đen, bốc mùi hôi thối, ô nhiễm.
Nghi vấn có cơ sở xả thải chưa qua xử lý "đầu độc" sông Mã là nguyên nhân dẫn tới cá chết hàng loạt, ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đã thành lập đoàn liên ngành đi kiểm tra, ghi nhận 4 nhà máy có hành vi chôn ống ngầm, hoặc bơm trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra sông Mã tại huyện Bá Thước.
Từ đó, hàng loạt các nhà máy chế biến lâm sản, sản xuất vàng mã, bột giấy... nằm tại dọc sông Mã tại các huyện Bá Thước, Quan Hóa cũng đã được kiểm tra và phát hiện nhiều vi phạm trong hoạt động bảo vệ môi trường.
Ngày 15/7, thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, vừa ký ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 10 cơ sở sản xuất vàng mã, bột giấy, tăm đũa tre có các nhà máy đặt dọc sông Mã đoạn qua 2 huyện Bá Thước và Quan Hóa với tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng.
Các cơ sở có hành vi xả thải chưa qua xử lý ra môi trường bị xử phạt gồm: Hợp tác xã chế biến lâm sản Quan Hóa (bị phạt 175 triệu đồng); Hợp tác xã Hà Long (300 triệu đồng); Hợp tác xã chế biến lâm sản Sông Mã (cơ sở 1, phạt 180 triệu đồng); Hợp tác xã chế biến lâm sản Sông Mã (cơ sở 2, bị phạt 160 triệu đồng) và Hợp tác xã Xuân Dương (bị phạt 140 triệu đồng); Công ty Duyệt Cường (bị phạt 160 triệu đồng); Hợp tác xã Hà Long (bị phạt 140 triệu đồng); Công ty đầu tư và phát triển Hạnh Nguyễn (bị phạt 130 triệu đồng); Công ty thương mại vận tải Hoàng Vân (bị phạt 110 triệu đồng) và Hợp tác xã Hợp Phát (bị phạt 130 triệu đồng).
Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ký quyết định xử phạt 2 công ty Quyết Duy Tiến và Đồng Tâm đóng tại huyện Bá Thước, mỗi doanh nghiệp 160 triệu đồng do gây ô nhiễm sông Mã, dừng hoạt động 3 tháng và phải khắc phục các tồn tại trong 30 ngày. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại đã có 12 doanh nghiệp bị xử phạt hành chính với tổng số tiền hơn 1,8 tỷ đồng.
Cũng theo quyết định xử phạt, các cơ sở này bị phát hiện nhiều vi phạm như: Lắp đặt máy bơm xả thải chưa qua xử lý ra sông Mã; không lưu chất thải rắn, xây dựng nhà xưởng trái quy định, không có hợp đồng xử lý chất thải... Ngoài xử phạt hành chính, các cơ sở bị dừng hoạt động 30-90 ngày, khắc phục vi phạm mới được cho hoạt động trở lại.
Có thể bạn quan tâm
Thanh Hóa: Vì sao đất bãi bồi tả ngạn Sông Mã dần biến mất?
14:00, 07/07/2021
Sông Mã đang bị “đầu độc”
01:33, 28/05/2021
Thanh Hóa: Truy vết được 2 doanh nghiệp xả thải sông Mã khiến cá chết hàng loạt
04:20, 13/04/2021
Thanh Hóa: Nghi ngờ doanh nghiệp xả thải khiến cá chết hàng loạt trên sông Mã
11:10, 12/04/2021