Mặc dù còn một số quan điểm khác nhau, thế nhưng, theo các chuyên gia, việc tách đất đai ra khỏi giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa sẽ giúp lựa chọn được những nhà đầu tư thực chất...
>> “Đòn bẩy mới” cổ phần hóa
Theo đó, phát biểu tại hội thảo tìm giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mới đây, ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính nhận định, hiện còn tồn tại nhiều nút thắt trong thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Cụ thể, theo ông Phớc, tiến độ thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước 2 năm nay quá chậm, nguồn thu từ cổ phần hóa không đạt yêu cầu. Năm 2021, Quốc hội giao Chính phủ nguồn thu từ cổ phần hóa là 40.000 tỷ đồng, nhưng hết năm chỉ thu chưa đầy 2.000 tỷ đồng. Đặc biệt, việc xác định giá trị doanh nghiệp không chính xác, thường là thấp hơn giá trị thực tế, gây thất thoát, lãng phí.
Thực tế, không ít vụ việc điển hình đã bị đưa ra xử lý hình sự do có sai phạm liên quan đến xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị sử dụng đất như vụ việc xảy ra tại Công ty Tân Thuận; Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn...
Ông Phớc cho rằng, việc tính giá trị đất không sát giá thị trường; ngoài ra, dù có sát thị trường thì sau 10 năm, 20 năm, giá trị lại khác… Đây là “lỗ hổng” gây thất thoát, chưa nói đến việc nộp tiền thuê đất một lần thì doanh nghiệp cổ phần hóa có thể chuyển mục đích sử dụng đất để làm nhà đô thị, hay công trình khác.
Từ thực tế đã nêu, nhằm thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, nhằm thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn tới, Bộ Tài chính đã đề xuất, loại bỏ đất đai trong định giá doanh nghiệp cổ phẩn hóa.
>> Sông Lam Sugar ra sao sau hơn 10 năm cổ phần hoá?
Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi Luật Đất đai theo hướng các doanh nghiệp khi chuyển sang cổ phần hóa thì chỉ được áp dụng hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm; không được thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất sau cổ phần hóa. Trường hợp doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng thì trả lại cho Nhà nước và sẽ được bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
Thông tin với báo chí về đề xuất của Bộ Tài chính, chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, từ trước đến nay, nhiều vi phạm trong quá trình cổ phần hóa là do sai phạm định giá và sử dụng sai mục đích đất đai. Hơn nữa, khi mua cổ phần doanh nghiệp Nhà nước, nhiều cổ đông chỉ nhắm đến diện tích đất doanh nghiệp đang sở hữu. Nhiều người “mang tiếng” là cổ đông chiến lược nhưng không quan tâm phát triển ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo TS. Vũ Đình Ánh, các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa thời gian tới chủ yếu là những doanh nghiệp rất lớn, nắm giữ nhiều mảnh đất lớn ở vị trí đắc địa. Do đó, nếu không kiểm soát chặt hoặc không loại bỏ đất đai trong quá trình định giá doanh nghiệp thì việc cổ phần hóa có thể gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước.
“Loại bỏ đất đai, thì bản thân doanh nghiệp có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư chứ không phải đất đai, hay nói cách khác, không lấy đất làm “mồi” để thu hút nhà đầu tư, tránh các sai phạm như thời gian qua và tránh làm méo mó quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước”, TS. Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm đã nêu, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, việc tách đất đai ra khỏi định giá doanh nghiệp sẽ giúp thực hiện cổ phần hóa đơn giản, nhanh hơn và tháo gỡ nút thắt từ việc này trong những năm vừa qua.
“Mặt khác, cách thức này giúp việc lựa chọn nhà đầu tư cho doanh nghiệp phù hợp hơn với tiêu chí cùng cải cách và phát triển doanh nghiệp theo định hướng ngành nghề chủ chốt, từ đó có thể lựa chọn được những nhà đầu tư thực chất. Thị trường luôn có những nhà đầu tư thực chất, quan trọng là xác định giá bán hợp lý thì sẽ có người mua”, ông Hải bày tỏ.
Còn theo PGS.TS. Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc loại bỏ đất đai khỏi định giá doanh nghiệp sẽ khiến quá trình cổ phần hóa được thực hiện nhanh hơn nhưng lại ảnh hưởng đến tính linh hoạt và năng động của doanh nghiệp trong việc sử dụng các nguồn lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
“Chẳng hạn, trong giai đoạn khó khăn, khi không thể duy trì sản xuất, kinh doanh 100% công suất, doanh nghiệp có thể tạm thời sử dụng một phần diện tích đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ khác để có nguồn thu bù đắp”, ông Võ chia sẻ.
Theo ông Võ, vấn đề của chúng ta là cách thức xác định giá đất chưa hợp lý nên gây khó cho quá trình này. Nhiệm vụ của cổ phần hóa là cấu trúc lại doanh nghiệp, bảo đảm năng suất cao hơn trước, nguồn lực (trong đó có đất) sử dụng ít hơn trước nhưng năng suất cao hơn mới là cơ chế thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Cổ phần hoá DNNN: Tách đất đai khỏi phần giá trị doanh nghiệp
11:00, 27/03/2022
“Đòn bẩy mới” cổ phần hóa
11:00, 12/02/2022
Sông Lam Sugar ra sao sau hơn 10 năm cổ phần hoá?
03:50, 29/11/2021
Chỉ cổ phần hóa doanh nghiệp làm ăn không tốt
04:40, 20/08/2021
Bài học cổ phần hóa từ ngành GTVT - Bài 9: Cienco 1 liên tục đi “lùi”!
04:00, 19/08/2021