Thuốc lá thế hệ mới: Đủ điều kiện để quản lý ngay theo luật hiện hành
Việt Nam sắp tham gia vào Hội nghị các bên lần thứ 10 của Công ước FCTC vào tháng 11 tới, với tâm điểm của sự kiện sẽ thảo luận về quan điểm quản lý của các nước đối với thuốc lá thế hệ mới.
>>Nhiều ý kiến ủng hộ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá
Quan điểm về quản lý thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) vì vậy càng cần sự thống về chính sách quản lý của các bên liên quan.
Thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng trong dư luận
Tại tọa đàm “Thuốc lá thế hệ mới: Đủ điều kiện để quản lý ngay theo luật hiện hành” đã diễn ra tại tòa soạn Báo Pháp Luật TP.HCM vừa tổ chức mới đây, các lãnh đạo các bộ ngành liên quan và các chuyên gia trình bày quan điểm, kiến nghị, đề xuất giải pháp để quản lý hiệu quả thuốc lá thế hệ mới. Đồng thời các ý kiến trong tọa đàm cũng hướng đến góp phần hoàn thiện khung pháp lý nhằm nâng cao năng lực kiểm soát mọi loại sản phẩm thuốc lá của quốc gia, cũng như chấm dứt tình trạng thả lỏng cho thị trường chợ đen hoành hành, gây khó khăn cho công tác kiểm soát buôn lậu và thiệt hại cho ngân sách Nhà nước lẫn sức khỏe người dùng.
Theo đó, đại diện của các bộ ngành liên quan cùng các chuyên gia về y tế, pháp lý, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đều đồng thuận về tầm quan trọng và tính cấp bách của việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 67/2013 về kinh doanh thuốc lá, nhằm tạo điều kiện cho việc luật hóa TLTHM, hướng đến việc tìm ra giải pháp giảm tác hại cho thuốc lá điếu. Đặc biệt, việc sớm có khung pháp lý phù hợp cho mặt hàng này sẽ giúp các cơ quan chức năng thực thi nghiêm minh các mức hình phạt cụ thể, xác đáng đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, đại diện Báo Pháp luật TP.HCM, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM nhấn mạnh: "Tại tọa đàm, chúng ta sẽ bàn cụ thể về tính hợp lý và cấp bách của việc hoàn thiện dự thảo Nghị định 67/2013 sửa đổi về luật kinh doanh thuốc lá nhằm tạo điều kiện nhanh chóng đưa TLTHM vào quản lý dưới luật và trên cơ sở dung hòa lợi ích của tất cả các chủ thể liên quan”.
Được biết, các sản phẩm TLTHM gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng đã xuất hiện gần 10 năm qua và trở nên quen thuộc tại Việt Nam. Hiện nay, dù TLTHM vẫn chưa chính thức được phép nhập khẩu và lưu hành tại nước ta, nhưng trên thực tế, các sản phẩm này vẫn đang được nhập lậu, xách tay và bày bán tràn lan trên thị trường một cách phi pháp, từ các trang mạng xã hội, sàn thương mai điện tử, đến các cửa hàng công khai trên phố.
Những sản phẩm TLTHM trôi nổi không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, thành phần nêu trên hiện đang gây ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng. Kẻ gian còn lợi dụng lỗ hổng về luật pháp để bán trái phép cho học sinh, sinh viên; lợi dụng cơ chế mở của một số loại thuốc lá điện tử để trộn lẫn ma túy, cần sa, chất cấm vào trong thiết bị nhằm tạo thêm những con nghiện mới. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều ca ngộ độc, gây xôn xao xã hội trong thời gian qua.
Thậm chí, một số đối tượng còn dùng tiền dụ dỗ học sinh sử dụng và trở thành “kênh phân phối” hàng cấm... Thực trạng này cũng tạo thêm gánh nặng cho các cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn tội phạm buôn lậu lẫn tội phạm ma túy. Không chỉ vậy, TLTHM nhập lậu vào tiêu thụ tại thị trường Việt Nam thiếu kiểm soát, với số lượng ngày càng gia tăng khiến ngân sách Nhà nước bị thất thu rất lớn.
Lợi nhuận cao, xử phạt rồi doanh nghiệp lại kinh doanh
Ông Trần Văn Dũng, Phó Cục trưởng cục nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng Cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết: Trong quá trình thực tế, kiểm tra, kiểm soát, lợi nhuận rất cao, các đối tượng kinh doanh bị xử phạt nhiều lần vẫn tiếp tục kinh doanh.
Việc bán thông qua các trang mạng xã hội, website thương mại điện tử dẫn đến khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc tìm hiểu, thu thập thông tin, kiểm tra, xử lý do trong nhiều trường hợp không xác định được không gian cụ thể về địa điểm bán hàng, địa điểm chứa trữ hàng hoá của các đối tượng kinh doanh.
