Để Trọng tài thương mại chia sẻ gánh nặng với hệ thống Tòa án

Bài & Ảnh: GIA NGUYỄN 12/05/2023 14:57

Trong khuôn khổ Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại năm 2023, sáng 12/5/2023, VIAC phối hợp với VBLC tổ chức “Hội nghị Sẵn sàng cho những đột phá trong trọng tài quốc tế tại Việt Nam”…

>> Hòa giải thương mại – Phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả

Theo đó, trong khuôn khổ Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại năm 2023, sáng ngày 12/5/2023 tại Hà Nội, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Câu lạc bộ Luật sư Thương mại Quốc tế (VBLC) tổ chức Hội thảo “Sẵn sàng cho những đột phá trong trọng tài quốc tế tại Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ, trong giao thương và đầu tư xuyên biên giới, có tới hơn 90% các doanh nghiệp lựa chọn sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Toà án (ADRs) chứ không đưa tranh chấp phát sinh ra các Tòa án quốc gia.

TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu tại Hội nghị

TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo

Theo TS. Lộc, nhận định này dựa trên kết quả khảo sát được thực hiện liên tục trong nhiều năm và bởi Trường luật Queen Mary, Đại học London, Anh Quốc; gần đây nhất trong báo cáo năm 2021, kết quả khảo sát vẫn khẳng định, xu hướng sử dụng ADRs thay cho phương thức tòa án hầu như không thay đổi kể cả sau đại dịch COVID-19.

“Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải Việt Nam 2023 đã gần hết hành trình sau rất nhiều thảo luận về những biến động, rủi ro và cơ hội; về các tranh chấp ở các lĩnh vực/ngành nghề cụ thể, cũng như đã đi sâu vào nhiều khía cạnh của thủ tục trọng tài; hòa giải quốc tế, vì vậy, VIAC mong muốn các đại biểu trao đổi về các yếu tố: Luật trọng tài sửa đổi bảo vệ được những điểm tốt của luật 2010; bổ sung các quy định còn thiếu dựa trên tham khảo Luật Mẫu 2010; Bộ Tư pháp dành nhiều quan tâm hơn khi thực hiện chức năng quản lý và thúc đẩy thị trường trọng tài; Hệ thống Tòa án, các thẩm phán ủng hộ các thủ tục trọng tài, các phán quyết trọng tài khi thực hiện thẩm quyền giám sát tư pháp của mình; Cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục quản điểm tiếp cận không phân biệt phán quyết Trọng tài hay Bản án của Tòa án… để chuẩn bị tốt hơn cho những chặng đường sắp tới”, TS. Lộc chia sẻ.

Hội nghị nhận được sự quan tâm của các chuyên gia, diễn giả trong và ngoài nước

Hội thảo nhận được sự quan tâm của các chuyên gia, diễn giả trong và ngoài nước

Cũng theo TS. Lộc, tất cả các yếu tố này cùng nhau tạo nên một hệ sinh thái cho trọng tài thương mại thực sự phát triển, để trọng tài thương mại giúp chia sẻ gánh nặng với hệ thống Tòa án, giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn cho trọng tài quốc tế.

Từ đề xuất này, tại Hội thảo, các diễn giả đã cùng nhau thảo luận và chia sẻ về 12 năm thực thi Luật Trọng tài thương mại và những thành tựu mà văn bản quy phạm pháp lý này đã đạt được.

Các diễn giả tham gia trao đổi tại Hội nghị

Các diễn giả tham gia trao đổi tại Hội thảo

Theo các diễn giả, Luật Trọng tài thương mại 2010 có thể nói là nền tảng cho sự phát triển thị trường trọng tài tại Việt Nam, giúp phương thức trọng tài được triển khai tương đối thuận lợi so với giai đoạn trước luật. Có thể đề cập đến một số điểm nhấn như:

Thứ nhất, các nguyên tắc của Trọng tài quốc tế được tiếp thu trong trong Luật Trọng tài thương mại cho phép thủ tục trọng tài tại các tổ chức trọng tài trong nước dần tiệm cận tương đồng với thủ tục trọng tài quốc tế.

