PAPI 2021: Tiếp cận thông tin về đất đai của người dân còn rất hạn chế
Bên cạnh những mặt tích cực, Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh năm 2021 (PAPI 2021) cũng chỉ ra nhiều vấn đề còn đáng quan ngại…
>> PAPI 2020: Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công cải thiện đáng kể
Theo đó, sáng 10/5/2022, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị công bố Chỉ số Hiệu quả Quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2021 (PAPI 2021), Chương trình do tổ chức Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam chủ trì tổ chức.
Kết quả nghiên cứu PAPI 2021 cho thấy, trong bối cảnh của làn sóng thứ tư của đại dịch COVID-19 ở Việt Nam năm 2021, Y tế và bảo hiểm y tế trở thành vấn đề bức bối nhất, tiếp đến là đói nghèo, và hai vấn đề tăng trưởng kinh tế và việc làm cùng ở vị trí thứ ba.
Thực tế, đại dịch gây ảnh hưởng tới việc làm và thu nhập của người dân ở diện rộng hơn vào năm 2021 so với năm 2020. Tỷ lệ người trả lời cho biết, họ bị mất việc làm hoặc thu nhập tăng hơn 10% so với 2020, đặc biệt là ở các trung tâm kinh tế trọng điểm như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng tỏ ra ít lạc quan hơn về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2021 so với những năm trước đó. Cụ thể, có tới 20% số người được hỏi cho rằng, tình hình kinh tế của đất nước là kém, trong khi những người khác cho rằng, tình hình nói chung là tốt lại giảm xuống dưới 50%. Tương tự, tỷ lệ người trả lời cho rằng, tình hình kinh tế hộ gia đình năm 2021 kém hơn trước tăng lên.
Có tới 29% người được hỏi cho rằng, kinh tế hộ gia đình của họ kém hơn trước, tăng 11% so với kết quả khảo sát năm 2020. Khi được hỏi về triển vọng tình hình kinh tế hộ gia đình trong 5 năm tới, số người được hỏi cho rằng tình hình kinh tế hộ gia đình sẽ xấu đi hoặc không thể đoán trước cũng cao hơn những năm trước.
>> PAPI 2020: Nhũng nhiễu vẫn là bức tranh kém tươi sáng
Ngoài ra, về vấn đề công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương bao gồm: tiếp cận thông tin; công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo; công khai, minh bạch ngân sách cấp xã; công khai, minh bạch kế hoạch sử dụng đất và bảng giá đất ở địa phương. Tất cả các tỉnh, thành phố chỉ đạt từ 4,2 đến 6,25 điểm trên thang điểm từ 1 đến 10.
Tương tự kết quả những năm trước, các tỉnh phía Bắc có xu hướng đạt điểm cao hơn các tỉnh phía Nam ở Chỉ số nội dung “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương”, trong đó, các tỉnh đạt điểm dưới mức trung vị tập trung ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long, chỉ có 13 tỉnh, thành phố có mức cải thiện đáng kể, trong khi, có tới 23 tỉnh, thành phố có số điểm sụt giảm đáng kể so với kết quả năm 2020.
Trong đó, hầu như chưa có địa phương nào được ghi nhận đã có nỗ lực đáng kể trong tuyên truyền, phổ biến Luật Tiếp cận thông tin 2016, dẫn tới kết quả ở nội dung thành phần “Tiếp cận thông tin” đạt mức điểm thấp nhất trong bốn nội dung thành phần của chỉ số nội dung này, chỉ có khoảng 20% số người cần thông tin về chính sách, pháp luật của Nhà nước cho biết, đã nhận được thông tin họ cần; cũng chỉ khoảng 20% cho biết, thông tin nhận được là đáng tin cậy.
Đáng nói, tiếp cận thông tin về đất đai của người dân còn rất hạn chế ở tất cả các tỉnh, thành phố trong năm 2021. Tỷ lệ người dân được biết đến kế hoạch sử dụng đất năm 2021 ở địa phương dao động từ 5% đến 30%...
Ngoài ra, về kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, Chỉ số PAPI 2021 đã chỉ ra 4 nội dung thành phần gồm: “Kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương”, “Kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công”, “Công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công” và “Quyết tâm chống tham nhũng” cho thấy, điểm thấp nhất và điểm cao nhất cấp tỉnh có khoảng cách tương đối xa, từ 5,42 đến 8,15 điểm trên thang điểm từ 1-10.
Khác với kết quả khảo sát 10 năm trước, riêng năm 2021, sự phân bố các tỉnh trong nhóm đạt điểm cao nhất phân bố đều hơn ở phía Bắc và phía Nam.
Cụ thể, điểm nội dung thành phần “Công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công” vẫn thấp nhất trong bốn nội dung thành phần cấu thành chỉ số nội dung này.
Theo phản ánh của người dân, hiện trạng chung chi để có việc làm trong khu vực Nhà nước vẫn khá phổ biến ở các địa phương giàu, cũng như còn nghèo. Mối quan hệ thân quen vẫn quan trọng khi muốn xin vào làm việc ở 5 vị trí công chức, viên chức cấp xã/phường/thị trấn (gồm công chức địa chính, công chức tư pháp, công an cấp xã, giáo viên tiểu học công lập, nhân viên văn phòng UBND xã/phường), ngay cả ở những tỉnh được điểm cao ở chỉ tiêu này như Bình Dương và Thanh Hóa.
Tỷ lệ người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã phải chi “lót tay” dao động từ 40% đến 90% ở hơn 40 tỉnh, thành phố.
Đáng chú ý, hiện trạng “chung chi” để làm xong thủ tục xin cấp đổi hoặc cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại phổ biến ở các tỉnh còn nghèo như Cao Bằng, Đắk Lắk và Sóc Trăng. Hơn nữa, tỷ lệ người sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở bệnh viện công tuyến huyện cho biết, họ đã phải trả chi phí ngoài quy định để được chăm sóc tốt hơn dao động từ 40% đến 80% cũng ở khoảng 40 tỉnh, thành phố.
Có thể bạn quan tâm
PAPI 2020: Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công cải thiện đáng kể
17:00, 14/04/2021
PAPI 2020: Nhũng nhiễu vẫn là bức tranh kém tươi sáng
14:30, 14/04/2021
PAPI 2020: Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về hiệu quả quản trị và hành chính công
13:10, 14/04/2021
Quảng Ninh phân tích các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, ICT
20:46, 04/06/2020
PAPI 2019: “Thủ tục hành chính công” không có tiến bộ đáng kể
19:00, 28/04/2020