Theo quy định hiện nay, những loại được gọi là thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng), Shisha chưa được xếp vào mặt hàng thuốc lá để quản lý vì theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 67/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 106/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2013: “Sản phẩm thuốc lá” là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hay một phần nguyên liệu thuốc lá và được chế biến dưới dạng thuốc điếu, xì gà, thuốc lá sợi dùng để hút tẩu và các dạng sản phẩm khác đùng để hút, nhai, ngửi.
Trong quá trình xử lý, lực lượng Quản lý thị trường áp dụng quy định tại Điều 15 Nghị định số số 98/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022 quy định về “Hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu”.
Những sản phẩm này do có những yếu tố gây hại cho sức khoẻ con người do đó được áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu huỷ hàng hoá. Trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu của hàng hoá, cơ quan chức năng sẽ áp dụng hình thức tịch thu tang vật vi phạm để xử lý tiêu huỷ như những hàng hoá thông thường khác.
Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận thị hiếu của người tiêu dùng về việc sử dụng mặt hàng thuốc lá thế hệ mới ở nhiều địa phương ngày càng tăng. Do đó, mặt hàng này vẫn được gian thương quảng cáo, bày bán, chứa trữ tại khu vực sinh hoạt, nơi ở của các cửa hàng trên địa bàn các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng và nhiều tỉnh, thành phố khác… khi khách hàng đến mua hàng hoặc hỏi về mặt hàng cụ thể thì các đối tượng kinh doanh mới mang hàng ra để giao dịch với khách hàng. Điều này vẫn tiếp tục gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc xác định rõ hình thức kiểm tra hay khám nơi cất giấu tang vật.
>>Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá: Nhìn từ kinh nghiệm của các quốc gia
Đại diện Cục Hải quan TP. HCM, ông Đặng Thái Thiện cũng cho biết, về mặt pháp lý cần có một nghị định làm cơ sở pháp lý để thực thi điều này. Đã có nhiều doanh nghiệp tới hải quan để xem xét thủ tục nhập khẩu thuốc lá thế hệ mới, tuy nhiên về quy định thì cũng tạm chưa nhập khẩu. Có thể thấy đây là cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp nhưng cũng cần cân nhắc với tác hại của xã hội, để từ đó có luật pháp rõ ràng.
Việt Nam tiêu thụ thuốc lá lớn thứ 15 trên thế giới, một năm tiêu thụ 49 ngàn tỉ trong 1% GDP, trong đó tỉ lệ chuyển từ thuốc truyền thống sang thuốc lá thế hệ mới rất nhanh.
Theo con số thống kê của Viện Chiến lược Kinh tế từ 2015-2020, trong 5 năm, tỉ lệ chuyển đổi này đã tăng 36 lần. Đến nay có 184/193 quốc gia thành viên WHO đã đưa thuốc lá thuốc lá làm nóng (một sản phẩm thuốc lá thế hệ mới) vào quản lý dưới luật.
Bảo vệ sức khỏe người dùng ra sao?
Dưới góc độ người dùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam Vũ Văn Trung chia sẻ quan điểm: “Việc sử dụng TLTHM đã xuất hiện bao nhiêu năm nay nhưng lại không có văn bản nào điều chỉnh vấn đề này. Các nước trung bình khá trở lên đều có quy định rất chặt chẽ về quy định bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Thực tế cuộc sống không đợi chúng ta, với tinh thần đó đã đến lúc chúng ta ban hành văn bản quy phạm pháp luật về buôn bán, sử dụng sản phẩm TLTHM. Có như vậy mới bảo vệ được sức khỏe người tiêu dùng.”
Tại tọa đàm, các đại biểu cũng thẳng thắn nêu quan điểm rằng: Việc cấm những sản phẩm TLTHM không phải là giải pháp phù hợp, hữu hiệu và lâu dài trong bối cảnh hệ thống pháp luật hiện tại đã đủ điều kiện và cơ sở để quản lý mặt hàng này.
Bên cạnh đó, nhằm tháo gỡ những lo ngại về mặt sức khỏe cộng đồng khi hợp pháp hóa các sản phẩm TLTHM cũng như nêu ra những mặt tích cực của việc ban hành cơ chế quản lý phù hợp, ông Ngô Khải Hoàn – Phó Cục trưởng Cục công nghiệp, Bộ Công thương lý giải: “Hiện nay, ở Việt Nam, trong nhiều năm qua, chúng ta thấy rõ thực trạng là TLTHM chưa có hệ thống chính sách quản lý, chưa được phép lưu hành hay thương mại hóa dưới rất nhiều hình thức. Sản phẩm này có thể mua bán trực tiếp hoặc có thể mua bán thông qua một số trang mạng internet. Hầu hết các sản phẩm này đều được nhập qua hình thức là đường sân bay, buôn lậu và không được quản lý về mặt chất lượng và nguồn gốc. Dù chưa được phép thương mại hóa nhưng lại được tiếp cận tương đối dễ dàng trên thị trường. Do chưa có biện pháp quản lý và chế tài nên các hoạt động kinh doanh, quảng cáo phi pháp, vi phạm các quy định của pháp luật, nhà nước không thu được thuế, người dân sử dụng thì tiếp cận sản phẩm không rõ nguồn gốc và ảnh hưởng sức khỏe”.
