Thúc đẩy phát triển các mô hình đối tác công - tư
Hình thức hợp tác công - tư (PPP) không chỉ là giải pháp phát huy thế mạnh của cả khu vực công và khu vực tư, mà còn là sự hợp lực cần thiết để thúc đẩy phát triển các dự án hạ tầng, dịch vụ công…
>> Hoàn thiện pháp lý để phát huy lợi thế mà PPP mang lại
Nhằm thúc đẩy các mô hình đối tác công - tư được triển khai hiệu quả tại Việt Nam, sáng ngày 14/06, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan phát triển quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Tọa đàm “Góp ý Báo cáo rà soát các mẫu hợp đồng hợp tác công – tư và Báo cáo huy động nguồn lực tài chính mới cho các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam”.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VIAC, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho biết, từ kinh nghiệm đi trước của các quốc gia trên thế giới, tại Việt Nam, hình thức hợp tác công - tư (PPP) được xem là giải pháp phát huy thế mạnh của cả khu vực công và khu vực tư, cùng hợp lực để thực hiện các dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, các dịnh vụ công... nhằm giảm áp lực cho ngân sách quốc gia và giảm sự lệ thuộc vào nguồn vốn viện trợ hoặc vay ưu đãi nước ngoài, nâng cao hiệu quả đầu tư, cải thiện chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân, đồng thời giảm các tiêu cực trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản.
Song, với đặc điểm quy mô lớn cùng với thời gian thực hiện dài, các dự án PPP đòi hỏi phải có cơ chế sắp xếp tài chính phù hợp, hợp đồng cần được soạn thảo, rà soát kỹ lưỡng để tăng cường tính bền vững đồng thời giảm thiểu rủi ro trong quá trình triển khai dự án.
>> Rào cản cho nhà đầu tư dự án PPP
“Các hoạt động rà soát, nghiên cứu quy định pháp luật, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sắp xếp tài chính, mô hình tài chính cho dự án và các điều khoản hợp đồng mẫu là vô cùng cần thiết, đồng thời giúp cả phía cơ quan Nhà nước và khối tư nhân có thêm các thông tin và sáng kiến để thực hiện hợp tác công tư hiệu quả, giúp tận dụng nguồn lực xã hội cho mục tiêu công – mục tiêu cải thiện đời sống kinh tế xã hội của người dân Việt Nam”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Để có một cái nhìn cụ thể về các mẫu hợp đồng hợp tác công - tư, Tọa đàm cũng được nghe trình bày về Dự thảo Báo cáo rà soát các mẫu hợp đồng hợp tác công – tư của TS. Lê Đình Vinh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink, Trọng tài viên VIAC và Dự thảo Báo cáo huy động nguồn lực tài chính mới cho các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam của ông Phan Vinh Quang - Trưởng nhóm Nghiên cứu, Dự án AEO, Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID).
Theo TS. Lê Đình Vinh, Báo cáo rà soát các mẫu hợp đồng công – tư được thực hiện trong bối cảnh thiếu hụt các quy định hướng dẫn cụ thể thi hành Luật PPP, được Quốc hội thông qua ngày 18/06/2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Bên cạnh đó, việc thiếu các mẫu hợp đồng dự án PPP cũng góp phần là nguyên nhân khiến các bộ, ngành, địa phương gặp khó khăn, lúng túng trong quá trình nghiên cứu, chuẩn bị và triển khai dự án đầu tư PPP.
Đặt trong bối cảnh đã nêu, Báo Cáo này không chỉ rà soát, đánh giá hiện trạng pháp luật về PPP nói chung và các mẫu Hợp đồng BOT, BLT và O&M áp dụng trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, thoát nước và xử lý chất thải, có tham khảo kinh nghiệm pháp luật và thực tiễn triển khai hợp đồng dự án PPP tại Việt Nam cũng như các nước trong khu vực và trên thế giới. Mà trên cơ sở đó, còn đưa ra những khuyến nghị về việc bổ sung, chi tiết hóa các quy định tại Mẫu Hợp đồng BOT trong quá trình soạn thảo, đàm phán, ký kết các Hợp đồng BOT; đồng thời đưa ra các đề xuất, gợi ý về các tiêu chí xây dựng các Mẫu Hợp đồng BLT và Hợp đồng O&M trong thời gian tới.
Còn theo ông Phan Vinh Quang, Báo cáo huy động nguồn lực tài chính mới cho các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam được thực hiện nhằm xem xét những phương thức mới, sáng tạo đã được thực hiện trên thế giới để thu hút các nhà đầu tư, tổ chức vào cơ sở hạ tầng cũng như đánh giá những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư đến Việt Nam.
Theo Báo cáo Viễn cảnh cơ sở hạ tầng toàn cầu (Global Infrastructure Outlook), Việt Nam sẽ cần hơn 600 tỷ USD để đạt được các mục tiêu về cơ sở hạ tầng vào năm 2040. Nguồn ngân sách truyền thống sẽ không đủ để giải quyết các nhu cầu tài chính đó. Cơ sở hạ tầng của Việt Nam hầu hết được đầu tư trực tiếp bởi chính phủ và các cơ quan khác thuộc khu vực công, chẳng hạn như chính quyền địa phương và doanh nghiệp Nhà nước, trong khi sự tham gia của khu vực tư nhân còn hạn chế.
“Khi ngân sách Nhà nước chịu thêm gánh nặng bởi các khoản chi tiêu liên quan đến COVID-19, khả năng tài chính để đầu tư cơ sở hạ tầng mới ngày càng bị giới hạn. Do đó, Báo cáo cũng đưa ra khuyến nghị Chính phủ Việt Nam (GOV) cần xác định những phương thức mới để huy động nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng”, ông Phan Vinh Quang chia sẻ.
Xoay quanh các nội dung đã nêu, Tọa đàm cũng lắng nghe các tham luận góp ý, trao đổi để Ban soạn thảo có thêm góc nhìn khách quan, thực tiễn, và khoa học nhằm hoàn thiện tới từ các chuyên gia, các cơ quan quản lý.
Có thể bạn quan tâm
Hợp tác công tư vì sự phát triển bền vững
10:00, 21/04/2023
VBF 2023: Chú trọng hợp tác công tư PPP để phát triển năng lượng tái tạo
14:47, 19/03/2023
TS Lê Xuân Nghĩa: Hợp tác công tư - Đòn bẩy đưa du lịch Quảng Ninh cất cánh
12:30, 10/10/2022
Cơ chế tài chính cho Hợp tác công tư: Quản lý tài chính từ góc nhìn quốc tế
17:05, 09/05/2021
Cơ chế tài chính cho Hợp tác công tư: Chọn lọc nhà đầu tư chất lượng
11:08, 09/05/2021