Thu ngân sách giảm, ngành Thuế bàn giải pháp ứng phó
Số thu ngân sách các tháng đầu năm đang có dấu hiệu suy giảm nhanh, nếu loại trừ các khoản thu sau quyết toán và đột biến phát sinh thì thu nội địa quý I/2023 chỉ bằng 84,6% so cùng kỳ.
>> Ngăn chặn, phòng ngừa việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện các giải pháp tăng cường công tác quản lý thu, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu năm 2023, ông Phi Vân Tuấn - Phó Tổng cục Trưởng cho biết, tình hình thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách quý I năm 2023 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, áp lực từ sức ép lạm phát, hệ thống tài chính tiền tệ gặp thách thức lớn khi đồng nội tệ tại nhiều quốc gia mất giá mạnh, cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina chưa dự báo được thời điểm kết thúc.
Trong nước GDP quý I ước chỉ tăng 3,32 % so với cùng kỳ, gần như thấp nhất trong những năm gần đây, Kim ngạch xuất nhập khẩu giảm mạnh 2 tháng liên tiếp, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu quý I/2023 giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước; giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I/2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước; Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 2% về số doanh nghiệp, giảm 34,1% về vốn đăng ký và giảm 12,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước… đã tác động đến thu NSNN trong quý I/2023.
Tổng thu NSNN 3 tháng đầu năm 2023 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 430.535 tỷ đồng, bằng 31,4% dự toán, bằng 105,5% so với thực hiện năm 2022. Trong đó: Thu dầu thô ước đạt 15.883 tỷ đồng bằng 37,8% dự toán, bằng 90,8% so cùng kỳ. Thu nội địa ước đạt 414.653 tỷ đồng, bằng 31,1% dự toán, bằng 106,1% so cùng kỳ, trong đó thu thuế phí nội địa ước đạt 332.234 tỷ đồng bằng 31,1% dự toán, bằng 107,1% so cùng kỳ.
Theo ông Phi Vân Tuấn, mặc dù thu quý I/2023 đạt 31,4% dự toán, tăng 5,5% so cùng kỳ, nhưng, tiến độ thu ngân sách quí I thấp hơn 2 năm liền kề trước đó. Số thu qua các tháng có dấu hiệu suy giảm nhanh, tính chung 3 tháng, nếu loại trừ các khoản thu sau quyết toán và đột biến phát sinh năm 2022 nộp trong năm 2023 thì thu nội địa quý I/2023 của toàn quốc chỉ bằng bằng 19,1% dự toán, bằng 84,6% so cùng kỳ.
Nhiều khoản thu trọng yếu thu trong quí I đều thấp hơn cùng kỳ năm trước như: thuế GTGT bằng 95,5%, TTĐB bằng 92,9%, TNCN bằng 97,3%… Mức giảm thu diễn ra ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực tại nhiều địa phương như: bất động sản bằng 54,9%; ô tô bằng 73%; chứng khoán bằng 42,6%; dầu khí bằng 88,1% so cùng kỳ…
Bên cạnh đó, các giải pháp về chính sách giảm thuế được ban hành quyết liệt từ rất sớm với quy mô lớn như: chính sách về giảm thu thuế BVMT được ban hành ngay từ đầu năm, chính sách về giảm thu tiền thuê đất được ban hành cho năm 2022. Thì hiện nay đang trình giảm tiền thuế đất cho năm 2023 và giảm 2% thuế GTGT đối với tất cả các mặt hàng chịu thuế 10%.
Theo tính toán của Tổng cục Thuế, tổng số tiền giảm, gia hạn năm 2023 ước tính lên đến trên 194 ngàn tỷ đồng. Trong đó, tổng số giảm khoảng 69 ngàn tỷ đồng thêm ngoài dự toán đã tính (gồm: giảm thuế BVMT khoảng 38 ngàn tỷ; giảm tiền thuê đất cho năm 02 năm khoảng 7 ngàn tỷ; dự kiến giảm 2% thuế suất thuế GTGT khoảng 22,2 ngàn tỷ;… Gia hạn thuế GTGT, TNDN, TNCN, tiền thuế, tiền thuê đất khoảng 125 ngàn tỷ đồng).
Chia sẻ về các giải pháp quản lý thu tại hội nghị, ông Nguyễn Tiến Trường - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, Cục thuế Hà Nội sẽ triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ và giải pháp điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế để phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp trở lại cho NSNN.
