Hải Phòng: Yêu cầu xử lý dứt điểm các vi phạm đê điều
TP Hải Phòng sẽ xem xét, kiểm điểm trách nhiệm của Chủ tịch UBND các quận, huyện nếu không xử lý nghiêm các vi phạm đê điều còn tồn tại và để các vi phạm mới phát sinh.
>>>“Loạn” vi phạm đê điều tại Hà Nội: Nhiều địa phương vào cuộc xử lý, Tây Hồ vẫn "im lìm"
>>>Báo động vi phạm đê điều tại Nam Định: Đừng để “nguy cơ” thành… thiệt hại!
70 công trình vi phạm đê điều
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hải Phòng, từ thời điểm 01/01/2021 đến nay, trên địa bàn thành phố đã phát sinh 70 vụ việc vi phạm xây dựng công trình trên hành lang đê và bãi sông, trong đó đã xử lý dứt điểm 7 vụ việc, còn tồn tại và đang xử lý 63 vụ việc. Các trường hợp vi phạm trên đã được lực lượng quản lý đê phối hợp với địa phương và lực lượng chức năng lập biên bản vi phạm hành chính, kiến nghị xử lý.
Trong 70 vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều nói trên, huyện An Dương có tới 30 vụ vi phạm, huyện An Lão có 12 vụ, quận Lê Chân có 8 vụ, huyện Kiến Thụy có 4 vụ, huyện Vĩnh Bảo có 4 vụ, quận Hải An có 6 vụ, quận Dương Kinh có 2 vụ,…
Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng, liên quan đến các vi phạm trên, UBND TP Hải Phòng, UBND các quận, huyện liên quan đã ban hành 31 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đê điều, đất đai. Riêng UBND TP Hải Phòng có 15 quyết định xử phạt với tổng số tiền là 840 triệu đồng nhưng việc thực hiện khắc phục của người vi phạm vẫn chưa xong, thậm chí một số trường hợp còn chưa nộp tiền phạt và chưa khắc phục hậu quả.
Đơn cử như tại huyện An Dương, hiện vẫn có tới 25/30 vụ chưa xử lý dứt điểm, quận Hải An có 4/6 công trình vi phạm chưa được xử lý dứt điểm. Ngoài ra, các huyện An Lão, quận Dương Kinh, huyện Kiến Thụy, quận Lê Chân, huyện Thủy Nguyên, huyện Vĩnh Bảo, huyện Tiên Lãng, quận Kiến An, 100% các trường hợp vi phạm chưa được xử lý dứt điểm.
Được biết, liên quan đến vi phạm pháp luật về đê điều tại khu vực bãi sông tả Lạch Tray trên địa bàn phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, các cơ quan chức năng Hải Phòng đã nhiều lần ra văn bản chỉ đạo và yêu cầu xử lý dứt điểm tình trạng trên, tuy nhiên mọi hoạt động xây dựng trái phép tại khu vực này vẫn diễn ra rầm rộ.
Cụ thể, ngày 7/3/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hải Phòng đã có báo cáo gửi UBND TP Hải Phòng về thực trạng nhiều hộ cá nhân san lấp mặt bằng, xây dựng công trình vi phạm quy định về đất đai, quy hoạch, đê điều. Cụ thể, tại km25+300, ông Phạm Quốc Hưng (ở khu đô thị ven sông Lạch Tray) xây dựng nhà diện tích 32 m2. Tại km25+400, khu đất Công ty Cổ phần 27-7 đã chuyển nhượng, phát sinh hoạt động san lấp mặt bằng, xây công trình nhà diện tích 50 m2. Ông Tống Phúc Thuần (ở khu đô thị ven sông Lạch Tray) tập kết vật liệu, san lấp mặt bằng, xây dựng công trình rộng 43,5 m.
Sau đó, Sở đã phối hợp với UBND phường Vĩnh Niệm lập biên bản, kiến nghị UBND quận Lê Chân có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Tuy nhiên, các vi phạm vẫn tái diễn, không được xử lý, các đối tượng tiếp tục xây dựng công trình.
Sẽ kiểm điểm trách nhiệm của Chủ tịch quận, huyện
>>>“Loạn” vi phạm đê điều ở Hà Nội: Cần “xử điểm” để răn đe
>>>Xử lý nghiêm các vi phạm đê điều
Liên quan đến các vi phạm đê điều trên, ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã có chỉ đạo yêu cầu UBND các quận, huyện khẩn trương rà soát, xử lý nghiêm, dứt điểm các hành vi vi phạm trên địa bàn quản lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, hoàn thành trong tháng 8/2023.
Trong đó, đặc biệt lưu ý rà soát các trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa chấp hành quyết định xử phạt. Đồng thời hoàn thiện hồ sơ, thực hiện cưỡng chế thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Cùng với đó kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý theo thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân không thực hiện nhiệm vụ xử phạt vi phạm hành chính khi nhận được kiến nghị xử lý của cơ quan quản lý đê điều.
Tập trung kiểm tra, rà soát việc quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven sông, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai, xây dựng công trình trái phép. Cương quyết thu hồi phần diện tích đất lấn, chiếm, sử dụng sai mục đích theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Thành phố sẽ xem xét, kiểm điểm trách nhiệm của Chủ tịch UBND các quận, huyện nếu không thực hiện nghiêm việc xử lý các vi phạm còn tồn tại và để các vi phạm mới phát sinh không được xử lý kịp thời, hiệu quả - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng nhấn mạnh.
Riêng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Tùng giao cho nhiệm vụ chủ động phối hợp với các địa phương trong việc xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều. Khẩn trương tổ chức khảo sát, thực hiện cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê trên địa bàn thành phố theo quy định.
Chỉ đạo Thanh tra Sở tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ đê điều tại các địa phương trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về đê điều cũng như vận động, thuyết phục các trường hợp vi phạm tự giác tháo dỡ công trình vi phạm.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Bá Tiến, theo quy định, các hạt quản lý đê điều, doanh nghiệp thủy lợi chỉ có chức năng kiểm tra, phát hiện vi phạm là lập biên bản vi phạm hành chính, sau đó báo cáo chính quyền địa phương xử lý theo quy định. Vì thế, nếu địa phương vào cuộc tích cực, xử lý triệt để hành vi vi phạm khi mới manh nha, sẽ hạn chế thiệt hại, răn đe các trường hợp có ý định vi phạm tương tự.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Sửa đổi quy định phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch thủy lợi, đê điều
20:58, 07/01/2022
“Loạn” vi phạm đê điều tại Hà Nội: Nhiều địa phương vào cuộc xử lý, Tây Hồ vẫn "im lìm"
04:30, 05/12/2020
Báo động vi phạm đê điều tại Nam Định: Đừng để “nguy cơ” thành… thiệt hại!
12:30, 15/11/2020
“Loạn” vi phạm đê điều ở Hà Nội: Cần “xử điểm” để răn đe
04:50, 24/09/2020