Bộ Tư pháp vừa thẩm định Tờ trình của Bộ Giao thông vận tải về dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 10/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô.
Như vậy, chỉ sau hơn 1 năm thực hiện, một lần nữa, Nghị định này một lần nữa lại được đề xuất sửa đổi.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, sau 1 năm thực hiện Nghị định số 10/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đã cho thấy một số nội dung cần điều chỉnh ngay để đảm bảo tạo thuận lợi cho đơn vị kinh doanh vận tải, giảm bớt thủ tục không thuận lợi trong quá trình thực hiện của đơn vị kinh doanh vận tải cũng như cơ quan quản lý đối với hoạt động vận tải bằng ô tô.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu được sửa đổi, những thay đổi của dự thảo lần này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp), Chủ tịch Hội đồng Thẩm định cho rằng dự thảo Nghị định sửa đổi đã tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai Nghị định số 10. Một số điểm mới được Nghị định tập trung sửa đổi, bổ sung là quy định đơn vị kinh doanh vận tải phải có tài liệu chứng minh đã khắc phục vi phạm sau khi bị tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu, biển hiệu…
Ông Hải cho rằng, để phù hợp Luật Xử phạt vi phạm hành chính và các quy định pháp luật khác thì đơn vị vận tải không phải chứng minh việc khắc phục vi phạm hành chính với cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm thì tiếp tục bị xử phạt vì hành vi đó. Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nội dung này để đảm bảo phù hợp với quy định về xử phạt vi phạm và tạo thuận lợi cho đơn vị kinh doanh vận tải.
Đối với việc thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải cũng cần điều chỉnh để làm rõ nội dung cần khắc phục, nguyên nhân dẫn đến việc bị thu hồi giấy phép để đơn vị kinh doanh vận tải thuận lợi trong quá trình thực hiện.
Cũng theo ông Hải, không cần phải quy định rõ khi thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải thì trong thời gian bao lâu đơn vị kinh doanh vận tải phải nộp lại giấy phép này, vì khi bị thu hồi giấy phép, nếu đơn vị cố tình vi phạm thì các lực lượng chức năng sẽ xử phạt hành vi đó.
Về phần mình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền nhấn mạnh, việc xây dựng Nghị định nhằm tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, phù hợp và đồng bộ với các quy định của pháp luật; tạo thuận lợi cho đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị vận chuyển hàng hóa nguy hiểm; tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện của các cơ quan quản lý; thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong việc tháo gỡ khó khăn, loại bỏ các quy định không phù hợp gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Qua đó, tạo điều kiện rõ ràng, công khai, minh bạch về thủ tục hành chính đối với các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn về hoạt động vận tải hiện tại và các năm tiếp theo.
Việc sớm sửa đổi những vướng mắc, bất cập nói trên sẽ tạo môi trường hoạt động vận tải bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh vận tải, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, minh bạch; tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp vận tải ô tô tại Thanh Hóa trước nguy cơ phá sản
09:15, 18/08/2021
Nghệ An: Doanh nghiệp vận tải ô tô “mòn mỏi” chờ được tiêm vaccine COVID -19
08:23, 02/06/2021
Ngành vận tải ô tô Nghệ An “kêu cứu”
06:30, 11/05/2020
Hiệp hội Vận tải ô tô đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp vận tải
18:30, 03/04/2020