Trong vai trò là Phó Chủ tịch hội Dược học Việt Nam kiêm Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, Đại biểu Quốc hội, PGS.TS. Phạm Khánh Phong Lan cũng mong đợi một chính sách quản lý phù hợp với các chủ thể liên quan cần sớm được ban hành. Bà nhấn mạnh, mọi đối tượng đều xứng đáng được bảo vệ, bao gồm giới trẻ, cộng đồng và quan trọng không kém là những người đang hút thuốc với độ tuổi hợp pháp - đối tượng chịu tác động trực tiếp.
“Trong định nghĩa thuốc lá trong Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đã quy định rõ sản phẩm thuốc lá là những sản phẩm sử dụng nguyên liệu thuốc lá một phần và toàn bộ cũng như các dạng khác. Chúng tôi chính là những người đã đóng góp ý kiến xây dựng luật này, vốn được thông qua năm 2012 và có hiệu lực từ năm 2013. Chúng ta không nói chuyện quản lý thuốc lá mới hay cũ vì bản chất chúng đều là thuốc lá. Không nhất thiết phải trình chính phủ quy định quản lý mới mà chỉ cần quy định lại cho rõ rành cụ thể hơn để dễ quản lý”, bà Phạm Khánh Phong Lan nhìn nhận.
Có thể thấy các ý kiến của các đại diện bộ ngành, cơ quan chuyên môn đêu bày tỏ sự thống nhất về việc không có rào cản về pháp lý đối với việc quản lý TLTHM, cả về sự sẵn sàng của khung pháp lý hiện hành của quốc gia với luật và các văn bản dưới luật, cùng các hiệp ước hợp tác, thông lệ quốc tế mà VN đã tham gia ký kết và là thành viên tích cực. Theo đó, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá hiện hành cùng với Nghị định 67 sửa đổi về kinh doanh thuốc lá sẽ là cơ sở phù hợp để quản lý ngay các sản phẩm TLTHM phù hợp rõ với định nghĩa của luật, cụ thể như thuốc lá làm nóng (vì chứa nguyên liệu thuốc lá). Ở góc độ khoa học, hiện có không ít các công trình nghiên cứu khoa học về hoạt động, khả năng giảm tác hại, cũng như tác động lên sức khỏe sau khi sử dụng TLTHM. Các nghiên cứu này được đúc kết từ những quốc gia gần với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Philippines… bên cạnh nghiên cứu của các tổ chức y tế quốc tế như Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE), Viện Đánh giá Rủi ro Liên bang Đức (BfR)…
Đáng chú ý, Việt Nam cũng sắp tham gia vào Hội nghị các bên lần thứ 10 (COP10) của Công ước FCTC vào tháng 11 tới đây, trong đó tâm điểm của sự kiện sẽ thảo luận về quan điểm quản lý của các nước đối với TLTHM. Vì vậy, ông Ngô Khải Hoàn đánh giá: “Trước đó Bộ Công thương dự kiến trình Chính phủ trong quý 2/2023 trên cơ sở tiếp tục trao đổi về thống nhất với Bộ Y tế về dự thảo Nghị định thay thế cho Nghị định 67 về kinh doanh thuốc lá. Đối với sự kiện COP10, chúng tôi sẽ cố gắng triển khai để thống nhất về ý kiến, chính sách và quan điểm về TLTHM. Với COP10, đây là sự kiện quan trọng, do đó việc thống nhất trước khi COP10 diễn ra là rất cần thiết về tiếng nói chung. Chúng ta cần có sự thống nhất giữa các bên liên quan đến việc xây dựng chính sách quản lý các sản phẩm TLTHM cụ thể”.
Có thể bạn quan tâm
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá nhằm định hướng sản xuất, tiêu dùng
13:01, 04/03/2023
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá nhằm hạn chế sử dụng sản phẩm có hại
03:40, 03/03/2023
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá là cần thiết
02:50, 26/02/2023
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá: Nhìn từ kinh nghiệm của các quốc gia
11:10, 21/12/2022
Tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá: Cần lộ trình phù hợp
14:58, 22/09/2022