Bộ GTVT lên tiếng về việc áp giá sàn vé máy bay
Trước đề xuất của Cục Hàng không về áp giá sàn vé máy bay từ 320.000 đồng, Bộ GTVT yêu cầu phải đánh giá kỹ các tác động tới người tiêu dùng, cũng như các hãng hàng không và nhà nước…
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) vừa đưa ra đề xuất áp giá sàn vé máy bay chỉ áp dụng mang tính khẩn cấp, tạm thời và thời gian quy định là 12 tháng (từ 1/11/2021 hết ngày 31/12/2021) nhằm giải quyết khó khăn cho ngành hàng không do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Đối với đề xuất này, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam bổ sung ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp và phương án giá của tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BGTVT về quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không.
Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam nghiên cứu bổ sung phương pháp xác định mức giá tối thiểu của khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách theo quy định tại Thông tư số 25/2014/TT-BTC ngày 17/2/2014 của Bộ Tài chính. Số liệu chứng minh phương án đề xuất thể hiện được sát với thực tế mặt bằng chi phí bình quân của các hãng hàng không Việt Nam. Đồng thời, đánh giá tác động của chính sách đối với các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp (người tiêu dùng, các hãng hàng không, quyền lợi của Nhà nước). Phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá tác động điều chỉnh khung giá đến chỉ số giá tiêu dùng CPI.
Thời hạn bổ sung và hoàn thiện Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa trước ngày 23/9.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam trình Bộ GTVT dự thảo Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Theo nội dung dự thảo, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị áp dụng mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa quy định.
Cụ thể, với các đường bay dưới 500 km phát triển kinh tế - xã hội, khung giá được áp dụng là từ 320.000 - 1,6 triệu đồng/vé/chiều.
Đường bay khác dưới 500 km, khung giá từ 340.000 - 1,7 triệu đồng/vé/chiều.
Đường bay từ 500 - 850 km, khung giá từ 440.000 - 2,2 triệu đồng/vé/chiều.
Đường bay từ 850 - 1.000 km, khung giá từ 560.000 - 2,79 triệu đồng/vé/chiều.
Đường bay 1.000 - 1.280km, khung giá từ 640.000 - 3,2 triệu đồng vé/chiều.
Đường bay từ 1.280 km trở lên, khung giá từ 750.000 - 3,75 triệu đồng/vé/chiều.
Lý giải về đề xuất này, Cục Hàng không cho biết: Từ đầu năm 2020 đến nay, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến sản lượng vận chuyển hàng không sụt giảm mạnh. Doanh thu sụt giảm mạnh trong khi chi phí giảm không đồng tốc với doanh thu dẫn đến các hãng hàng không bị đứt gãy dòng tiền thanh toán. Cơ quan này cũng khẳng định, đề xuất được đưa ra trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế của các nước đã hoặc đang thực hiện quy định mức giá tối thiểu đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của người tiêu dùng; các hãng hàng không và Nhà nước.
Do chính sách mang tính chất giải quyết tình huống, trước mắt, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất thời gian áp dụng chính sách mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa quy định là 12 tháng, từ 1/11/2021 hết ngày 31/10/2022.
Cục Hàng không Việt Nam cũng dự báo, thị trường hàng không nội địa sẽ phục hồi sớm hơn thị trường hàng không quốc tế và việc phục hồi hoàn toàn trong năm 2023 là khả thi. Trong trường hợp thị trường nội địa tiếp tục gặp khó khăn, Cục Hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục xem xét, đề xuất kéo dài chính sách này.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải
19:20, 20/08/2021
Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ chính sách ưu đãi thuế với ô tô điện chạy pin
21:52, 11/06/2021
VEC - "đứa con hư" của Bộ Giao thông vận tải?
11:25, 10/09/2020
Chỉ số cải cách hành chính: Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục đứng cuối bảng cải cách hành chính
20:02, 19/05/2020
Cao Bằng muốn xây sân bay: Bộ Giao thông Vận tải lên tiếng!
11:00, 06/05/2020