Chủ trương cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước từ năm 2005 nhưng những năm gần đây, bức tranh tăng trưởng của Công ty cổ phần mía đường sông Lam (Sông Lam Sugar) rơi vào cảnh lẹt đẹt, thua lỗ.
>> Nghệ An “tuýt còi” siêu dự án khu đô thị NIDCO Thịnh Lợi
Tuy nhiên, dù tình hình tăng trưởng không mấy khả quan nhưng Sông Lam Sugar vẫn liên tục đầu tư, mở rộng các ngành nghề kinh doanh khiến dư luận không khỏi quan tâm.
Sông Lam Sugar mạnh tay mở rộng “địa hạt” hoạt động
Theo lời giới thiệu, chúng tôi được biết lịch sử hình thành, phát triển của Sông Lam Sugar từ những năm 60 của thế kỷ trước. Trước khi được cổ phần hoá, doanh nghiệp nhà nước này được xem là một trong cơ sở sản xuất đường, cồn lớn nhất của miền Bắc XHCN trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ được đặt trụ sở nhà máy tại ven tả ngạn Sông Lam với tổng diện tích gần 80.000m2 ở xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An.
Đến ngày 26/12/2005 UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 4780/QĐ-UBND-ĐMDN về việc phê duyệt phương án và chuyển Công ty Mía đường Sông Lam thành Công ty Cổ phần. Và, hiện nay, doanh nghiệp này đang thực hiện mô hình sản xuất, kinh doanh theo triết lý đại diện cho ‘MÀU CỜ SẮC ÁO’ về văn hóa tổ chức với vốn điều lệ của Sông Lam Sugar đăng ký ở mức 35 tỷ đồng.
Theo thông tin về ngành, nghề kinh doanh của Sông Lam Sugar mới đây mà chúng tôi có được, hiện ngoài việc sản xuất đường (sugar), doanh nghiệp này đăng ký tới 47 lĩnh vực sản xuất kinh doanh gồm: chăn nuôi gia cầm; chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm về thịt; Bán lẻ lương thực, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, thuốc lào lưu động hoặc tại chợ; Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê; Giáo dục nhà trẻ; Giáo dục mẫu giáo…
Riêng về lĩnh vực bất động sản, vào tháng 9/2021, giới nhà đầu tư không khỏi ngạc nhiên khi Sông Lam Sugar có tên, góp mặt là một trong 3 ứng cử viên tham gia đấu thầu dự án Khu đô thị Nam thị trấn Đô Lương với khái toán mức vốn đầu tư 447 tỷ đồng (gồm 24,3 tỷ đồng chi phí đền bù GPMB), quy mô 11,42ha.
Ở gói thầu này, ngay từ đầu, xét các tiêu chí về kinh nghiệm, tài chính thì Sông Lam Sugar tỏ ra “lép vế” hơn so với 02 ứng cử viên còn lại gồm Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hùng Sơn có địa chỉ tại xã Nghi Phú, TP. Vinh và Công ty CP Địa ốc Vườn Xanh địa chỉ thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
Ngay sau đó, Song Lam Sugar và Địa ốc Vường Xanh đã phải “dừng chân” tại gói thầu nói trên do không đủ kinh nghiệm và năng lực tài chính…
Ai đang là người “cầm chịch” Song Lam Sugar?
Trước đó, vào cuối năm 2018, Sông Lam Sugar cũng được dư luận biết đến với hàng loạt lùm xùm liên quan đến vi phạm Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng…khi triển khai thi công dự án xây dựng nhà máy chè Sông Lam, “xoá sổ” hàng nghìn m2 đất nông nghiệp tại xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.
Theo dữ liệu mà phóng viên có được, Sông Lam Sugar đăng ký ngành nghề kinh doanh lần đầu từ năm 1993, thay đổi lần thứ 14 vào ngày 26/7/2021 và hiện nay do ông Đặng Mạnh Hùng (SN 1982) làm Chủ tịch HĐQT - người đại diện pháp luật cho doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, trong 4 cổ đông thành lập Sông Lam Sugar hiện nay, ông Đặng Mạnh Hùng lại không có tên trong danh sách mà thay vào đó gồm các ông Đặng Văn Cảnh, Phan Đình Đức, Hoàng Văn Hùng đều trú tại xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn và Lê Thanh An trú ở Tp Vinh, Nghệ An.
>> Nghệ An: Các bị cáo trong vụ Ơ Đu đã lợi dụng chức vụ như thế nào trước khi nhận án tù?
Riêng về vai trò cá nhân ông Đặng Mạnh Hùng ngoài việc được giao “cầm chịch” trong chuỗi hoạt động sản xuất kinh doanh của Sông Lam Sugar thì vị này còn xuất hiện tên trong 16 doanh nghiệp trong 3 năm gần đây.
Và, tỷ lệ vốn góp của cá nhân ông Đặng Mạnh Hùng với tỷ lệ 96% đang có ở trong các doanh nghiệp gồm: Công ty CP chế biến chè Phương Đông; Công ty CP dịch vụ và vận tải Sông Lam Group; Công ty CP Đầu tư phát triển nguyên liệu Sông Lam; Công ty CP nuôi trồng thuỷ sản Sông Lam.
Bên cạnh đó, tỷ lệ vốn góp, giữ vai trò người sáng lập của ông Đặng Mạnh Hùng cũng xuất hiện ở các doanh khác như: Công ty CP Đầu tư xây lắp Dầu khí số 1 Nghệ An (vốn góp 70%); Công ty CP phát triển Chè Nghệ An (95,7930%, vai trò là người sáng lập và Chủ tịch HĐQT – đại diện pháp luật cho doanh nghiệp)…
Mặt khác, ông Đặng Mạnh Hùng còn có vai trò là tổng giám đốc của Công ty CP đầu tư xây lắp số 1 Dầu khí Nghệ An với tỷ lệ vốn góp 70%.
Được biết, trong những năm gần đây, Sông Lam Sugar đã mạnh tay đầu tư xây dựng hàng loạt các dự án xây dựng và mua sắm, nhập khẩu nhiều dây chuyền thiết bị máy móc hàng tỷ đồng.
Đáng quan tâm, tình hình tài chính của Sông Lam Sugar giai đoạn 2017-2019 không đạt tốc độ tăng trưởng khả quan khi liên tục báo thua lỗ. Gần đây nhất, vào năm 2019, doanh nghiệp này đạt doanh thu 99 tỷ đồng, lỗ sau thuế 23,5 tỷ đồng, đẩy lỗ luỹ kế tại cuối kỳ lên tới 27 tỷ đồng, tổng tài sản là 264,6 tỷ đồng.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.
Có thể bạn quan tâm
Vụ cơ sở chế biến tinh bột sắn chui ở Nghệ An: Chính quyền xử lý như thế nào?
16:19, 23/11/2021
Nghệ An: Các bị cáo trong vụ Ơ Đu đã lợi dụng chức vụ như thế nào trước khi nhận án tù?
11:00, 21/11/2021
Nghệ An: Dự án chưa được phép bán, vẫn vây tôn quảng cáo với tên gọi khác?
11:00, 19/11/2021
Siêu dự án ở Nghệ An "treo đầu dê, bán thịt chó"
03:50, 18/11/2021
Nghệ An “tuýt còi” siêu dự án khu đô thị NIDCO Thịnh Lợi
11:10, 13/11/2021