Thứ hai, các quy định về thủ tục trọng tài tại thời điểm hiện tại có thể chưa hoàn thiện toàn bộ so với Luật Mẫu của UNCITRAL, song nhìn chung đã cho phép các tổ chức trọng tài đề cao tính linh hoạt trong quyết định tổ chức thủ tục trọng tài của mình, phục vụ nhu cầu giải quyết tranh chấp đáp ứng nhu cầu của thị trường Việt Nam qua từng giai đoạn phát triển.

Thứ ba, vai trò giám sát và hỗ trợ của Tòa án đối với trọng tài được khẳng định, thiết lập các nguyên tắc lớn trong mối quan hệ tương hỗ giữa trọng tài và tòa án.

Chia sẻ tại Hội thảo, Luật sư Nguyễn Mạnh Dũng - Chủ tịch ADR Chambers Vietnam LLC cho biết, chúng ta hiện đang ở thời điểm của rất nhiều biến động trong mọi mặt đời sống kinh tế xã hội toàn cầu. Những biến động này cùng những vấn đề nội tại hiện đang đặt ra rất nhiều áp lực đối với thị trường trọng tài Việt Nam. Bởi chúng ta đã và đang trải qua những sự kiện chưa từng có tiền lệ và khó có thể ngờ tới. Tuy vậy, với những thành tựu và kết quả đã được được, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào những bước tiến đầy triển vọng trong 10 năm tới.

Chủ tịch VIAC chụp ảnh lưu niệm với các diễn giả sau Hội thảo

Chủ tịch VIAC chụp ảnh lưu niệm với các chuyên gia, diễn giả tại Hội thảo

Bên cạnh những vấn đề đã nêu, Hội thảo cũng lắng nghe những ý kiến chia sẻ về thực tiễn giải quyết tranh chấp tại các quốc gia và nhận định về bối cảnh thị trường trọng tài trong khu vực hiện tại.

Theo các diễn giả, khu vực châu Á với các nền kinh tế phát triển nhanh và năng động đang ngày càng trở thành địa điểm diễn ra các hoạt động trọng tài quốc tế. Các trung tâm trọng tài tại châu Á đang ngày càng phát triển để thích nghi với sự phát triển và thâm nhập của các tiến bộ công nghệ cũng như xu hướng chuyển đổi số, tạo ra các xu hướng cũng đồng thời là áp lực để dịch vụ trọng tài cần nhanh chóng, tối giản, đem lại các trải nghiệm tốt hơn cho người dùng và đảm bảo cạnh tranh trong thị trường trọng tài.

Trọng tài quốc tế và thị trường Trọng tài tại Việt Nam nói chung được đánh giá đang phát triển sôi động với nhiều triển vọng ở một nền kinh tế mở như Việt Nam với sự gia tăng của hoạt động thương mại và đầu tư kinh doanh xuyên biên giới và nhu cầu của doanh nghiệp về các cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả và đáng tin cậy cho các hoạt động này…

Có thể bạn quan tâm

  • Hòa giải thương mại – Phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả

    Hòa giải thương mại – Phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả

    13:45, 11/05/2023

  • Cần nâng cấp hệ thống pháp luật về… hòa giải thương mại

    Cần nâng cấp hệ thống pháp luật về… hòa giải thương mại

    11:00, 28/08/2022

  • “Đã đến lúc phải có Luật riêng về hòa giải thương mại”

    “Đã đến lúc phải có Luật riêng về hòa giải thương mại”

    11:00, 14/09/2021

  • Cần Luật riêng về hòa giải thương mại

    Cần Luật riêng về hòa giải thương mại

    10:40, 19/06/2020

  • Chính thức diễn ra Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại

    Chính thức diễn ra Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại

    04:30, 15/06/2020

Bài & Ảnh: GIA NGUYỄN