Để thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu, giảm những rủi ro tác động tiêu cực đến thu hút vốn đầu tư FDI, nhiều ý kiến cho rằng, cần gấp rút sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp…
>> Ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu: Chính sách hỗ trợ về chi phí là hàng đầu
Phân tích của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây cho thấy, Việt Nam đang sử dụng ưu đãi thuế như một công cụ đòn bẩy tài chính để thu hút đầu tư. So với các nước trong khu vực, thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam được cho là hấp dẫn.
Hiện nay, ưu đãi thuế của Việt Nam cho nhà đầu tư nước ngoài gồm những chính sách phổ biến là ưu đãi thời gian miễn thuế 4 năm, giảm thuế 9 năm đối với dự án đầu tư mới; miễn thuế 2 năm, giảm 4 năm đối với dự án đầu tư mở rộng. Một số tính toán cho thấy trong khi thuế suất phổ thông là 20% thì thuế thực tế với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong kỳ ưu đãi thuế trung bình là 12,3%, trong đó một số tập đoàn lớn chỉ ở mức vài %.
Tuy nhiên, khi thuế suất tối thiểu toàn cầu được áp dụng thì có thể một số tập đoàn lớn sẽ phải nộp thêm một phần thuế bổ sung ở nước khác hoặc nơi họ có trụ sở chính. Như vậy, lợi ích trước đây là phần ưu đãi thuế được hưởng thì nay sẽ không còn nữa hoặc giảm đáng kể. Hiệu lực và tính hấp dẫn chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư sẽ bị giảm trong nhiều trường hợp.
Và như đã thông tin, tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Chủ tịch Quốc hội - Vương Đình Huệ đã bày tỏ sự “sốt ruột” vì thuế tối thiểu toàn cầu là vấn đề cấp bách, cần có hành động chính sách, sửa đổi nội luật để tận dụng cơ hội và thích ứng với thách thức nhưng lại chưa thấy xuất hiện trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và 2024.
Bởi vậy, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tìm đối sách cho thuế tối thiểu toàn cầu là việc rất cấp bách trong giai đoạn hiện nay và sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp là một trong những giải pháp thích ứng đầu tiên.
Theo Chủ tịch Quốc hội - Vương Đình Huệ, luật này dứt khoát phải làm ngay, nếu không làm ngay, có nghĩa Việt Nam từ bỏ quyền đánh thuế bổ sung và năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thu hút vốn FDI sẽ bị tác động rất nặng nề.
>> Ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu: Sớm triển khai thuế tối thiểu nội địa
Ngay sau phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội cũng đã có văn bản thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, đề nghị Chính phủ cần khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu, rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đưa vào Chương trình năm 2023, năm 2024, kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, đáp ứng yêu cầu thực tiễn;
Trong đó, cần tập trung nghiên cứu, xử lý nội dung liên quan đến áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu để kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, bảo đảm kịp thời áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024.
Xoay quanh câu chuyện ứng phó khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, các chuyên gia cũng khuyến nghị, Việt Nam phải thực hiện các quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu càng sớm càng tốt, bởi nếu không, khoản “thuế chênh lệch” sắp tới của các công ty đa quốc gia đặt tại Việt Nam sẽ được thu hồi về các quốc gia sở tại của các doanh nghiệp. Mặt khác, môi trường đầu tư tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng do các nhà đầu tư sẽ chuyển hướng đầu tư sang các quốc gia khác có cơ chế chia sẻ lợi ích liên quan đến quy định thuế mới này.
Mặc dù thuế tối thiểu toàn cầu được cho là thách thức rất lớn, tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cũng mang đến cơ hội mới cho Việt Nam. Trốn thuế, chuyển giá từng là vấn đề nhức nhối trong quá khứ nhưng tới đây sẽ phải được giải quyết trong bối cảnh thảo luận sửa đổi khung pháp lý về thuế để thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu.
Được biết, trước những đòi hỏi cấp bách trong việc thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng và thực hiện thủ tục trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu với hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024 cho đến khi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) được ban hành và thay thế cho Nghị quyết này.
Đối với dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) liên quan đến chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng và thực hiện thủ tục để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, tháng 5/2023.
Có thể bạn quan tâm
Ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu: Chính sách hỗ trợ về chi phí là hàng đầu
03:50, 25/04/2023
Kiến nghị "bù đắp" ưu đãi cho nhà đầu tư chịu tác động từ Thuế tối thiểu toàn cầu
04:00, 24/04/2023
Ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu: Sớm triển khai thuế tối thiểu nội địa
04:00, 24/04/2023
Ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu: Cần xây dựng chính sách ưu đãi phù hợp
03:30, 23/04/2023
Ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu: Cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn để bù đắp
04:00, 22/04/2023