Doanh nghiệp vận tải bị hạ “đo ván” bởi giá xăng dầu
Doanh nghiệp ngành vận tải vốn đang "khổ sở" vì đại dịch COVID-19 hoành hành, nay lại càng thêm chồng chất khó khăn bởi giá xăng dầu tiếp tục tăng cao ngất ngưởng…
Theo đó, từ ngày 26/10, giá xăng E5 RON 92 tăng 1.430 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 1.460 đồng/lít. Theo đánh giá, giá xăng dầu đạt ngưỡng cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Điều này đã khiến doanh nghiệp ngành vận tải rơi vào tình cảnh khó khăn chồng chất, bởi, vừa chịu tác động của dịch bệnh, vừa chịu tác động của việc giá xăng dầu tăng cao.
Thông tin tới Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Hà –Tổng Giám đốc Công ty CP TM&DL Hà Lan (Công ty Hà Lan) tại Thái Nguyên cho biết, là một đơn vị vận tải hành khách tại các tỉnh Miền núi phía bắc, vốn dĩ doanh nghiệp đã rất cố gắng mới có thể “sống sót” bởi những khó khăn của đại dịch Covid-19. Nay, đơn vị vừa mới loay hay hoạt động trở lại thì xăng dầu lại tiếp tục tăng “phi mã”, Công ty Hà Lan, cũng như các doanh nghiệp ngành vận tải nói chung rất khó để “sống” tiếp.
“Có thể nói, ngành vận tải đã bị “hành hung”, “bạt tai”, “đấm đá” từ đầu năm đến nay. Giờ “đạp” thêm cú này nữa chắc các doanh nghiệp vận tải như chúng tôi sẽ đo ván”, Tổng giám đốc Công ty Hà Lan chia sẻ.
Cũng theo ông Hà, không chỉ hoạt động vận tải mà hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội đều chịu tác động trực tiếp hay gián tiếp của việc tăng giá xăng dầu. Vận tải hàng hóa có thể điều chỉnh tăng theo giá xăng dầu, tuy nhiên, vận tải hành khách có thể sẽ “chết đứng” bởi 7 năm trở lại đây không thể điều chỉnh giá.
“Ngành vận tải hành khách nhiều năm trở lại đây đã lao đao, khổ sở để tồn tại do sự cạnh tranh khốc liệt với các loại hình kinh doanh khác như xe cá nhân, xe công nghệ… chỉ mong Chính phủ sớm có chính sách điều chỉnh giá xăng dầu để cứu doanh nghiệp” , ông Hà nói.
Tương tự với Công ty Hà Lan, ông Lê Anh Dũng, Giám đốc doanh nghiệp vận tải hành khách Hà Sơn - Hải Vân (Lào Cai), một doanh nghiệp có hơn 70 đầu xe chạy tuyến cố định Hà Nội - Lào Cai cho biết, việc điều chỉnh tăng giá nhiên liệu trong giai đoạn hiện nay gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp vận tải. Do ảnh hưởng của dịch, hoạt động vận tải bị gián đoạn trong thời gian dài khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 20% doanh thu, đến nay tăng thêm khoảng 10% nữa khiến doanh nghiệp thêm gánh nặng. Ở giai đoạn bình thường chi phí nhiên liệu của Hà Sơn - Hải Vân khoảng hơn 4 tỷ đồng/tháng. Đến nay khi tăng giá xăng dầu, mỗi tháng doanh nghiệp sẽ mất thêm khoảng 400 triệu đồng. Giá xăng dầu tăng tác động rất lớn đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, khó khăn thêm chồng chất.
Doanh nghiệp hiện chỉ được hoạt động với 20% tần suất công bố nên rất khó để doanh nghiệp điều chỉnh giá vé.
Cũng thông tin trả lời báo chí, ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc taxi Mai Linh miền Bắc cho hay, dịch bệnh đã làm cho các doanh nghiệp taxi cạn kiệt nguồn lực. Doanh nghiệp không còn đủ sức để hỗ trợ người lao động. Giá xăng dầu tăng khiến họ không có thu nhập sẽ bỏ việc.
