Không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ
Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, các đại biểu Quốc hội đề nghị, không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ…
>> Sửa Luật Sở hữu trí tuệ: Bảo đảm tiệm cận thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Theo đó, trong phiên thảo luận sáng nay (31/5), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội - Trần Thanh Mẫn, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; nêu rõ, dự thảo Luật được nghiên cứu chỉnh lý rất công phu, kỹ lưỡng, cơ bản khắc phục được khó khăn, vướng mắc của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế Việt Nam là thành viên.
Quan tâm đến việc thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, các đại biểu Quốc hội đề nghị, không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính.
Cụ thể, các đại biểu Nguyễn Văn Thi (đoàn Bắc Giang), Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An), Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu)... đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành, không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Bởi việc áp dụng biện pháp xử phạt hành chính là thủ tục rất đơn giản, nhanh, kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ, bảo vệ được quyền của chủ sở hữu, kịp thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, việc xử lý hành chính cũng không loại trừ quyền khởi kiện ra tòa theo thủ tục tố tụng dân sự nên vẫn bảo đảm quyền lợi của các bên khi có tranh chấp về sở hữu trí tuệ.
>> Luật Sở hữu trí tuệ: Có hơn 100 điều của Luật hiện hành phải sửa đổi
Ngoài nội dung đã nêu, đại biểu Thái Thị An Chung cũng đề nghị, ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc thêm các quy định về hình thức xử lý vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả. Bởi tại khoản 2, Điều 214 dự thảo Luật quy định: “Ngoài các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ”.
Theo đại biểu này, quy định như vậy sẽ dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định hiện hành về xử lý vi phạm hành chính khi các văn bản này đã quy định rõ các trường hợp áp dụng, các hình thức xử phạt như phạt tiền, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; và các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tiêu hủy đối với hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ, buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì...
“Quy định này cũng chưa bảo đảm tính chặt chẽ, vì việc đưa ra phân phối, hoặc sử dụng hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện để sản xuất hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ kể cả không nhằm mục đích thương mại cũng cần phải bảo đảm các điều kiện về chất lượng sản phẩm theo quy định về chất lượng sản phẩm hàng hóa. Mặt khác, nếu cho phép tiếp tục phân phối, sử dụng hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ như dự thảo luật sẽ không bảo đảm tính nghiêm minh trong xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, không bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ”, đại biểu Thái Thị An Chung bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Sở hữu trí tuệ: Bảo đảm tiệm cận thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn
03:50, 05/04/2022
Luật Sở hữu trí tuệ: Có hơn 100 điều của Luật hiện hành phải sửa đổi
10:21, 28/03/2022
Sửa Luật Sở hữu trí tuệ như thế nào?
04:01, 27/03/2022
Dự án Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi): Mức độ cụ thể chưa cao, cần rà soát, nghiên cứu kỹ hơn
18:12, 26/10/2021
Băn khoăn một số quy định trong dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi)
17:32, 26/10/2021