Vinacontrol đang hoạt động kinh doanh ra sao?
Với kết quả kinh doanh khá ấn tượng trong những năm gần đây của Vinacontrol, chương trình Đại hội đồng cổ đông năm 2023 tới đây của đơn vị này cũng khiến nhiều nhà đầu tư chú ý…
>>Giá trị cổ phần hóa không chỉ có... đất
Theo đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacontrol (Vinacontrol) được thành lập năm 1957 và cổ phần hóa năm 2005, Vinacontrol được biết đến là doanh nghiệp duy nhất trên sàn chứng khoán hoạt động trong ngành giám định hàng hoá tại Việt Nam.
Doanh nghiệp này tiền thân là Cục Kiểm nghiệm hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc Bộ Thương nghiệp, nay là Bộ Công Thương - là tổ chức tiên phong trong lĩnh vực giám định, thử nghiệm, chứng nhận và đánh giá chất lượng tại Việt Nam. Vinacontrol được biết đến là một công ty giám định có lịch sử lâu đời nhất tại Việt Nam.
Từ ngày 21/12/2006, Vinacontrol được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội chấp thuận niêm yết 5.250.000 cổ phiếu phổ thông với mệnh giá cổ phần là 10.000 đồng. Từ 1/10/2007, Vinacontrol đã phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên 78,75 tỷ đồng. Ngày 13/5/2008, số cố phiếu phát hành thêm đã chính thức giao dịch trên sàn Hà Nội, đưa tổng số cổ phiếu giao dịch lên 7.875.000 cổ phiếu.
Tháng 7/2013, Vinacontrol tiếp tục phát hành tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu nâng số vốn điều lệ lên 104.999.550.000 đồng; tính đến ngày 31/12/2022, tổng số cổ phiếu của công ty này giao dịch trên sàn là 10.499.955 cổ phiếu. Trong đó, Nhà nước nắm giữ là 3.150.000 CP, tương đương (30%).
Theo kết quả kinh doanh, năm 2021, Vinacontrol đạt 590 tỷ đồng doanh thu, tăng nhẹ so với doanh thu 579 tỷ đồng đạt được năm 2020. Tuy vậy chi phí tăng cao khiến lợi nhuận sau thuế giảm 15% về 30,5 tỷ đồng. EPS đạt 2.913 đồng. Tính đến 31/12/2021, Vinacontrol còn hơn 31 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Ngoài ra công ty này còn gần 117 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển.
Theo báo cáo thường niên năm 2022 của Vinacontrol cho thấy, sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Vinacontrol vẫn đạt mức tăng trưởng cao với doanh thu về cung cấp dịch vụ năm 2022 đạt 635,51 tỉ đồng, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đạt 48,50 tỷ đồng, tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước lần lượt là 7,73% và 23,31% (theo số liệu báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2022).
Không chỉ kết quả kinh doanh ổn định trong năm 2021, 2022. Vinacontrol đã duy trì mức doanh thu từ 500-600 tỷ đồng trong vòng 7 năm trở lại đây. Lợi nhuận sau thuế từ năm 2016 đến nay luôn duy trì trên 30 tỷ đồng mỗi năm.
>>Quy định cổ phần hóa sẽ được sửa như thế nào?
Theo Báo cáo thường niên Vinacontrol cũng cho thấy, ngoài số CP sở hữu của Nhà nước là 3.150.000 CP (tỉ lệ 30%), thì Công ty CP Chứng khoán ASEAN cũng sở hữu 1.254.666 CP (tỷ lệ 11,95%).
Bên cạnh đó, cổ đông lớn nhất không thể không nhắc đến là Công ty TNHH DOHA Đầu tư địa chỉ tại số 8, Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP. Hà Nội, người đại diện pháp luật là ông Phạm Thành Đô với số CP sở hữu 1.960.500 CP (tỷ lệ 18,67%). Đáng chú ý, để trở thành một cổ đông lớn nhất của Vinacontrol, Công ty TNHH DOHA Đầu tư đã phải vướng vào lùm xùm vi phạm. Thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, ngày 25/11/2019, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng đối với cổ đông này do báo cáo giao dịch không chính xác.
Cụ thể, ngày 15 và 16/8/2019, Công ty này lần lượt mua 359.000 cổ phiếu và 404.500 cổ phiếu VNC của CTCP Tập đoàn Vinacontrol (HNX: VNC), dẫn đến khối lượng (tỷ lệ) sở hữu sau giao dịch tăng từ 1,1 triệu cổ phiếu (10,86%) lên 1,5 triệu cổ phiếu (14,28%) và 1,9 triệu cổ phiếu (18,13%).
Đến ngày 21/8/2019, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) nhận được báo cáo thay đổi tỷ lệ sở hữu cổ đông lớn của Tập đoàn Vinacontrol. Theo đó, Công ty DOHA Đầu tư báo cáo đã mua 820.400 cổ phiếu VNC, khối lượng nắm giữ sau giao dịch là 1,9 triệu cổ phiếu, ngày thay đổi tỷ lệ sở hữu là 20/8/2019.
Được biết, trong suốt khoảng thời gian cổ đông này “lớn mạnh”, ông Bùi Duy Chinh giữ vai trò Chủ tịch HĐQT Vinacontrol.
Quay trở lại bản tin thông báo về cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm 2023 của Vinacontrol sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, TP. Hà Nội vào ngày 28/4/2023 tới đây. Danh sách ứng viên Hội đồng Quản trị của Vinacontrol trong Đại hội lần này cũng khiến nhiều người phải chú ý.
Nổi bật trong đó là bà Dương Thanh Huyền, sinh năm 1979 do Công ty TNHH DOHA Đầu tư đề cử, bà Huyền cũng được cho là vợ của ông Phạm Thành Đô – người đại diện pháp luật của công ty này, bà Huyền cũng có nhiều năm kinh nghiệm công tác ở vị trí nhân viên một ngân hàng.
Bên cạnh đó, một ứng viên khác theo danh sách cũng gây chú ý là ông Phan Văn Hùng (58 tuổi) do Chủ tịch HĐQT Bùi Duy Chinh và cổ đông Phạm Ngọc Dũng đề cử, hiện ông Hùng đang là Ủy viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc Vinacontrol. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Minh, sinh năm 1970, Ủy viên Hội đồng quản trị, phó giám đốc Vinacontrol TP.HCM cũng có tên trong danh sách ứng cử.
Cũng theo danh sách này, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước cũng đề cử 2 ứng viên là ông Nguyễn Duy Hiếu và bà Nguyễn Thanh Hương. (bà Hương hiện đang là Ủy viên HĐQT Vinacontrol).
Còn Công ty CP Chứng khoán ASEAN đề cử bà Nguyễn Thị Nhàn, sinh năm 1977, người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giám định thương mại, hiện bà Nhàn đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc một đơn vị thành viên của Vinacontrol.
Đáng chú ý, ngay trước thềm đại hội, trong một diễn biến mới nhất, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Tổng Giám đốc Vinacontrol kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Giám định Vinacontrol TP. Hồ Chí Minh, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thẩm định thương mại, cũng được cho là gương mặt sáng cho chiếc ghế Hội đồng quản trị lần này “bỗng” thôi đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc Vinacontrol.
Trong khi đó, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng vừa có động thái mới khi công bố 73 doanh nghiệp sẽ thực hiện thoái vốn Nhà nước trong năm 2023, và tất nhiên Vinacontrol như “thông lệ hàng năm” cũng có tên trong danh sách.
Có thể bạn quan tâm