Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, thuốc lá sẽ góp phần định hướng sản xuất cho doanh nghiệp, điều tiết thu nhập của người tiêu dùng đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách …
Đó là quan điểm của luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Lee và Cộng sự trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số sản phẩm có hại cho sức khỏe của Bộ Tài chính đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
>>Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá là cần thiết
- Thưa luật sư, trước đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, ruợu, thuốc lá của Bộ Tài chính, luật sư có thể chia sẻ quan điểm của mình?
Tôi cho rằng đề xuất này là hoàn toàn cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Việt Nam nằm trong top quốc gia tiêu thụ nhiều bia, rượu nhất thế giới. Rượu bia là sản phẩm có hại cho sức khỏe và gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng về mặt xã hội như tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự, gia tăng khoảng cách giàu nghèo.
Còn thuốc lá chiếm 90% nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư phổi ở người Việt. Do vậy, việc sử dụng rượu, bia cần được tiếp tục kiểm soát hơn nữa. Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với những sản phẩm này sẽ góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng của xã hội; điều tiết thu nhập của người tiêu dùng đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
- Đề xuất này được giới chuyên gia đánh giá là cần thiết, tuy nhiên cũng có một số ý kiến cho rằng, sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp sản xuất? Luật sư nhận định như thế nào?
Như đã trao đổi ở trên, tôi cho rằng đề xuất này chỉ làm tăng giá sản phẩm, đồng thời có thể định hướng sản xuất, tiêu dùng, sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến doanh nghiệp sản xuất. Đây là giải pháp hiệu quả nhất giúp giảm tiêu dùng rượu, bia, thuốc lá và mang lại nhiều lợi ích khác không chỉ cho người sử dụng, gia đình họ mà còn cho toàn xã hội.
Thậm chí, tổ chức Y tế Thế giới cũng đã khuyến cáo, chính sách thuế là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để kiểm soát tác hại của rượu, bia, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong do rượu, bia gây ra và khuyến nghị “Tăng thuế để tăng giá các mặt hàng rượu, bia đã được chứng minh có tác động mạnh đến giảm nhu cầu, đặc biệt người tiêu dùng có thu nhập thấp và thanh thiếu niên sẽ giảm sử dụng khi thuế và giá rượu, bia tăng”.
Hiện nay, việc đánh thuế đối với rượu, bia ở Việt Nam còn ở mức thấp, theo tính toán của WHO mới chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước tỷ lệ thuế chiếm từ 40 - 85% giá bán lẻ. Để bảo đảm không gia tăng sử dụng rượu, bia trong thời gian tới, cần điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia đảm bảo mức tăng giá rượu, bia sau khi điều chỉnh phải tăng kịp theo mức tăng thu nhập và lạm phát.
>>Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá nhằm hạn chế sử dụng sản phẩm có hại
- Luật sư góp ý gì xung quanh đề xuất sửa đổi Lụât Thuế tiêu thụ đặc biệt lần này?
Theo Bộ Tài chính, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2009 thay thế cho Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 1999, Luật sửa đổi một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2003, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2005. LuậtThuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 đã qua 04 lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2014, 2016 và năm 2022 để xử lý các bất cập phát sinh trong thực tiễn và phù hợp với yêu cầu quản lý thuế trong từng giai đoạn.
Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và thời gian tới, chính sách Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành vẫn còn những hạn chế nhất định cần tiếp tục được hoàn thiện để phát huy hơn nữa vai trò của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Đó là việc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt còn hẹp so với thông lệ quốc tế; một số quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, mô tả mặt hàng tại biểu thuế chưa thực sự rõ ràng dẫn đến vướng mắc trong thực tế thực hiện, thuế suất thuế đối với những mặt hàng có hại cho sức khỏe. hàng hóa xa xỉ còn thấp, chưa đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng hoặc điều tiết thu nhập của người sử dụng có thu nhập cao trong xã hội.
Hơn nữa, Luật chưa có quy định hoàn trả thuế tiêu thụ đặc biệt, số thuế tiêu thụ đặc biệt chưa được khấu trừ hết đối với một số mặt hàng cần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng sản phẩm thân thiện môi trường. Do đó, yêu cầu của thực tiễn là cần phải sửa đổi, bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt để giải quyết những bất cập phát sinh, khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, hạn chế tiêu dùng hàng hóa có hại cho sức khỏe, giảm khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.
Nhưng cũng cần phải lưu ý một điều, dự thảo Luật này có thể sẽ dẫn đến việc gia tăng tình trạng buôn lậu, trốn thuế; làm hạn chế kết quả định hướng tiêu dùng mặt hàng này của nội dung sửa đổi, bổ sung của dự án Luật. Do đó, ở giai đoạn hiện nay, việc đánh thuế phải song hành với các biện pháp khác nhau, đặc biệt trong bối cảnh công tác chống buôn lậu của chúng ta chưa thực sự hiệu quả, còn phải rút ra nhiều kinh nghiệm.
- Xin cảm ơn luật sư!
Có thể bạn quan tâm