Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng: mục tiêu đầu tiên của các văn bản pháp lý về PPP là chọn lọc ra những nhà đầu tư chất lượng.
LTS: Nghị định số 28/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức PPP do Bộ Tài chính chủ trì xây dựng vừa được Chính phủ ban hành cuối tháng 3/2021. Tuy vậy, những quy định về cơ chế quản lý tài chính đang tạo nên những tranh cãi dữ dội.
- Theo quy định mới nhà đầu tư sẽ bỏ vốn chủ sở hữu và vốn vay để thực hiện trước, nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng điều này “gây khó” cho họ, thưa ông?
Tôi cho rằng đây là một quy định cần thiết và hợp lý đối với các dự án PPP. Quy định như thế sẽ bảo đảm chắc chắn rằng nhà đầu tư hoàn thành được công trình, thay vì Nhà nước bỏ tiền ra trước để thực hiện dự án rồi nhà đầu tư bỏ tiền theo sau thì Nhà nước lại phải chịu rủi ro trước, chịu rủi ro thay cho nhà đầu tư, nhất là trường hợp dự án thất bại.
Vì nhà nước thiếu vốn thì mới kêu gọi hình thức đầu tư PPP, nên thường thì vốn mồi của nhà nước đối với các dự án PPP không nhiều. Nếu thiếu vốn, ít vốn hay không cân đối được nguồn vốn đầu tư dài hạn, thì nhà đầu tư không có lý do chính đáng tham gia lĩnh vực này. Sân chơi PPP chỉ dành cho nhà đầu tư có tiềm lực mạnh về tài chính. Thứ mà doanh nghiệp cần để thực hiện các dự án PPP không phải là vốn mồi, mà là sự bảo đảm đầu tư, về cơ chế chính sách, về thủ tục triển khai dự án và về quyền sử dụng đất đai.
Tôi cho rằng lẽ ra quy định này phải có ngay từ khi Việt Nam bắt đầu triển khai thực hiện dự án PPP chứ không phải chờ đến gây giờ, khi chúng ta đã có quá nhiều tai tiếng về các dự án PPP thì mới đưa ra để khắc phục sửa sai, thậm chí đến mức phải cấm thực hiện dự án xây dựng, chuyển giao (BT).
-Tuy nhiên, hiện chưa có cơ chế xử lý trong trường hợp Nhà nước chậm giải ngân phần vốn hỗ trợ và dường như đang đẩy thế khó sang cho nhà đầu tư, thưa ông?
Nhà nước là một bên trong quan hệ hợp đồng PPP, nên phải tự xác định nghĩa vụ của mình theo hợp đồng. Nhà nước chậm giải ngân, tức là vi phạm hợp đồng thì giải quyết theo hợp đồng. Do đó, vấn đề này không cần phải quy định tại bất cứ văn bản pháp lý nào mà theo quy định của Bộ luật Dân sự và các thỏa thuận liên quan. Tình huống xấu nhất, thì nhà đầu tư có quyền khởi kiện tổ chức, cá nhân gây ra thiệt hại cho mình.
- Như ông phân tích thì đây đều là những quy định hợp lý. Nhưng doanh nghiệp vẫn phản ứng, thưa ông?
Phải nhận thức đầy đủ rằng, bản chất của việc triển khai hình thức PPP chính là huy động nguồn lực tư nhân để cùng với và thay thế nhà nước thực hiện dự án quan trọng, nên việc nhà nước đưa ra những quy định chặt chẽ, những yêu cầu cao, mang tính chọn lọc nhà đầu tư như trên là điều đương nhiên.
Nếu doanh nghiệp tư nhân có đủ sức mạnh về nguồn vốn, công nghệ và khả năng quản lý... những quy định pháp luật hiện nay giúp nhà nước chọn ra được những nhà đầu tư có chất lượng để bảo đảm sự thành công của các dự án PPP.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Cơ chế tài chính cho Hợp tác công tư: Nguyên tắc “bình đẳng” và cái bẫy “năng lực”
07:02, 09/05/2021
ĐIỂM BÁO NGÀY 07/05: Cơ chế tài chính cho hợp tác công tư
05:41, 07/05/2021
TP.HCM “xin tiền” làm cao tốc TP.HCM - Mộc Bài theo hình thức PPP
06:00, 26/04/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Quy định cơ chế quản lý tài chính dự án PPP
00:10, 30/03/2021
Cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu dự án PPP: Còn nhiều băn khoăn!
11:10, 18/03/2021