Cục Thuế TP. Hà Nội xác định công tác quản lý NNT là cơ sở quan trọng hàng đầu của công tác quản lý thuế. Theo đó, cục thuế đã và đang tiếp tục triển khai quản lý chặt chẽ đối tượng NNT (bao gồm tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân) trên cơ sở nắm bắt, cập nhật đầy đủ, kịp thời các thông tin định danh, thông tin về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, giám sát chặt chẽ tình hình kê khai, thực hiện nghĩa vụ với NSNN.
Cùng với đó, Cục Thuế TP. Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế theo chuyên để, tập trung vào một số ngành nghề, hoạt động có rủi ro, có nguy cơ vi phạm cao như: tài chính, bất động sản, thương mại điện tử, chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp hoàn thuế và sẽ tập trung thanh kiểm tra doanh nghiệp có giao dịch liên kết lớn, nhóm đối tượng có nhiều dư địa khai thác thu…
Ông Thái Minh Giao - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, giải pháp trọng tâm cục thuế triển khai là tập trung quản lý, thu kịp thời các nguồn thu, tăng cường quản lý nợ thuế.
Cùng đó, Cục thuế TP. Hồ Chí Minh cũng chủ động rà soát tình hình kê khai của doanh nghiệp, tờ khai có mâu thuẫn; theo dõi đánh giá các khoản thu được gia hạn nộp khi đến hạn; phối hợp với các sở, ngành tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; tham mưu UBND thành phố các giải pháp tháo gỡ pháp lý cho dự án bất động sản.
Ngoài ra, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cũng tăng cường phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường thu các khoản thu từ đất theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước…, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách được giao trong năm 2023.
Chia sẻ từ điểm cầu Thái Nguyên, ông Đỗ Trọng Nghĩa - Cục trưởng Cục Thuế Thái Nguyên cho biết, trong thời gian tới, Cục thuế Thái Nguyên đặt ra 3 vấn đề trọng tâm trong công tác quản lý thuế, trong đó chủ động làm việc với doanh nghiệp trọng điểm trên địa bàn, rà soát dự báo đưa ra giải pháp thu phù hợp với tình hình thực tế.
Cục Thuế Thái Nguyên cũng đã giao kế hoạch thu các khoản liên quan đến đất, thu tiền sử dụng đất chi tiết đến từng dự án; đồng thời chủ động tham mưu với Chủ tịch UBND tỉnh triển khai dự án, để đẩy nhanh tiến độ thu tiền sử dụng đất.
Ông Phi Vân Tuấn cho rằng, để phấn đấu hoàn thành và vượt mức dự toán thu NSNN năm 2023 đã được Bộ Tài chính giao là 1.373.244.000 đồng, ngành Thuế tiếp tục bám sát triển khai thực hiện tốt, đồng bộ 10 nhiệm vụ và 22 nhóm giải pháp đã đề ra.
Theo đó, các cục thuế, chi cục thuế trên cả nước tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Thực hiện tốt các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, tháo gỡ kịp thời những khó khăn cho doanh nghiệp, tạo đà cho doanh nghiệp và người dân nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển ổn định, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu bền vững cho NSNN; tập trung vào các giải pháp tìm kiếm nguồn thu, bù đắp một số khoản thu, sắc thuế có thể giảm; công tác thanh tra, kiểm tra; công tác quản lý, đôn đốc thu hồi nợ; công tác hoàn thuế; thực hiện công tác kỷ luật, kỷ cương; thực hiện công tác lập và xây dựng dự toán năm 2024.
Đối với công tác hoàn thuế, tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát, kiểm tra hóa đơn điện tử theo phương pháp rủi ro để ngăn chặn gian lận trong việc sử dụng hóa đơn nhằm chống thất thu cho ngân sách. Đồng thời, tập trung nguồn nhân lực giải quyết nhanh chóng những hồ sơ hoàn thuế đủ điều kiện, tháo gỡ nguồn vốn tức thì để doanh nghiệp có nguồn vốn quy vòng tài chính, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Có thể bạn quan tâm
Giảm 2% thuế giá trị gia tăng – “Một mũi tên trúng nhiều đích”
03:30, 27/04/2023
Ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu: Khẩn trương sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp
03:00, 26/04/2023
Ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu: Chính sách hỗ trợ về chi phí là hàng đầu
03:50, 25/04/2023
Kiến nghị "bù đắp" ưu đãi cho nhà đầu tư chịu tác động từ Thuế tối thiểu toàn cầu
04:00, 24/04/2023