Hiện vẫn đang trong thời kỳ dịch bệnh, doanh nghiệp chỉ được hoạt động 50% số lượng phương tiện, doanh thu chỉ đạt 15 - 20% so với trước dịch, trong khi vẫn phải trả gốc, trả lãi ngân hàng và nhiều chi phí khác. Giá xăng dầu tăng bắt buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh giá cước. Nếu không sẽ phải bù lỗ trong hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, việc điều chỉnh giá cước cũng không phải dễ do người dân vẫn còn e ngại đi lại bằng phương tiện công cộng. Doanh nghiệp phải điều chỉnh tăng giá cước lượng khách sẽ càng ít hơn. Tình trạng này sẽ đẩy doanh nghiệp vận tải vào thế khó khăn chồng chất khó khăn. Việc tăng giá xăng dầu khiến doanh nghiệp, người lao động, người tiêu dùng cùng chịu thiệt.
Để sống sót doanh nghiệp sẽ phải tự điều chỉnh lại quy mô, tiết giảm bộ máy, giảm chi phí, hạn chế tối đa điều chỉnh giá cước. Nhà nước có thể hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách giảm hoặc miễn thuế bảo vệ môi trường thu qua xăng dầu.
"Hiện trên thị trường có 2 loại xăng là A95 và xăng sinh học (E5). Trong đó, xăng E5 đã là loại xăng bảo vệ môi trường, doanh nghiệp hay người dân sử dụng loại xăng E5 thì không được thu thêm thuế bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, loại xăng này cũng không phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới nên cần bỏ thuế bảo vệ môi trường đối với loại xăng này", ông Hùng nói.
Còn ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành hóa TP.HCM nhìn nhận, việc tăng giá xăng dầu bất ngờ sẽ khiến doanh nghiệp vận tải hàng hóa “lãnh đủ”. Hợp đồng vận chuyển với chủ hàng đã ký, nếu không có sự đồng ý chủ hàng sẽ khó tăng giá cước.
Ngay cả trong đợt bùng phát dịch COVID-19, doanh nghiệp chịu nhiều chi phí phòng chống dịch nhưng chủ hàng cũng không đồng ý tăng giá cước. Doanh nghiệp đang trong cảnh gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh các chi phí đầu vào vẫn phải giữ nguyên, trong khi vẫn phải chịu nhiều chi phí, việc tăng giá xăng dầu sẽ khiến doanh nghiệp chịu không nổi.
"Chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 40% giá thành vận tải, xăng dầu tăng thêm gần 1.500 đồng/lít sẽ khiến tỷ lệ này tăng lên khoảng gần 50% giá thành vận tải. Doanh nghiệp có lượng xe lớn, chạy nhiều sẽ mất khoản chi phí lớn cho nhiêu liệu nhưng lại không được tăng giá cước vận chuyển", ông Quản nói.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp vận tải đã “sức cùng lực kiệt”
04:10, 10/09/2021
Doanh nghiệp vận tải "chật vật" trong "bão" dịch
13:19, 28/07/2021
Nghệ An: Vì sao giám đốc doanh nghiệp vận tải bị bắt giữ?
16:30, 10/09/2021
Sửa Nghị định 10: Doanh nghiệp vận tải ô tô có được gỡ vướng?
11:00, 25/09/2021
Doanh nghiệp vận tải "khốn khổ" với camera giám sát
04:20, 02/04/2021
Nghệ An: Vì sao hàng loạt doanh nghiệp vận tải hành khách bãi bến?
04:20, 06/03/2021
Ngừng khai thác vận tải tuyến cố định tại bến xe Lạc Long (Hải phòng): Doanh nghiệp vận tải lo âu
04:00, 25/12/2020
Doanh nghiệp vận tải qua cửa khẩu Cầu Treo “méo mặt” vì thực hiện quy định quá “cứng nhắc”?
11:05, 04/07/2020