Nghiên cứu - Trao đổi

Hoàn thiện khung khổ pháp lý để triển khai thuế tối thiểu toàn cầu

Yến Nhung 20/12/2024 04:30

Việc hoàn thiện pháp lý liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu hiện nay có vai trò rất quan trọng đối với khả năng cạnh tranh thu hút đầu tư.

Thực tế cho thấy, việc xây dựng và triển khai các chính sách thuế luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng, không chỉ đối với các cơ quan nhà nước mà còn đối với tất cả các doanh nghiệp, tổ chức và cộng đồng quốc tế. Nghị quyết 107/2023/QH15 của Quốc hội đã đề ra một hướng đi mới trong việc bảo vệ nền tài chính quốc gia, đồng thời cũng tạo điều kiện cho Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với cộng đồng quốc tế trong bối cảnh thuế toàn cầu đang có những biến động mạnh mẽ. Đồng thời, đây là một phần trong cam kết của Việt Nam đối với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nhằm đảm bảo sự công bằng trong hệ thống thuế quốc tế, ngăn chặn hiện tượng chuyển lợi nhuận và tránh việc thuế bị “hạ thấp” qua các hình thức chuyển nhượng lãi suất hoặc lợi nhuận giữa các công ty đa quốc gia.

thue.jpg
Nghị quyết 107/2023/QH15 của Quốc hội đã đề ra một hướng đi mới trong việc bảo vệ nền tài chính quốc gia - Ảnh: ITN

Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Nghị quyết số 107/2023/QH15 (Dự thảo). Hiện nay, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã hoàn thiện và đang lấy ý kiến với Dự thảo, đảm bảo hiệu quả khi đi vào thực thi. Dự thảo hướng dẫn các nội dung mà Nghị quyết số 107/2023/QH15 giao Chính phủ quy định chi tiết để thực hiện đầy đủ các quy định của OECD về tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) áp dụng đổi với tập đoàn của Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài và quy định thuế bổ sung tổi thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) áp dụng đối với công ty thành viên có hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam của các tập đoàn đa quốc gia. Dự thảo có 3 phần, với 4 chương và 24 điều quy định gần như đầy đủ những nội dung liên quan về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam từ nội dung phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, người nộp thuế, nguyên tắc áp dụng QDMTT, xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn… cho đến thanh tra, kiểm tra thuế và trách nhiệm thi hành.

Đánh giá cao sự nỗ lực về chính sách pháp luật của Việt Nam, TS Peter Wenzel, Chuyên gia tư vấn chính sách về thuế đại diện Dự án Tăng cường quản lý tài chính công tại Việt Nam nhận định, ngay sau khi Nghị quyết 107/2023/QH15 về thuế tối thiểu toàn cầu được Quốc hội Việt Nam thông qua vào tháng 11/2023, việc Việt Nam tiến hành nghiên cứu xây dựng các quy định chi tiết về thuế tối thiểu toàn cầu là một bước đi rất chủ động thể hiện được mong muốn hội nhập quốc tế sâu rộng hơn trong môi trường kinh tế thế giới.

“Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong việc xây dựng quy định chi tiết về thuế tối thiểu toàn cầu. Với sự nghiêm túc trong tiếp cận vấn đề để phối hợp với các tổ chức quốc tế và các quốc gia đã triển khai hệ thống thuế này để nghiên cứu và những bước đi chắc chắn trong xây dựng các quy định phù hợp với thông lệ quốc tế sẽ góp phần vào sự thành công của việc áp dụng Nghị quyết vào thực tế”, TS Peter Wenzel bày tỏ.

anh-t22.png
Việc hoàn thiện pháp lý liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu hiện nay có vai trò rất quan trọng đối với khả năng cạnh tranh thu hút đầu tư - Ảnh: ITN

Đồng tình với quan điểm nêu trên, bà Hoàng Thị Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính, tiền tệ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia và có thể đối mặt với các thách thức pháp lý và kỹ thuật trong quá trình triển khai. Do đó, để triển khai thu thuế hiệu quả, Việt Nam cần điều chỉnh các quy định về thuế trong nước để phù hợp với các nguyên tắc của thuế tối thiểu toàn cầu và đảm bảo tính nhất quán trong thực thi; đồng thời cần thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu, đánh giá rõ tác động của việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu đối với các ngành nghề và nền kinh tế để đưa ra các quyết sách phù hợp.

Còn theo chuyên gia thuế Thành Xuân Lý, để đảm bảo các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu áp dụng tại Việt Nam “đạt chuẩn” khi được rà soát đồng cấp, được các nước khác chấp nhận, ngoài Nghị quyết số 107/2023/QH15 và các quy định liên quan về thuế thuế tối thiểu toàn cầu, quản lý thuế thì cơ sở chủ yếu, không thể thiếu để xây dựng nội dung Dự thảo này là “Bộ quy định về thuế tối thiểu toàn cầu của Diễn đàn hợp tác chung về chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận toàn cầu” của OECD.

“Hiện nội dung này chưa được quy định cụ thể tại Nghị quyết số 107/2023/QH15. Chỉ khi tham chiếu đầy đủ các quy định của Bộ quy định này để xây dựng nội dung Dự thảo (bao gồm cả các Phụ lục) thì mới đảm bảo các quy định về thuế thuế tối thiểu toàn cầu áp dụng tại Việt Nam phù hợp, thống nhất với Bộ quy định nói trên của OECD”, chuyên gia này nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hoàn thiện khung khổ pháp lý để triển khai thuế tối thiểu toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO