Thêm những chiêu trò lừa đảo qua mạng xã hội
Mạng xã hội là nơi kết nối giữa mọi người với nhau, cũng là “mảnh đất màu mỡ” cho các đối tượng lừa đảo thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
>>Lừa đảo qua mạng: Chuyện cũ mà không cũ
Kể từ khi mạng xã hội Facebook được sinh ra, con người đã trở nên xích lại gần nhau hơn. Từ đó, các “cộng đồng dân cư” trên mạng xã hội được thành lập, là nơi giao lưu, kết nối giữa các thành viên, cũng là nơi hoạt động mua bán được diễn ra sôi động. Nhiều người đánh giá đây là một cách làm hay, gắn kết hơn cộng đồng dân cư tại mỗi địa phương.
Tuy nhiên, ngày càng nhiều đối tượng đã lợi dụng các nhóm cộng đồng này để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chị M.H (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, thông qua nhóm “cộng đồng dân cư xã V.N”, có một số đối tượng đã lấy tài khoản Facebook ảo, đăng tải thông tin chuyển nhà, chuyển văn phòng, thanh lý các đồ dùng sinh hoạt, đồ dùng văn phòng với giá rẻ. Để lấy lòng tin của các “con mồi”, các đối tượng cho đăng tải những hình ảnh vật dụng sinh hoạt y như thật, rồi nhắn tin cho những người có nhu cầu mua hàng đặt cọc một khoản tiền trước, nếu không sẽ bán cho những người khác. Sau khi đã chuyển một khoản tiền, chị H đến địa điểm “nhà” của đối tượng thì mới biết, ngôi nhà đó không có ai tên như vậy và gia đình vẫn đang sinh sống ổn định tại đây. Liên hệ lại với số điện thoại mà đối tượng đã từng liên hệ thì không còn liên lạc được nữa.
“Chỉ khoảng 10 phút sau khi bài viết được đăng lên, có tới vài trăm bình luận được đưa lên. Với mỗi người chỉ cần đặt cọc cho đối tượng khoảng vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng, con số mà đối tượng lừa đảo được là rất lớn”, chị H cho hay.
Đáng nói, việc thanh lý đồ dùng sinh hoạt diễn ra hàng ngày tại các nhóm cộng đồng Facebook nên có ít người cảnh giác. Đó là cơ hội để các đối tượng lợi dụng lòng tin của mỗi người để thực hiện hành vi lừa đảo.
Tại một diễn biến khác, mới đây, chị Q.G (Mê Linh, Hà Nội) làm nghề chăm sóc sức khỏe răng miệng. Khi thanh toán tiền, khách hàng vô tình chuyển nhầm sang một tài khoản khác. Do lo lắng không lấy lại được số tiền chuyển nhầm trên, chị G chia sẻ lên mạng xã hội Facebook. Chỉ khoảng 20 phút sau, có một số điện thoại đầu số 0243… (đầu số điện thoại cố định của Hà Nội) liên hệ. Đối tượng cho biết, mình là nhân viên của một ngân hàng trên địa bàn Thành phố, hướng dẫn chị G thực hiện các thao tác để “lấy lại tiền”. Sau khi chị G gửi cho đối tượng mã OTP do ngân hàng gửi vào tin nhắn điện thoại, tài khản ngân hàng của chị đã “bốc hơi” 20 triệu đồng.
Chị G cho biết, nếu lúc đó tài khoản chị có 200 triệu đồng hay nhiều hơn thế thì cũng bị đối tượng lừa đảo kia “cuỗm sạch”.
>> Thật giả lẫn lộn trong giao dịch điện tử
>> Lật tẩy những chiêu trò lừa đảo qua Zalo
>> Cần cảnh giác với những chiêu lừa đảo trên mạng
Theo Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, với thủ đoạn tinh vi, xảy ra tại nhiều địa phương, trên nhiều lĩnh vực và đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng. Tội phạm này chiếm tỷ lệ ít trong cơ cấu tội phạm hình sự nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm. Đáng chú ý, có vụ số người bị hại lên đến hàng chục ngàn người, hoặc một người bị chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng chỉ trong thời gian ngắn.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Đình Tuấn, Công ty Luật TNHH Nhật Chiêu cho rằng, thời gian qua, Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành phố đã đấu tranh, triệt phá nhiều đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, bắt giữ nhiều đối tượng. Tuy nhiên, các đối tượng lừa đảo này vẫn “len lỏi” vào từng cộng đồng dân cư, thực hiện những vụ lừa đảo quy mô nhỏ. Những bị hại một phần do số tiền bị lừa không lớn, một phần do không muốn “phiền phức” nên đã không trình báo cơ quan chức năng, khiến cho các đối tượng lừa đảo ngày càng “lấn tới”.
Bên cạnh đó, một số văn bản quy phạm pháp luật trên một số lĩnh vực liên quan còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thực tiễn nên tội phạm lừa đảo lợi dụng hoạt động.
Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, an ninh mạng, đất đai, công chứng… còn tồn tại sơ hở, thiếu sót. Quy định của pháp luật về xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn một số khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng, xử lý chưa được hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Có thể bạn quan tâm
Giả mạo cửa hàng bán hàng hiệu, lừa đảo chiếm đoạt tài sản
00:02, 06/06/2022
Nghệ An: Khởi tố nữ Giám đốc doanh nghiệp lừa đảo chiếm đoạt tài sản
15:58, 07/06/2021
“Mua trước, trả sau” nhảy vào thương mại mạng xã hội
04:00, 25/10/2022
Để chủ động phòng ngừa tội phạm, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật. |